Tất tần tật về DePIN: Mang sự phi tập trung đến cơ sở hạ tầng vật lý
DePIN xuất hiện từ nhu cầu tạo ra một hệ thống cơ sở hạ tầng vật lý cho thế giới Web3. Được quản lý một cách phi tập trung và công bằng thông qua công nghệ blockchain.
Thuật ngữ này (DePIN) được chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu trên X do Messari tổ chức, nhằm tìm kiếm một cái tên thích hợp cho cơ sở hạ tầng mới này.
Web3 physical infrastructure needs a name!
— Messari (@MessariCrypto) November 5, 2022
Often referred to as Proof of Physical Work (PoPw), Token Incentivized Physical Networks (TIPIN), EdgeFi, or Decentralized Physical Infrastructure Networks (DePIN), crypto has yet to reach a consensus.
Vote below, or add a suggestion⬇️
Trong hơn một thập kỷ qua, Crypto đã từng bước khẳng định vị thế của mình trong thế giới tài chính, trở thành một kênh đầu tư được ưa chuộng, đặc biệt là đối với thế hệ Millennials và Gen Z. Sự phát triển mạnh mẽ của crypto và công nghệ blockchain đã tạo ra những thay đổi sâu rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Nơi Bitcoin đã làm nên lịch sử bằng cách mở ra một kỷ nguyên mới của tự do tài chính. Cho phép việc lưu trữ và chuyển tiền đi khắp nơi trên thế giới mà không cần sự giám sát hay kiểm soát từ bất kỳ tổ chức tài chính trung ương nào.
Giờ đây, thị trường đang đứng trước nhu cầu mở rộng sự ứng dụng của blockchain vào nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm phi tập trung hóa và xây dựng một cơ sở hạ tầng rộng lớn hơn, mang lại nhiều lợi ích và tiện ích cho xã hội. Hứa hẹn mang lại một tương lai nơi cơ sở hạ tầng vật lý được quản lý một cách minh bạch, công bằng và hiệu quả thông qua công nghệ blockchain. Và DePIN là tên gọi chung cho cơ sở hạ tầng này.
DePIN là gì?
DePIN, viết tắt của "Decentralized Physical Infrastructure Networks", nghĩa là mạng cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung. Đây là một khái niệm nói về việc sử dụng công nghệ blockchain để quản lý và vận hành các cơ sở hạ tầng vật lý như mạng lưới internet, lưu trữ dữ liệu, cung cấp năng lượng, và nhiều hơn nữa một cách phi tập trung.
Trong thế giới thực tế, DePIN cho phép mọi người và các doanh nghiệp cung cấp tài nguyên vật lý của mình (như băng thông internet, không gian lưu trữ, hoặc thậm chí là nguồn năng lượng điện từ mặt trời) cho mạng lưới phi tập trung, nơi mọi giao dịch và quyết định đều được ghi lại trên blockchain, đảm bảo sự minh bạch và công bằng.
Ví dụ, nếu bạn có một ổ cứng trống trên máy tính của mình, bạn có thể "cho thuê" không gian đó cho mạng lưới DePIN và nhận được token làm phần thưởng. Tương tự, nếu bạn cần lưu trữ dữ liệu, bạn có thể sử dụng token để "thuê" không gian từ người khác trong mạng lưới.
DePIN mở ra cơ hội cho một hệ thống cơ sở hạ tầng mở, minh bạch và hiệu quả, nơi mọi người không chỉ là người tiêu dùng mà còn là nhà cung cấp tài nguyên, tạo ra một mô hình kinh tế mới trong thế giới số.
DePIN được cho là sự phát triển tiếp theo của Internet of Things (IoT) và hệ sinh thái Web3, khuyến khích người dùng và doanh nghiệp cùng nhau xây dựng, duy trì và vận hành mạng lưới cơ sở hạ tầng. Nơi quyền sở hữu thuộc về tất cả mọi người thay vì tập trung vào một thực thể duy nhất. Điều này cung cấp cho người dùng cuối các dịch vụ sáng tạo và hiệu quả hơn về chi phí so với các mô hình truyền thống.
Điểm khác biệt giữa DePIN và mô hình truyền thống Sharing Economy
Sharing Economy, hay kinh tế chia sẻ, là một mô hình kinh tế cho phép mọi người thuê hoặc chia sẻ tài sản cá nhân của họ, như ô tô, nhà ở, hoặc thiết bị, thông qua dịch vụ trung gian dựa trên công nghệ. Mô hình này giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí, và tạo ra thu nhập cho những người tham gia.
Như Grab là một công ty về dịch vụ Taxi nhưng bản thân họ không sở hữu chiếc xe nào. Vì người dùng sẽ dùng xe của họ để tham gia vào Grab, đổi lại Grab mang lại khách hàng cho các chủ xe này.
Sharing Economy - Kinh tế chia sẻ:
Mô hình: Bạn có thể nghĩ về Airbnb hoặc Uber. Nếu bạn có một căn phòng trống hoặc xe hơi, bạn có thể cho người khác thuê chúng qua một ứng dụng. Ứng dụng này giống như một người bạn giới thiệu, giúp bạn tìm người cần thuê.
Trung gian: Công ty sở hữu ứng dụng (như Airbnb, Uber) là người trung gian. Họ giúp bạn tìm khách hàng và đôi khi quyết định giá cả.
Quản lý và kiểm soát: Công ty này quản lý mọi thứ, từ giá cả đến quy định. Họ cũng giữ thông tin của bạn và khách hàng.
Mục tiêu: Tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm chi phí cho người tiêu dùng.
DePIN - Mạng lưới cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung
Mô hình: Tưởng tượng bạn có một ít không gian trống trên máy tính hoặc một kết nối internet nhanh. Bạn có thể chia sẻ tài nguyên này trực tiếp với người khác mà không cần qua công ty trung gian, nhờ vào công nghệ blockchain.
Trung gian: Không có ai đứng giữa bạn và người nhận tài nguyên. Mọi giao dịch đều trực tiếp, minh bạch và được ghi lại trên blockchain.
Quản lý và kiểm soát: Bạn và những người khác trong mạng lưới cùng quyết định mọi thứ, từ giá cả đến cách thức vận hành. Không có ai "sở hữu" thông tin của bạn ngoài chính bạn.
Mục tiêu: Tạo ra một hệ thống cơ sở hạ tầng bền vững, minh bạch và công bằng, nơi mọi người có thể kiếm được phần thưởng dựa trên sự đóng góp của họ cho mạng lưới.
Điểm khác biệt chính:
Trung gian: DePIN không cần đến trung gian, còn mô hình kinh tế chia sẻ thì có.
Quyền kiểm soát: Trong DePIN, mọi người cùng nhau quyết định và kiểm soát, không giống như kinh tế chia sẻ, nơi công ty trung gian có quyền lực lớn.
Công nghệ: DePIN dùng blockchain để mọi thứ minh bạch và an toàn, không như kinh tế chia sẻ, không nhất thiết phải dùng công nghệ này.
Vì vậy, DePIN ra đời nhằm mang lại sự phi tập trung tới mô hình Sharing Economy, thông qua việc sử dụng khả năng quản trị của token (token governance) để đem lại tính công bằng cho bên cung cấp và bên chia sẻ.
Mô hình hoạt động của DePIN
Việc áp dụng công nghệ blockchain để xây dựng một mạng lưới phi tập trung, minh bạch trong các dịch vụ liên quan tới những cơ sở hạ tầng ngoài đời thực, các dự án DePIN cần phải có mô hình kinh doanh đủ hấp dẫn nhà cung cấp và khách hàng. Đồng thời, DePIN phải duy trì khả năng bảo mật của mạng lưới.
Khi xem báo đài, bạn đã quan thuộc khi nhiều người đề cập đến việc sử dụng công nghệ blockchain để áp dụng trong nhiều mặt của cuộc sống, giúp mọi thứ minh bạch và tiết kiệm chi phí hơn.
Nhưng nhân tố quan trọng không thể thiếu của blockchain là token. Nó như tiền tệ để kích thích và khuyến khích. Tạo ra lợi ích cho tất cả các bên tham gia vào mạng lưới. Và DePIN cũng sẽ tương tự như vậy.
Khởi đầu với token
Giai đoạn đầu: Các dự án DePIN thường bắt đầu bằng cách sử dụng token như một phần thưởng để khích lệ người dùng cung cấp cơ sở hạ tầng, như internet hoặc năng lượng mặt trời.
Thu hút đầu tư: Khi mạng lưới phát triển và có đủ cơ sở hạ tầng, người dùng bắt đầu sử dụng dịch vụ, thu hút thêm vốn đầu tư và tăng doanh thu cho dự án và nhà cung cấp.
Trong trường hợp mạng lưới tiếp tục mở rộng và có nhiều nhà cung cấp, khách hàng tham gia, giá token của dự án sẽ tăng. Dẫn đến tăng thêm lợi nhuận và doanh thu cho bên cung cấp và dự án. Từ đây tạo nên đà, hoặc trớn để dự án có thể chạy tiếp.
Bánh đà của mạng lưới DePIN - nguồn: IoTeX
Ví dụ minh họa cho dự án Helium
Helium là một dự án DePIN cung cấp hotspot WiFi, sử dụng token HNT làm phần thưởng cho những người cung cấp hotspot.
Dẫn đến nhiều người bắt đầu mua Hotspot và tham gia vào mạng lưới Helium. Kết quả chi phí một Hotspot khoảng 500 USD nhưng đem về 4.82 HNT/ngày, khiến nhiều người thu hồi vốn chỉ trong 25 ngày.
Con số đủ hấp dẫn khiến nhiều người mua Hotspot và mạng lưới Helium bắt đầu mở rộng. Khách hàng đến ngày một nhiều và quỹ cũng dần tham gia dự án.
Nhằm duy trì tính bảo mật của mạng lưới, các dự án DePIN thường có 3 bộ phận chính:
Cơ sở hạ tầng vật lý: Tùy thuộc vào dự án, bao gồm các thiết bị như hotspot, router để cung cấp wifi, ổ cứng lưu trữ hoặc pin mặt trời để cung cấp năng lượng…
Middleware: Là phần mềm trung gian giúp kết nối công nghệ blockchain với cơ sở hạ tầng, thu thập dữ liệu từ các thiết bị. Middleware cũng tương tự như những giao thức Oracle giúp các dự án Web3 tiếp cận được với các dữ liệu bên ngoài.
Blockchain: Làm sổ cái phi tập trung, đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho mọi giao dịch và tương tác trong mạng lưới. Công nghệ blockchain còn đóng vai trò giúp giao dịch diễn ra nhanh hơn giữa nhà cung cấp và khách hàng, thay vì đợi một bên thứ ba xác thực.
Lợi ích và ứng dụng của DePIN
DePIN mang lại những lợi ích gì cho mỗi người tham gia vào mạng lưới này, từ người xây dựng, người cung cấp, cho đến người dùng cuối. Và quan trọng hơn, chúng ta sẽ thấy được sự đa dạng trong ứng dụng của nó thông qua những ví dụ cụ thể.
Lợi ích cho người xây dựng mạng lưới
Những người đứng sau DePIN, từ nhà lập trình đến doanh nghiệp, có thể triển khai dự án nhanh chóng và tiết kiệm. Họ không cần đầu tư nặng nề vào cơ sở hạ tầng vật lý như trước, mà thay vào đó, họ tận dụng sức mạnh của cộng đồng để mở rộng mạng lưới. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro và tăng tốc độ phát triển dự án.
Lợi ích cho người cung cấp
Những người có tài nguyên như không gian lưu trữ, băng thông, hoặc năng lượng, giờ đây có thể chia sẻ chúng và kiếm thu nhập. Tham gia vào DePIN không chỉ giúp họ tạo ra thu nhập mà còn góp phần xây dựng một mạng lưới mạnh mẽ và linh hoạt hơn.
Lợi ích cho người tiêu dùng
Người tiêu dùng cuối cùng hưởng lợi từ sự tiện lợi, dễ dàng truy cập và an toàn. Dù là lưu trữ dữ liệu, kết nối internet, hay tiếp cận năng lượng sạch, mọi thứ đều trở nên dễ dàng và minh bạch hơn nhờ vào mạng lưới phi tập trung.
DePIN không chỉ là một bước tiến công nghệ mà còn là bước tiến trong cách chúng ta hợp tác và sử dụng tài nguyên. Mỗi dự án mới lại mở ra tiềm năng to lớn cho việc kết hợp cơ sở hạ tầng vật lý với công nghệ blockchain, tạo ra một môi trường mà mỗi cá nhân đều có thể góp phần và hưởng lợi.
Các dự án nổi bật trong lĩnh vực DePIN
Trong hệ sinh thái của DePIN, có ba ngôi sao sáng giá mà bạn không thể bỏ qua: Filecoin, Helium, và DIMO. Mỗi dự án không chỉ đại diện cho một lĩnh vực khác nhau của DePIN mà còn phản ánh sự đa dạng và tiềm năng to lớn của mạng lưới cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung.
Filecoin (FIL)
Hãy nghĩ về một nơi mà dữ liệu của bạn được bảo vệ trên hàng nghìn máy tính trải dài khắp thế giới, thay vì chỉ một nơi duy nhất có thể gặp sự cố hoặc bị hacker tấn công máy chủ. Đây chính là ý tưởng mà Filecoin đang thực hiện.
Với Filecoin, ai cũng có thể cho thuê phần không gian trống trên máy tính của mình hoặc thuê không gian để lưu trữ dữ liệu, và được trả công bằng đồng FIL, đồng coin của dự án. Cách làm này giúp giảm giá lưu trữ và tăng cường an toàn cũng như dễ dàng truy cập dữ liệu từ mọi nơi.
Helium (HNT)
Tưởng tượng bạn có thể lắp một thiết bị nhỏ ở nhà và bắt đầu kiếm tiền chỉ bằng cách chia sẻ kết nối internet không dây của mình. Đó chính là điều Helium đang muốn thực hiện. Helium cho phép mọi người dễ dàng thiết lập điểm truy cập của riêng mình và nhận đồng HNT, một loại crypto của dự án, làm phần thưởng.
Mục tiêu của Helium là kết nối mọi thiết bị IoT (Internet vạn vật) trên khắp thế giới mà không cần dựa vào các công ty viễn thông truyền thống. Kết quả là một mạng lưới không dây rộng khắp, mạnh mẽ và đáng tin cậy, do chính cộng đồng xây dựng và quản lý.
Hivemapper Network (HONEY)
Hivemapper là một dự án sáng tạo, thu hút được 25 triệu USD tiền đầu tư vào năm 2023. Mô hình của Hivemapper khuyến khích người dùng gắn camera hành trình (dashcam) trên xe của họ để ghi lại và chia sẻ dữ liệu về các tuyến đường họ đi qua. Đổi lại, họ nhận được token HONEY như một phần thưởng. Tất cả dữ liệu này sau đó được tổng hợp lại để tạo nên một bản đồ địa lý chi tiết.
The Graph
The Graph là một dự án giống như một thư viện khổng lồ trên internet, nơi lưu trữ thông tin từ nhiều sổ cái blockchain khác nhau. Bạn có thể hiểu nó như một công cụ tìm kiếm thông minh giúp các nhà phát triển web tìm và sử dụng dữ liệu từ blockchain một cách dễ dàng.
Hãy tưởng tượng bạn muốn tìm một quyển sách trong thư viện, nhưng thư viện này không có mục lục hoặc hướng dẫn nào cả. Bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm. The Graph giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra một "mục lục" cho dữ liệu blockchain, giúp việc tìm kiếm trở nên nhanh chóng và chính xác.
Các nhà phát triển sử dụng The Graph để tạo ra các API, cơ sở hạ tầng cho phép các ứng dụng web truy vấn dữ liệu từ blockchain mà không cần phải lập trình từ đầu. Điều này giúp cho việc xây dựng ứng dụng trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn, giống như việc bạn có thể tìm thấy quyển sách bạn cần trong thư viện mà không mất nhiều thời gian.
DIMO
DIMO là một dự án giúp kết nối xe hơi và thu thập dữ liệu xe của mình với internet để chia sẻ thông tin vận hành. Bằng cách này, chủ xe không chỉ giúp cải thiện hiệu suất và an toàn cho xe hơi của mình mà còn nhận được token như một phần thưởng. Thông tin này rất quý giá đối với các nhà sản xuất xe hơi, công ty bảo hiểm và các bên khác, giúp họ hiểu rõ hơn về cách xe hơi được sử dụng và cách cải thiện chúng.
Akash Network
Akash Network là một nền tảng cho phép bạn thuê tài nguyên máy tính, như lưu trữ và xử lý dữ liệu, từ những người khác trên mạng. Nó dùng blockchain để quản lý mọi thứ từ việc đặt yêu cầu đến thanh toán, giúp mọi giao dịch đều minh bạch và an toàn.
Vào tháng 8 năm 2023, Akash đã thêm dịch vụ điện toán GPU, một loại tài nguyên máy tính mạnh mẽ thường được dùng trong lĩnh vực AI. Điều này giúp các nhà phát triển AI có thể dễ dàng tìm và thuê tài nguyên họ cần từ thị trường mở của Akash.
Bittensor
Bittensor là một dự án blockchain nhằm xây dựng một ngành công nghiệp AI mở, phi tập trung. Mục tiêu của nó là tạo ra một môi trường nơi mọi người có thể tự do tạo và chia sẻ các mô hình và công cụ AI và ML (Machine Learning) mới.
Bittensor muốn tạo ra một hệ sinh thái AI "từ dưới lên", nơi tài nguyên máy tính, lưu trữ dữ liệu, và xử lý dữ liệu có thể được trao đổi một cách tự do và công bằng. Token TAO của Bittensor sẽ được dùng để khuyến khích sự phát triển và sử dụng của hệ sinh thái này, giúp nó phát triển mạnh mẽ hơn.
DIMO và các dự án khác như Filecoin, Helium, và Hivemapper cho thấy công nghệ DePIN không chỉ giới hạn ở việc lưu trữ và truyền dữ liệu mà còn mở rộng sang việc thu thập và phân tích dữ liệu từ thế giới thực, như xe hơi. Điều này mở ra một tương lai mới, nơi công nghệ phi tập trung giúp chúng ta kết nối và hiểu thế giới xung quanh mình một cách tốt hơn.
DePIN mở ra xu hướng mới trong crypto
DePIN trở thành xu hướng vì nó giải quyết được nhiều vấn đề của cơ sở hạ tầng truyền thống bằng cách áp dụng nguyên tắc phi tập trung, khuyến khích sự tham gia từ cộng đồng và tạo ra một môi trường cung cấp dịch vụ hiệu quả, công bằng và minh bạch.
Sự tăng trưởng của các thiết bị thông minh và ứng dụng phi tập trung (dApps) càng làm tăng tiềm năng và sự phổ biến của DePIN.
Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của DePIN cũng được hỗ trợ bởi tiềm năng áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ lưu trữ dữ liệu đến cung cấp năng lượng, từ hệ thống giao thông đến nông nghiệp, tạo ra một tương lai mới cho cơ sở hạ tầng vật lý trong kỷ nguyên số.
Trong năm 2023, DePIN thu hút được sự chú ý đáng kể từ giới đầu tư với tổng số vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, trong đó Filecoin và Helium là hai dự án nổi bật nhất, góp phần chứng minh tiềm năng và sự quan tâm ngày càng tăng từ thị trường.
Theo The Block Research. Chỉ riêng trong năm 2024, đã có hơn 230 thỏa thuận đầu tư với tổng giá trị gần 1,3 tỷ USD, chủ yếu dành cho các dự án trong các lĩnh vực DeFi, DePin, NFT/trò chơi, và Web3. Sự tăng trưởng này đánh dấu một bước tiến lớn, đưa tổng số… pic.twitter.com/suAQcGXz7g
— ThuanCapital.eth (@ThuanCapital) February 25, 2024
Mặc dù thị trường crypto chung chứng kiến sự sụt giảm trong giai đoạn downtrend, các dự án DePIN lại cho thấy sự bền bỉ với mức giảm doanh thu ít hơn so với các mảng khác như NFT hay DEX. Điều này phản ánh khả năng chống chịu và tiềm năng tăng trưởng của DePIN trong điều kiện thị trường không thuận lợi.
Nguồn: Messari
Tương lai và tiềm năng phát triển của DePIN
DePIN đang mở ra một kỷ nguyên mới cho công nghệ và kinh tế số, với hơn 40 tỷ thiết bị thông minh và hàng nghìn tỷ cảm biến trên khắp thế giới. Công nghệ này không chỉ giúp xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng vật lý một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí mà còn mở ra vô số cơ hội cho cá nhân và doanh nghiệp.
Tương lai rộng mở của DePIN: DePIN không chỉ giới hạn ở việc cung cấp cơ sở hạ tầng vật lý thông qua công nghệ blockchain mà còn mở ra cơ hội cho việc tích hợp AI, IoT và các công nghệ mới khác. Điều này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả và giảm chi phí mà còn tạo ra một môi trường an toàn, minh bạch và công bằng cho tất cả mọi người.
Cơ hội phát triển trong nhiều lĩnh vực: DePIN có tiềm năng ứng dụng rộng rãi từ y tế đến nông nghiệp thông minh và năng lượng tái tạo. Trong y tế, DePIN có thể giúp bảo vệ dữ liệu y tế và cải thiện quản lý dữ liệu lớn. Trong nông nghiệp, cảm biến phi tập trung có thể giúp thu thập thông tin chính xác về đất đai và môi trường, từ đó giúp nông dân ra quyết định chính xác hơn. Và trong lĩnh vực năng lượng, DePIN có thể tạo điều kiện cho việc mua bán năng lượng tái tạo trực tiếp giữa người dùng.
Đóng góp vào Web3 và kinh tế số: DePIN là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng Web3 và kinh tế số. Nó không chỉ giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả mà còn tạo ra một môi trường an toàn, minh bạch và công bằng cho mọi người. DePIN cung cấp nền tảng cho một internet phi tập trung, nơi người dùng có quyền kiểm soát dữ liệu của mình.
Điều quan trọng là cần phải nhìn nhận DePIN một cách thực tế, nhận diện rõ ràng các thách thức và tiềm năng, để từ đó có thể khai thác và phát triển lĩnh vực này một cách hiệu quả nhất.
Nhắc đến sự kết hợp giữa thế giới vật lý và blockchain thì làm tôi liên tưởng đến mạng lưới bitcoin, vì khi ra đời, bitcoin là một mạng lưới phi tập trung và không có hệ thống điều khiển trung tâm.
Để khuyến khích mọi người tham gia vào mạng lưới. Bitcoin đã dùng cơ chế trả thưởng để thu hút thợ đào giải quyết giao dịch, và thu hút người dùng sử dụng mạng lưới bitcoin để di chuyển tiền, tạo ra giá trị cho nhiều người.
Thợ đào dùng máy tính của mình và dùng dòng điện nhàn rỗi của mình tham gia vào đào bitcoin, nhưng khi có quá nhiều người tham gia vào đào bitcoin thì độ khó tăng lên, và giờ đây phải những ai có dòng điện giá rẻ và máy tính rất mạnh mới có thể đào bitcoin, và dần dần, nhưng công ty chuyên đào bitcoin xuất hiện, họ đầu tư rất nhiều máy đào công suất lớn và tìm nguồn điện giá rẻ để việc đào bitcoin có lời.
Đây là sự cạnh tranh của các công ty đào bitcoin diễn ra. Sự cạnh tranh này đã đẩy các thợ đào cá nhân nhỏ lẻ khi xưa ra khỏi cuộc chơi vì không đủ nguồn lực để cạnh tranh.
Điều này có vẻ giống mô hình của DePIN hiện tại, khi sử dụng token để trả thưởng cho những người dùng để khuyến khích họ cung cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp không gian lưu trữ còn trống chưa sử dụng, cũng như là cung cấp nguồn điện dư chưa sử dụng hoặc cung cấp dịch vụ internet của mình để đổi lại token phần thưởng từ mạng lưới.
Hiện tại có thể là các cá thể nhỏ lẻ có thể cung cấp cơ sở hạ tầng cho DePIN nhưng về lâu dài sẽ có những công ty chuyên cung cấp dịch vụ này cho DePIN với quy mô lớn và chuyên nghiệp. Như một công ty lập ra để cung cấp dung lượng đám mây cho Filecoin.
Thay vì nhiều cá nhân nhỏ lẻ khắp thế giới cung cấp dung lượng đám mây cho Filecoin thì giờ đây có nhiều công ty cung cấp dung lượng đám mây cho Filecoin hơn.
Giống hành vi “đào” của mạng lưới bitcoin hiện tại. Và điều này không xấu, nó cho thấy sự phát triển tự nhiên của thị trường để đi từ những cá thể nhỏ đến những công ty lớn và chuyên nghiệp tham gia cuộc chơi. Và nếu thành công DePIN sẽ trở thành một ngành công nghiệp lớn với sự tham gia của chính phủ và các công ty lớn giống như ngành đào bitcoin hiện tại.
Điều đó không làm mất đi sự phi tập trung cho mạng lưới, có nhiều công ty cạnh tranh với nhau ở các vị trí địa lý và nguồn lực khác nhau.
Thách Thức và Hạn Chế
Mặc dù là một lĩnh vực tiềm năng, nhưng DePIN vẫn còn tồn tại những thách thức cần phải đối mặt, đây cũng là lý do vì sao DePIN mặc dù đã có xuất hiện từ lâu nhưng vẫn chưa được phát triển mạnh.
Mô hình khuyến khích bằng token chưa thực sự tương xứng với những đóng góp của những người tham gia, do đó các dự án DePIN trong tương lai cần phải có một mô hình khuyến khích hấp dẫn hơn nhằm thu hút nhiều người tham gia xây dựng mạng lưới.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng vật lý mất nhiều thời gian và công sức, khiến cho việc kiếm lợi nhuận ngay từ đầu trở nên khó khăn. Điều này có thể khiến những người đầu tiên tham gia mất đi động lực.
Cạnh tranh với các ông lớn Web2
Các công ty lớn như Google, Apple, và Amazon đã có cơ sở hạ tầng và nguồn lực đáng kể. Để cạnh tranh với họ, các dự án DePIN cần phải có hướng đi sáng tạo và đáp ứng với các nhu cầu chưa được đáp ứng của thị trường truyền thống để thu hút người dùng truyền thống sử dụng sản phẩm của mình.
Dù tiềm năng là không thể phủ nhận, nhưng việc triển khai và duy trì một mạng lưới cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung đòi hỏi phải vượt qua nhiều rào cản, từ kỹ thuật đến quản lý.
Thách thức trong việc triển khai và duy trì DePIN
Một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề về mở rộng quy mô. Khi mạng lưới phát triển, việc duy trì hiệu suất và ổn định trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, trong một mạng lưu trữ phi tập trung, việc đảm bảo rằng dữ liệu được lưu trữ an toàn, dễ dàng truy cập từ bất kỳ đâu mà không làm giảm tốc độ truy cập là một thách thức lớn.
Mặc dù blockchain mang lại nhiều lợi ích về bảo mật, việc bảo vệ mạng lưới khỏi các cuộc tấn công mạng và lỗ hổng kỹ thuật vẫn là một thách thức.
Hạn chế về mặt kỹ thuật và quản lý
Về mặt kỹ thuật, việc tích hợp và phát triển các công nghệ mới như AI, IoT trong DePIN đòi hỏi một nguồn lực lớn về mặt nghiên cứu và phát triển. Không phải lúc nào các doanh nghiệp cũng sẵn lòng hoặc có khả năng đầu tư vào những công nghệ này.
Về mặt quản lý, việc thiếu một cơ chế quản lý và điều phối hiệu quả có thể dẫn đến việc quản lý và vận hành mạng lưới trở nên hỗn loạn. Vấn đề pháp lý và quy định cũng là một rào cản không nhỏ, đặc biệt khi mạng lưới vượt qua các ranh giới quốc gia và phải đối mặt với các quy định pháp lý khác nhau.
Kết luận
Từ thuở các dự án crypto xuất hiện nhiều ở năm 2017. Thì người ta luôn ca ngợi blockchain như một công nghệ của thế kỷ 21. Giải quyết được nhiều vấn đề ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng mãi đến năm 2024, chúng ta mới gần nhìn được những nét phác thảo rõ hơn về việc áp dụng crypto và blockchain vào các ngành nghề khác ngoài lĩnh vực tài chính như thế nào.
Đặt biệt là các ngành nghề có cơ sở hạ tầng vật lý được kết nối vào blockchain và trở nên một cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung.
DePIN sẽ còn một hành trình dài để phát triển nhưng thị trường cho chúng ta thấy được crypto sẽ vẫn là tương lai rộng mở và được áp dụng vào nhiều mặt của đời sống. Thông qua sự phát triển liên tục của nó.
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital