XM - Đối tác Xuất sắc

Giảm phát là gì? Tại sao giảm phát lại còn có hại hơn lạm phát

30 Tháng 06, 2024 18:40

Nếu là một nhà đầu tư crypto, chúng ta đã nghe quá nhiều về thuật ngữ “lạm phát” là khi giá cả của mọi thứ tăng lên, khiến giảm chất lượng cuộc sống của chúng ta vì đồng lương không theo kịp với giá cả của hàng hoá.

Giảm phát là gì? Tại sao giảm phát lại còn có hại hơn lạm phát

Nhưng còn giảm phát thì sao, khi đó giá hàng hoá sẽ ngày càng rẻ hơn, và với cùng một đồng lương đó, chúng ta mua được nhiều hàng hoá hơn. Nhưng thật sự lạm phát có tốt không? hay nó mở ra một dấu hiệu đáng lo ngại cho nền kinh tế nói chung và từng cá nhân nói riêng. 

Mục tiêu của bài viết này là khám phá chi tiết về tác động của giảm phát đối với nền kinh tế, từ góc độ doanh nghiệp, người tiêu dùng, thị trường lao động và hệ thống tài chính. 

Giảm phát là gì?

Cũng giống như lạm phát, giảm phát là câu chuyện về cung và cầu. Nhưng thay vì giá hàng hóa và dịch vụ “tăng lên” theo thời gian, chúng lại “giảm xuống”. 

Nói chung, điều này có nghĩa là sức mua của đồng tiền tăng lên, mọi người có thể mua nhiều hơn với cùng số tiền mà họ có.

Giảm phát thường mang lại sự “nhẹ nhõm” cho người tiêu dùng trong ngắn hạn, nhưng thời gian giảm phát kéo dài có thể là trở ngại lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến người lao động.

Giảm phát và giảm lạm phát

Đừng nhầm lẫn giữa giảm phát (deflation) và giảm lạm phát (disinflation). Mặc dù cả hai thuật ngữ này nghe có vẻ giông giống nhau, nhưng thực tế chúng lại khác nhau.

Giảm lạm phát (disinflation): Đây là khi giá cả vẫn đang tăng nhưng tăng chậm hơn so với trước đây. Ví dụ, nếu tỷ lệ lạm phát hàng năm giảm từ 4% xuống 2%, điều này có nghĩa là một sản phẩm trước đây có giá 10 USD bây giờ sẽ tăng lên 10.20 USD thay vì tăng lên 10.40 USD như dự kiến ban đầu.

 


 

Chỉ số lạm phát CPI giảm nhẹ và phản ứng của thị trường

Giảm phát (deflation): Đây là khi giá cả thực sự giảm xuống, không phải là tốc độ tăng giá giảm. Ví dụ, với tỷ lệ giảm phát 2%, một sản phẩm trước đây có giá 10 USD bây giờ sẽ có giá 9.80 USD.

Điều này giúp làm rõ sự khác biệt giữa việc giá tăng chậm lại và việc giá thực sự giảm.

Lạm phát có nghĩa bạn đang tiến về phía trước, giảm lạm phát có nghĩa là tốc độ tiến về phía trước của bạn chậm lại, và giảm phát có nghĩa là bạn lùi lại về phía sau. 

Giảm phát được đo như thế nào?

Vì không phải mọi sản phẩm đều có xu hướng giá giống nhau nên giảm phát hay lạm phát thường được đo bằng cách theo dõi mức trung bình của một giỏ hàng hóa mà người tiêu dùng hay sử dụng, được chuyển thành chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là một thước đo mức độ thay đổi giá của một giỏ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng được chọn lọc theo thời gian. CPI được sử dụng để theo dõi lạm phát và là một chỉ số quan trọng để đánh giá sức mua của người tiêu dùng. 

Khi CPI tăng, điều đó cho thấy giá cả của hàng hóa và dịch vụ đang tăng, nghĩa là lạm phát đang xảy ra. Ngược lại, khi CPI giảm, giá cả giảm và có thể dẫn đến giảm phát.

CPI cơ bản (Core CPI) là một phiên bản của chỉ số CPI, nhưng loại bỏ các mặt hàng có giá cả biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng. Những mặt hàng này thường có giá thay đổi nhanh chóng và có thể gây ra biến động lớn trong chỉ số CPI tổng thể. Bằng cách loại bỏ chúng, Core CPI cung cấp một cái nhìn rõ ràng hơn về xu hướng lạm phát dài hạn mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tạm thời.

Ví dụ, giá năng lượng có thể tăng mạnh trong mùa đông do nhu cầu sưởi ấm tăng cao, hoặc giá thực phẩm có thể biến động do điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Những biến động này có thể gây ra dao động lớn trong chỉ số CPI, nhưng không phản ánh chính xác mức lạm phát cơ bản trong nền kinh tế.

Chỉ số giá tiêu dùng, hay CPI, theo dõi giá của khoảng 80.000 mặt hàng được bán ở Hoa Kỳ (cộng với thuế bán hàng hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt) mỗi tháng. Ngoài ra còn có các chỉ số phụ đo lường giá cả ở nhiều vùng và thành phố khác nhau trên khắp đất nước.

Có tám nhóm chính được đại diện trong CPI:

  • Thực phẩm và đồ uống
  • Nhà ở (chỉ tính giá cho thuê)
  • Trang phục
  • Chăm sóc y tế
  • Vận chuyển (bao gồm chi phí nhiên liệu)
  • Giải trí
  • Giáo dục và truyền thông
  • Hàng hóa và dịch vụ khác

Các khoản không được tính vào CPI là thuế thu nhập, thuế an sinh xã hội, cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và bảo hiểm nhân thọ vì chúng không liên quan đến tiêu dùng hàng ngày.

Nguyên nhân gây ra giảm phát

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến giảm phát, nhưng đây là các nguyên nhân chính bao gồm:

Cung tiền giảm

Khi Cục Dự trữ Liên bang triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt, điều đó có nghĩa là nó sẽ giảm chi tiêu và tăng lãi suất. Điều này khiến người dân khó vay tiền để mua hàng hóa, dịch vụ hơn. 

Giảm lượng tiền trong lưu thông trong nền kinh tế, giá trị của tiền tệ tăng lên. Điều này có thể xảy ra do chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. 

Sản xuất vượt cầu

Khi nền kinh tế sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn so với nhu cầu tiêu dùng, giá cả sẽ giảm xuống. Điều này thường xảy ra trong giai đoạn phát triển kinh tế nhanh chóng hoặc khi công nghệ sản xuất tiên tiến làm tăng năng suất một cách đột ngột. Ví dụ, sự bùng nổ công nghệ trong ngành điện tử vào cuối thế kỷ 20 đã dẫn đến tình trạng giảm giá hàng loạt các sản phẩm điện tử tiêu dùng.

Sụt giảm nhu cầu tiêu dùng và đầu tư

Khi người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm chi tiêu, nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ giảm, kéo theo giá cả giảm. Điều này có thể do nhiều yếu tố như thất nghiệp tăng cao, mất niềm tin vào tương lai kinh tế, hoặc chính sách thuế và tiền tệ không thuận lợi. 

Tác động của giảm phát đối với nền kinh tế 

Tác động đến doanh nghiệp

Khi doanh nghiệp bán hàng hóa với giá thấp hơn, họ kiếm được ít lợi nhuận hơn. Để bù đắp, họ có thể cắt giảm lương hoặc sa thải nhân viên và chi ít hơn cho việc đổi mới và đầu tư vào công ty.

Khi lợi nhuận giảm, doanh nghiệp thường cắt giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và mở rộng sản xuất. Điều này dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh và phát triển dài hạn.

Tác động đến người tiêu dùng

Nếu người tiêu dùng có ít thu nhập hơn để chi tiêu, họ sẽ mua ít hàng hóa và dịch vụ tùy ý hơn. Tổng chi tiêu ít hơn sẽ làm suy yếu nền kinh tế, đẩy thêm vòng xoáy giảm phát. 

Khi giá cả liên tục giảm, người tiêu dùng thường có tâm lý chờ đợi giá sẽ giảm thêm trước khi mua sắm. Điều này làm giảm tổng cầu, khiến cho giảm phát càng trở nên nghiêm trọng hơn. 

Tác động đến thị trường lao động

Khi lợi nhuận của doanh nghiệp giảm và đầu tư bị cắt giảm, các công ty sẽ phải cắt giảm nhân sự để giảm chi phí. Điều này dẫn đến tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người lao động mà còn làm giảm tổng cầu, góp phần vào tình trạng giảm phát kéo dài.

Tác động đến nợ công và tư

Trong môi trường giảm phát, giá trị thực của các khoản nợ tăng lên vì số tiền phải trả lại có giá trị cao hơn so với lúc vay. Điều này làm tăng gánh nặng nợ cho cả chính phủ và các doanh nghiệp, đặc biệt là những người đã vay nợ nhiều trong thời kỳ lạm phát.

Nếu khoản thanh toán hàng tháng cho khoản vay thế chấp hoặc khoản vay mua ô tô của bạn vẫn giữ nguyên nhưng thu nhập của bạn giảm, thì bạn đang chi nhiều tiền lương hơn cho khoản nợ. Đồng thời, giá tài sản bạn đang trả góp như ngôi nhà hoặc ô tô lại đang càng giảm thêm giá trị trong giai đoạn giảm phát.

Khi gánh nặng nợ tăng, nguy cơ vỡ nợ của các doanh nghiệp và cá nhân cũng tăng lên. Các doanh nghiệp không thể trả nợ sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản, còn các cá nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất tài sản. Điều này tạo ra một vòng xoáy tiêu cực, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế.

Tại sao giảm phát lại có hại hơn lạm phát

Khi giá cả tăng và sức mạnh của đồng đô la giảm, nền kinh tế đang trải qua lạm phát. Nguyên nhân chính gây ra lạm phát là do chính phủ liên tục in tiền, làm tăng nguồn cung tiền tệ mà không làm thay đổi tổng cầu.

 


 

Giải thích về lạm phát 

Mặc dù lạm phát có nghĩa là đồng đô la của bạn không còn có giá trị cao như trước, nhưng nó cũng làm giảm giá trị của các khoản nợ. Điều này giúp người đi vay tiếp tục vay và người mắc nợ tiếp tục thanh toán hóa đơn của họ. Lạm phát ở mức vừa phải, thường từ 1% đến 3% mỗi năm, là điều bình thường trong chu kỳ kinh tế và thường được coi là dấu hiệu của sự tăng trưởng kinh tế lành mạnh.

Người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình khỏi lạm phát ở một mức độ nhất định. Ví dụ, đầu tư tiền của bạn vào các loại tài sản để giúp thu nhập tăng nhanh hơn lạm phát, giúp duy trì và tăng sức mua của mình.

Tìm hiểu thêm: Bitcoin: Bức tường vững chắc trước lạm phát và sóng gió kinh tế

Ngược lại, giảm phát thường có hại hơn lạm phát và thường đi kèm với sự thu hẹp và suy thoái kinh tế. Vòng xoáy giảm phát có thể biến thời kỳ khó khăn kinh tế thành suy thoái nặng nề. Trong thời kỳ giảm phát, giá cả giảm và giá trị tiền tăng, nhưng điều này lại làm tăng giá trị thực của các khoản nợ. Do đó, nợ trở nên đắt đỏ hơn, khiến người dân và doanh nghiệp tránh vay mượn và gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Bảo vệ bản thân khỏi giảm phát phức tạp hơn so với lạm phát. Trong thời kỳ giảm phát, nắm giữ tiền mặt là an toàn nhất nhưng không mang lại nhiều lợi nhuận. Các loại hình đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản sẽ rủi ro hơn vì doanh nghiệp có thể phải đối mặt với những thời điểm khó khăn hoặc thậm chí phá sản.

Tóm lại, trong khi lạm phát vừa phải có thể được quản lý và thậm chí mang lại một số lợi ích, giảm phát thường gây ra nhiều thiệt hại hơn cho nền kinh tế và khó khăn hơn để bảo vệ bản thân khỏi tác động của nó.

Chính vì vậy, việc kiểm soát mức độ lạm phát ở mức vừa phải là mục tiêu quan trọng của các chính phủ trên toàn thế giới.

Giảm phát đã đóng một vai trò như thế nào trong lịch sử thế giới

Nhìn chung, các quốc gia trên thế giới chủ yếu “trải qua lạm phát” chứ không phải giảm phát. Nhưng trong một số thời kỳ, giảm phát đã định hình nền kinh tế của Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới. 

Cuộc đại suy thoái tại Mỹ

Cuộc đại suy thoái trong thập niên 1930 là một ví dụ điển hình về tác động của giảm phát cho nền kinh tế. Giá cả hàng hóa và dịch vụ giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và nhiều doanh nghiệp phá sản. Người tiêu dùng giảm chi tiêu vì kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm, dẫn đến một vòng luẩn quẩn của giảm phát và suy thoái kinh tế.

Từ mùa hè năm 1929 đến đầu năm 1933, chỉ số giá bán buôn giảm 33%, và tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh trên 20% và hàng triệu người mất việc làm. Giá nông sản giảm mạnh, khiến nhiều nông dân phải bán đất và tài sản với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực.

Nhật Bản vào đầu thập kỷ 1990

Sau khi bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ vào đầu thập kỷ 1990, quốc gia này đã trải qua một giai đoạn giảm phát kéo dài. Giá cả hàng hóa và dịch vụ giảm, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu với kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm, và các doanh nghiệp cắt giảm đầu tư do lợi nhuận giảm. Hậu quả là nền kinh tế Nhật Bản rơi vào một thập kỷ mất mát, với tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Giá bất động sản ở Nhật Bản đã giảm mạnh sau khi bong bóng kinh tế vỡ, khiến cho nhiều gia đình mất giá trị tài sản và giảm chi tiêu tiêu dùng. Nhiều công ty cũng gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận và phải cắt giảm nhân sự, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Khủng hoảng sau sự sụp đổ của Liên Xô

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nhiều quốc gia mới hình thành gặp khó khăn kinh tế nghiêm trọng. Nhiều người dân sẵn sàng làm việc với mức lương rất thấp, khiến cho chi phí sản xuất giảm và dẫn đến giảm phát​.

Khủng hoảng kinh tế tại Hồng Kông năm 2002

Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Hồng Kông trải qua thời kỳ giảm phát kéo dài đến quý 4 năm 2004. Trong thời gian này, giá hàng hóa và dịch vụ liên tục giảm, đây là dấu hiệu điển hình của giảm phát. Tình trạng giảm phát này càng trở nên trầm trọng hơn do việc neo giá đồng đô la Hồng Kông vào đồng đô la Mỹ, xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đại lục và niềm tin của người tiêu dùng yếu kém.

Tìm hiểu thêm: Stagflation là gì?  

Các biện pháp để đối phó với giảm phát

Chính sách tiền tệ

Tăng cung tiền

Tăng cung tiền là biện pháp mà ngân hàng trung ương sử dụng để bơm thêm tiền vào nền kinh tế, nhằm thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư. Họ muốn mọi người có tiền để thúc đẩy tiêu xài, khiến nền kinh tế nhộn nhịp hơn. 

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện nhiều đợt nới lỏng định lượng, bơm hàng nghìn tỷ đô la vào hệ thống tài chính để kích thích kinh tế và chống lại giảm phát.

Giảm lãi suất

Giảm lãi suất là biện pháp mà ngân hàng trung ương sử dụng để làm giảm chi phí vay mượn tiền, khuyến khích tiêu dùng và đầu tư.

Nhật Bản đã áp dụng chính sách lãi suất cực thấp, thậm chí là âm, trong nhiều năm để chống lại giảm phát kéo dài. Lãi suất thấp làm tăng khả năng vay mượn và chi tiêu của người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy kinh tế.

Chính sách tài khóa

Tăng chi tiêu công và giảm thuế 

Tăng chi tiêu công là biện pháp chính phủ sử dụng để đầu tư vào các dự án công cộng như cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế, nhằm tạo ra việc làm và tăng cường tiêu dùng.

Giảm thuế là biện pháp giảm gánh nặng thuế cho người dân và doanh nghiệp, khuyến khích tiêu dùng và đầu tư.

Kết luận

Phần lớn thời gian mà chúng sống và làm việc trên một thị trường lạm phát hơn là giảm phát, vì kiểm soát lạm phát ở một mức độ nhất định là một cách tốt nhất để giúp thị trường phát triển lành mạnh và tạo sự ổn định cho nền kinh tế. Điều đó đồng nghĩa với việc lạm phát sẽ luôn tồn tại qua năm tháng vì đó là một phần của hệ thống đã được sử dụng bởi các chính phủ trên toàn thế giới.

Để có thể bảo toàn số tiền bạn vất vả làm ra không bị tan đi theo thời gian thì chúng ta cần học cách bảo vệ chúng thông qua đầu tư. Và Bitcoin là một tài sản tuyệt vời để chúng ta có thể lưu trữ nguồn năng lượng sức mua của mình. 


► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital


Ví trữ lạnh Ledger Nano X
30 Tháng 06, 2024 18:40