Khám phá Runes Protocol - Tiêu chuẩn tạo token mới trên blockchain Bitcoin
Sau sự ra đời của Ordinals vào đầu năm 2023, hệ sinh thái Bitcoin trở nên sôi động hẳn. Chuyển mình từ một blockchain chỉ đơn giản là xử lý giao dịch sang một blockchain có NFT, hợp đồng thông minh và phát hành được các token có thể thay thế.
Sau đó, nhiều giao thức đã được ra đời trong giai đoạn 2023. Nổi bật nhất phải kể đến là BRC-20, ARC-20, ORC-20, ORC-CASH, SRC-20 hoặc cũ hơn là các giải pháp như RGB, Counterparty, Omni Layer, Taproot Assets. Có thể bạn chưa biết, từ rất xưa Tether đã phát hành đồng USDT trên Omni Layer.
Phải thừa nhận rằng các giải pháp mới này đang khiến hệ sinh thái Bitcoin trở nên sôi động hơn bao giờ hết, mà mang lại dòng tiền dồi dào từ phí giao dịch cho các thợ đào. Nhưng tranh cãi thì vẫn luôn diễn ra. Vì với blockchain Bitcoin, cộng đồng vẫn định vị nó ở một chỗ đứng khác, nơi mà sự ổn định, chắc chắn, đơn giản luôn được nhớ đến. Chứ không phải là một blockchain luôn sôi động phát triển không ngừng như Ethereum.
Nhiều ý kiến trái chiều cho rằng mạng lưới Bitcoin đang bị spam. Những nội dung “như hình ảnh, văn bản” đang được tải lên hàng ngày. Nó làm tăng gánh nặng cho mạng lưới và làm tăng phí giao dịch. Phần nào đó ảnh hưởng đến người dùng thông thường.
Sự xuất hiện của Runes Protocol
Xuất phát từ những hạn chế này nhà sáng lập Ordinals, Casey Rodarmor đã tìm cách giải quyết bằng việc phát triển một giao thức fungible token hoàn toàn mới giúp tối ưu hoá sự phân mảnh này.
Và như vậy, giao thức fungible token trên mạng lưới Bitcoin mang tên Runes được ra đời để thay thế cho những bất cập mà giao thức BRC-20 (giao thức cho phép tạo ra token có thể thay thế trên Bitcoin) đã được phát hành trước đó.
Giao thức Runes được giới thiệu vào tháng 9 năm 2023, như một giải pháp thay thế đơn giản và hiệu quả hơn cho tiêu chuẩn BRC-20 để phát triển token có thể thay thế.
Ban đầu, mã thông báo BRC-20 đã nhanh chóng trở nên phổ biến sau khi ra mắt vào tháng 3 năm 2023, đạt mức vốn hóa thị trường đáng kinh ngạc là 1 tỷ USD trong vòng ba tháng. Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi chúng đã dẫn đến sự tích tụ các UTXO "rác", gây tắc nghẽn mạng.
Giao thức Runes được thiết kế để giải quyết vấn đề này bằng cách triển khai phương pháp tiếp cận dựa trên UTXO nhằm mục đích hạn chế việc tạo ra các UTXO không cần thiết. Runes hoạt động mà không cần dữ liệu ngoài chuỗi hoặc mã thông báo gốc.
Runes Protocol là dự án được phát triển trên hệ sinh thái Bitcoin, bạn đừng nhầm lẫn với token RUNE của THORChain nhé.
Runes vẫn đang ở phiên bản thử nghiệm và dự kiến mainnet vào đúng sự kiện Bitcoin Halving ở block 840,000 trong tháng 04/2024 tới đây.
Sự khác biệt lớn nhất giữa Runes Protocol với các giao thức phát hành fungible token khác nằm ở việc sử dụng mô hình UTXO. Vậy chúng ta sẽ tìm hiểu mô hình UTXO ngay bên dưới nhé.
Mô hình UTXO trong Bitcoin
UTXO, hay Unspent Transaction Outputs, có thể được hiểu như là "tiền thừa" từ các giao dịch trước đó trong mạng lưới Bitcoin.
Mỗi khi bạn thực hiện một giao dịch, bạn "tiêu" một số UTXO và tạo ra UTXO mới. Mà sau này có thể được sử dụng như là nguồn tài nguyên cho các giao dịch tiếp theo. Hãy tưởng tượng UTXO giống như tiền lẻ trong ví của bạn, sau mỗi lần mua hàng, bạn sẽ nhận lại tiền lẻ, và số tiền lẻ đó sẽ được sử dụng cho lần mua tiếp theo.
Có thể bạn chưa biết. Cardano cũng là dự án sử dụng mô hình kết toán UTXO thay vì Account Based Model như các blockchain hợp đồng thông minh khác mà điển hình là Ethereum.
Để dễ hiểu, hãy so sánh UTXO với mô hình dựa trên tài khoản (Account Based Model), nơi bạn có một số dư tổng cộng mà bạn có thể tăng lên hoặc giảm xuống với mỗi giao dịch. Trong khi đó, UTXO không theo dõi "số dư" tổng cộng; thay vào đó, nó theo dõi từng "mảnh" tiền mà bạn có thể tiêu.
Giả sử bạn có 5 đô la trong ví (tài khoản ngân hàng) và bạn mua một món hàng trị giá 3 đô la. Trong mô hình Account Based, số dư của bạn giờ là 2 đô la. Trong mô hình UTXO, bạn "tiêu" một UTXO trị giá 5 đô la và tạo ra hai UTXO mới: một UTXO trị giá 3 đô la cho người bán và một UTXO trị giá 2 đô la trở lại cho bạn như là "tiền thừa".
Mô hình UTXO giúp Bitcoin duy trì tính minh bạch và an toàn cao, nhưng cũng đòi hỏi một cách tiếp cận khác trong việc quản lý giao dịch so với mô hình Account Based, thường thấy trong các blockchain như Ethereum.
Vấn đề dư thừa UTXO với BRC-20
Khi sử dụng BRC-20, mỗi lần tạo hoặc giao dịch token, bạn thực sự tạo ra các UTXO mới. Do BRC-20 và các giao thức tương tự sử dụng Inscriptions (làm một thuật ngữ ám chỉ “khắc” thông tin lên blockchain Bitcoin dựa trên giao thức Ordinal) để ghi chép thông tin token trên blockchain, mỗi Inscription có thể yêu cầu một UTXO riêng, dẫn đến việc tăng số lượng UTXO trên mạng lưới.
Điều này có thể làm cho việc quản lý và xử lý giao dịch trở nên phức tạp hơn, tạo ra "rác" trên mạng lưới vì có quá nhiều UTXO nhỏ lẻ không được sử dụng hiệu quả.
Runes Protocol giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép mỗi UTXO có thể tạo, lưu trữ, quản lý nhiều token một lúc, giúp giảm bớt số lượng UTXO cần thiết cho mỗi giao dịch. Điều này giúp giảm tải cho mạng lưới và làm cho việc quản lý dữ liệu trở nên dễ dàng hơn, giống như việc bạn có thể đựng nhiều món đồ khác nhau trong một chiếc ba lô mà không cần phải mang theo nhiều túi riêng lẻ.
Cơ chế hoạt động của Runes Protocol
Runes Protocol tạo sự khác biệt với toàn bộ phần còn lại bằng cách lưu trữ dữ liệu vào chính UTXO, cụ thể hơn là trong đoạn mã OP_RETURN.
Một UTXO có thể lưu trữ một hoặc nhiều token với số lượng khác nhau và như thế giúp việc quản lý các bộ UTXO hiệu quả hơn. Thêm vào đó, việc loại bỏ đi những phần data bổ trợ giúp hệ thống tăng cường hiệu suất và khiến token “on-chain” hơn.
Việc sử dụng các runes token sẽ tương tự như các giao dịch Bitcoin thông thường. Đồng thời nó cũng tương thích với các mạng lưới mở rộng dựa trên UTXO như Lightning Network từ đó mở rộng tính ứng dụng nhiều hơn cho hệ sinh thái Runes Protocol.
Tạo token trên Runes Protocol
Để tạo token trên Runes Protocol, bạn cần thực hiện một giao dịch đặc biệt trên mạng lưới Bitcoin. Giao dịch này bao gồm một phần dữ liệu được gọi là OP_RETURN, nơi bạn đặt thông tin về token mới của mình.
Thông tin này bao gồm tên token, số lượng token được tạo, và bất kì thuộc tính đặc biệt nào khác của token.
Ví dụ: OP_RETURN
Xử lý token không hợp lệ
Nếu một token được tạo hoặc chuyển không tuân theo quy tắc của Runes Protocol, token đó sẽ bị "đốt cháy" hoặc loại bỏ khỏi hệ thống. Điều này đảm bảo rằng chỉ có các token hợp lệ mới được lưu hành.
Quản lý Token
Sau khi tạo token, bạn có thể quản lý chúng một cách dễ dàng. Bạn có thể giữ chúng trong ví của mình, gửi chúng cho người khác, hoặc nhận thêm token từ người khác. Mỗi token được lưu trữ dưới dạng một phần của dữ liệu trong blockchain Bitcoin, giúp bạn dễ dàng theo dõi số lượng và loại token bạn sở hữu.
Di chuyển token sang người khác
Khi bạn muốn gửi token cho người khác, bạn sẽ thực hiện một giao dịch trên mạng lưới Bitcoin. Trong giao dịch này, bạn chỉ định số lượng và loại token bạn muốn gửi, cũng như địa chỉ ví của người nhận. Giao dịch sau khi được xác nhận sẽ chuyển token từ ví của bạn sang ví của người nhận.
Sự khác nhau giữa Runes Protocol và BRC-20
Runes Protocol và BRC-20 đều là những sáng kiến nhằm mục đích tạo ra và quản lý các token có thể hoán đổi (fungible tokens) trên blockchain Bitcoin, nhưng chúng có những điểm khác biệt quan trọng về cách thức hoạt động và mục tiêu thiết kế. Dưới đây là một số điểm khác biệt chính giữa Runes Protocol và BRC-20:
So sánh sự khác nhau giữa Runes Protocol và BRC-20 - nguồn Xverse
Cơ sở dữ liệu và quản lý UTXO
Runes Protocol: Được thiết kế để hoạt động trực tiếp với mô hình UTXO của Bitcoin. Mỗi UTXO có thể chứa một lượng xác định của một hoặc nhiều loại Runes, giúp quản lý token trở nên linh hoạt và hiệu quả. Điều này khuyến khích việc quản lý UTXO một cách có trách nhiệm, giảm thiểu sự phân mảnh và "rác UTXO" trên chuỗi.
BRC-20: Mặc dù cũng hoạt động trên blockchain Bitcoin thông qua giao thức Ordinals. BRC-20 không tập trung vào việc tối ưu hóa quản lý UTXO như Runes Protocol.
Phụ thuộc vào dữ liệu ngoài chuỗi
Runes Protocol: Được thiết kế để tận dụng mô hình UTXO của Bitcoin, cho phép quản lý dữ liệu token một cách phi tập trung ngay trên blockchain. Điều này có nghĩa là mọi thông tin về token Runes, từ việc phát hành, giao dịch, đến số dư. Đều được ghi lại trực tiếp trên blockchain Bitcoin mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ dịch vụ tập trung nào để lập chỉ mục hoặc quản lý. Tăng tính minh bạch cho quá trình quản lý token.
BRC-20: BRC-20 và một số tiêu chuẩn token khác có thể yêu cầu sự hỗ trợ từ các bên thứ ba tập trung để lập chỉ mục, quản lý và truy xuất dữ liệu token một cách hiệu quả. Điều này bao gồm việc theo dõi số dư token, giao dịch, và các thông tin liên quan khác. Điều này có thể làm tăng độ phức tạp và giảm tính minh bạch của quá trình quản lý token.
Độ phức tạp và sự tiện lợi
Runes Protocol: Nhấn mạnh vào việc giữ cho giao thức đơn giản và dễ sử dụng. Mục tiêu là làm cho việc tạo và quản lý token trên Bitcoin dễ dàng hơn cho cả người dùng lẫn nhà phát triển, không yêu cầu kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật blockchain.
BRC-20: Có thể đòi hỏi một mức độ hiểu biết nhất định về giao thức Ordinals và cách thức hoạt động của nó trên Bitcoin.
Ý kiến trái chiều về các giao thức mới trên Bitcoin
Vậy thì những Bitcoin maximalist (những người hâm mộ bitcoin một cách cuồng nhiệt) và những người theo trường phái bảo thủ sẽ suy nghĩ như thế nào về Ordinals, BRC-20 và Runes Protocol?
Từ khi Ordinals được sinh ra đời vào đầu năm 2023. Mọi thứ gần như bị đảo lộn.
Những thứ mà các Bitcoin maximalist căm ghét và chế nhạo như NFT, và các token theo chuẩn ERC-20 được tạo ra một cách vô tội vạ trên các blockchain hợp đồng thông minh. Thì nay đã nằm nhởn nhơ trên blockchain Bitcoin thông qua giao thức Ordinals. Sự phát triển của thị trường NFT và fungible token đã gần một năm. Và nó càng ngày càng lớn mạnh theo thời gian.
Tìm hiểu thêm: BitVM - Smart Contract trên Bitcoin
Dưới đây là một vài quan điểm về Runes Proticol mà tôi có đọc được từ trang web bitcoinmagazine. Đây là một trong những trang web lâu đời chuyên viết về Bitcoin, các bài viết trong trang web này thể hiện đúng tinh thần của một Bitcoin maximalist, ngoài Bitcoin ra thì không có thứ gì khác.
Gần đây nhất là Runes Protocol được tạo ra bởi nhà sáng lập giao thức Ordinals để giải quyết các vấn đề của BRC-20. Nhưng nó vẫn không được các Bitcoin maximalist đánh giá cao. Vì cho rằng nó không khá gì hơn một thứ spam mạng lưới giống như Ordinals và BRC-20.
Các người theo trường phái bảo thủ cho rằng
BRC-20 được mô tả là một giao thức "lộn xộn", sử dụng Inscriptions một cách không hiệu quả, yêu cầu nhiều giao dịch để thực hiện các hoạt động cơ bản như phát hành token, chuyển token, hay thiết lập hợp đồng thông minh. Điều này làm tăng chi phí và giảm hiệu quả.
Runes Protocol được tạo ra như một giải pháp thay thế cho BRC-20, với mục tiêu đơn giản hóa quá trình và giảm thiểu số lượng giao dịch cần thiết. Tuy nhiên, bài viết chỉ ra rằng Runes vẫn còn mơ hồ và chưa được thiết kế kỹ lưỡng, dựa trên một bài blog không rõ ràng thay vì một mô tả kỹ thuật cụ thể.
Runes và BRC-20 đều đối mặt với thách thức về việc tăng số lượng giao dịch trên blockchain, có thể ảnh hưởng đến khả năng mở rộng và chi phí giao dịch trong dài hạn.
Bài viết chỉ trích việc phát triển và áp dụng vội vã các giao thức mới như Runes mà không xem xét kỹ lưỡng các hậu quả lâu dài, lặp lại những sai lầm đã thấy trong hệ sinh thái Ordinals. Đặt câu hỏi về việc liệu cộng đồng Ordinals và những người phát triển liên quan có thực sự quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và công cụ có thể mở rộng và bền vững trong dài hạn hay chỉ quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn.
Nhấn mạnh rằng mọi thứ không chuyển giá trị lớn trong mỗi giao dịch cuối cùng sẽ cần phải tìm cách chuyển lên off-chain (các layer 2 trên Bitcoin) để có thể tồn tại lâu dài.
Mặc dù đã có một vài Bitcoin maximalist kỳ cựu mong muốn đề xuất cập nhật mã nguồn Bitcoin để loại bỏ tất cả các NFT được tạo ra từ Ordinals. Nhưng ý kiến này không được phần lớn cộng đồng chấp nhận.
Ngược lại, cộng đồng NFT trên Bitcoin ngày càng mở rộng và phát triển nhanh chóng và còn lan sang các blockchain EVM khác.
Xem thêm: EVM Inscriptions vs NFT: Cải tiến hay cải lùi cho các EVM blockchain?
Không những vậy, doanh thu bán NFT trên Bitcoin còn cao hơn hơn Ethereum trong một thời gian. Từ đó mang lại rất nhiều phí giao dịch cho thợ đào.
Mặc dù gặp phải sự cố kỹ thuật nghiêm trọng khiến việc phát hành bị trì hoãn đến ba lần trong tuần trước, tất cả 3.000 NFT đã được bán hết ngay trong ngày mở bán công khai, với giá mỗi chiếc là 0.1 BTC (4.265 USD).
— ThuanCapital.eth (@ThuanCapital) February 6, 2024
Phần lớn NFT đã được bán cho những… pic.twitter.com/ybQn2TGEzr
Đã có nhiều bộ sưu tập Bitcoin NFT được bán với giá rất cao.
Kết luận
Runes hứa hẹn sẽ đơn giản hóa quá trình tạo và quản lý token trên Bitcoin, giảm thiểu số lượng giao dịch cần thiết và tăng cường hiệu suất.
Tuy nhiên, dù mang trong mình tầm nhìn lâu dài, Runes vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa chính thức mainnet và cần thêm thời gian để phát triển và hoàn thiện. Đây có thể là bước tiến quan trọng tiếp theo cho Bitcoin, mở ra cánh cửa mới cho việc sử dụng và phát triển token, nhưng cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn và hỗ trợ từ cộng đồng để đạt được thành công lâu dài.
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital