Vì sao các công ty đổ xô mua Bitcoin? 4 dạng doanh ngiệp và chiến lược phía sau
Trong vài năm trở lại đây, xu hướng các công ty đưa Bitcoin vào kho bạc doanh nghiệp (corporate treasury) đang tăng lên rõ rệt.
Đây không còn là một quyết định mang tính “thử nghiệm công nghệ,” mà dần trở thành một chiến lược tài chính được cân nhắc nghiêm túc, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động và lạm phát kéo dài.
Đây không phải là một xu hướng ngắn hạn nhất thời, mà nó đã được hình thành từ cuối những năm 2020 do công ty MicroStrategy khởi xướng. Kể từ đó đến nay, đã có hơn 250 tổ chức, từ doanh nghiệp, quỹ ETF, đến quỹ hưu trí đã tích trữ BTC.
Nó hình thành một lý thuyết trò chơi trên toàn cầu, từ những công ty chưa lên sàn đến các công ty đại chúng, ngay cả những công ty có vốn hoá nhất thế giới như Meta, Amaza cũng phải đưa ra những cuộc bỏ phiếu để có thể quyết định xem liệu có đưa Bitcoin vào kho bạc công ty không?
Vì sao các công ty lại bắt đầu quan tâm đến việc lưu trữ Bitcoin?
Để hiểu vì sao ngày càng nhiều công ty bắt đầu quan tâm đến việc mua Bitcoin, hãy cùng nhìn lại câu chuyện của Michael Saylor, người đã mở ra xu hướng này.
Trong một chia sẻ đầy cảm xúc, ông kể về “ngã rẽ” quan trọng khiến ông đưa ra quyết định táo bạo: dùng toàn bộ lượng tiền mặt nhàn rỗi của công ty và chuyển đổi thành Bitcoin, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Trong một cuộc trò chuyện sâu sắc với Jordan B. Peterson vào tháng 6 năm 2025, Saylor kể rằng ông từng là “người hoài nghi Bitcoin”. Tuy nhiên, đại dịch COVID đã làm thay đổi hoàn toàn góc nhìn của ông. Khi nền kinh tế toàn cầu bị đóng băng, các ngân hàng trung ương phản ứng bằng cách hạ lãi suất về gần 0 và in hàng nghìn tỷ USD.
Đối với các doanh nghiệp, điều này không chỉ là thách thức mà còn là mối đe dọa thầm lặng.
Cuộc trò chuyện giữa Michael Saylor và Jordan B. Peterson - Xem thêm tại đây.
Công ty MicroStrategy lúc ấy nắm giữ khoảng 500 triệu USD tiền mặt trong bảng cân đối kế toán. Vấn đề là, số tiền ấy không còn sinh lời. Tệ hơn nữa, nó đang âm thầm mất giá trị mỗi ngày vì lạm phát gia tăng. "Tôi nhận ra rằng mình đang ngồi trên một tảng băng đang tan chảy," Saylor nói.
Saylor bắt đầu tìm kiếm các kênh lưu trữ giá trị thay thế như vàng, bất động sản, nghệ thuật. Nhưng tất cả đều gặp hạn chế vì không đủ thanh khoản, chi phí cao, khó tiếp cận toàn cầu. Đó là lúc ông bắt đầu đào sâu về Bitcoin.
Ban đầu, ông cũng giống như nhiều người: nghi ngờ, lo lắng, không hiểu rõ. Nhưng càng nghiên cứu, ông càng bị thuyết phục. Bitcoin không phải là một “thứ để đầu cơ”, mà là một tài sản khan hiếm có thể kiểm toán, có thể chuyển nhượng toàn cầu, và không thể bị thao túng bởi bất kỳ chính phủ nào.
Tháng 8 năm 2020, MicroStrategy gây chấn động khi công bố mua 250 triệu USD Bitcoin. Bước đi táo bạo mở đầu cho chiến lược "Bitcoin Treasury" (kho bạc Bitcoin) mà đến nay đã trở thành mô hình được hơn 250 công ty và tổ chức toàn cầu áp dụng.
Saylor không đến với Bitcoin từ cảm hứng công nghệ hay lý tưởng chính trị. Ông đến với Bitcoin như một doanh nhân thực dụng. Muốn bảo vệ tài sản doanh nghiệp khỏi lạm phát và sự mất giá của tiền pháp định.
Và quan trọng nhất, ông không đầu tư vào Bitcoin vì tin rằng nó sẽ tăng giá trong vài tháng. Ông chọn Bitcoin vì đây là kho lưu trữ giá trị tốt nhất ông có thể tìm thấy cho “100 năm tới”.
Tìm hiểu thêm: Bitcoin - Kho lưu trữ giá trị
Câu chuyện của Michael Saylor là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình trong tư duy tài chính hiện đại. Trong một thế giới nơi tiền mặt mất giá nhanh hơn bao giờ hết, Bitcoin không chỉ là một cơ hội, nó có thể là chiếc phao cứu sinh cho tài sản doanh nghiệp.
Và cũng từ đó, ông đã trở thành “người truyền giáo” lớn tiếng cho Bitcoin, truyền cảm hứng cho hàng trăm công ty khác để họ cũng bắt đầu nhìn lại cách họ lưu giữ giá trị trong thế giới đang thay đổi từng ngày.
Chúng ta có thể tóm lại các ý chính về việc tại sao các công ty bắt đầu quan tâm đến việc lưu trữ Bitcoin
1. Bảo vệ khỏi lạm phát
Khi các ngân hàng trung ương liên tục in tiền để kích thích kinh tế (như giai đoạn 2020–2022), giá trị của tiền pháp định (fiat) như USD, EUR, VND… bị suy giảm. Trong khi đó, Bitcoin có giới hạn tối đa 21 triệu đơn vị, không thể bị in thêm, nên nhiều doanh nghiệp coi đây như “vàng kỹ thuật số” một hàng rào chống lại lạm phát hiệu quả.
2. Đa dạng hóa danh mục tài sản
Trước đây, các công ty thường dự trữ tiền mặt, gửi ngân hàng hoặc mua trái phiếu chính phủ. Nhưng trong thời đại tài sản số lên ngôi, việc bổ sung một phần nhỏ Bitcoin vào danh mục có thể giúp giảm rủi ro hệ thống nếu thị trường tài chính truyền thống gặp khủng hoảng.
3. Kỳ vọng tăng trưởng dài hạn
Dù giá Bitcoin có thể biến động mạnh trong ngắn hạn, nhưng nhiều công ty tin rằng xu hướng dài hạn vẫn là tăng giá. Với số lượng hữu hạn và nhu cầu ngày càng cao từ tổ chức, việc tích lũy BTC sớm có thể mang lại giá trị lớn trong tương lai.
Lợi suất trung bình hàng năm của Bitcoin giai đoạn 2011–2024 là ~102–110%/năm, cao vượt trội so với S&P 500 là ~9.9–10.5%/năm và trái phiếu ~4.5–4.6%/năm.
Tại sao cần phân loại các mô hình lưu trữ Bitcoin?
Không phải công ty nào cũng “mua” Bitcoin vì cùng một lý do. Có công ty xem BTC là tài sản cốt lõi, có công ty chỉ giữ một phần nhỏ như một khoản đầu tư, lại có công ty giữ BTC như một phần của sản phẩm họ cung cấp (ví dụ như sàn giao dịch).
Việc phân loại các mô hình lưu trữ giúp chúng ta:
Hiểu mức độ cam kết và chiến lược của từng công ty với Bitcoin.
Các dạng công ty lưu trữ Bitcoin
1. Công ty tập trung chuyên sâu vào mô hình Bitcoin
Chúng ta đang nói đến một nhóm công ty rất đặc biệt, những tín đồ thực thụ của Bitcoin. Họ không chỉ mua BTC như một khoản đầu tư dự phòng, mà còn biến Bitcoin thành trái tim trong chiến lược kinh doanh.
Những công ty này “đặt cược” toàn bộ vào Bitcoin không theo kiểu nói chơi cho vui, mà theo đúng nghĩa đen:
Họ dồn phần lớn tài sản, vốn lưu động, thậm chí huy động thêm vốn từ thị trường bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu, và các sản phẩm tài chính sáng tạo tất cả để “mua” được nhiều Bitcoin nhất có thể.
Tầm nhìn của họ rất rõ ràng:
Nếu Bitcoin thực sự là “vàng kỹ thuật số” trong kỷ nguyên số, thì việc tích trữ nó sớm sẽ tạo ra lợi thế vượt trội trong dài hạn.
Thay vì đầu tư đa dạng hóa, họ tự biến doanh nghiệp của mình thành một “ngân hàng BTC” nơi mọi hoạt động tài chính đều xoay quanh việc tích lũy Bitcoin.
Đây là một chiến lược táo bạo, chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi niềm tin mãnh liệt vào giá trị dài hạn của Bitcoin, và dĩ nhiên, chịu rủi ro rất lớn nếu thị trường không đi theo kỳ vọng.
Các công ty theo mô hình "tập trung vào Bitcoin" như MicroStrategy đang ngày càng tăng tỷ lệ sở hữu Bitcoin trên mỗi cổ phiếu (Bitcoin per share), và đây chính là một phần cốt lõi trong chiến lược của họ.
Bitcoin per share là tổng số Bitcoin mà công ty sở hữu chia cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Ví dụ:
Nếu MicroStrategy sở hữu 214,400 BTC và có 15 triệu cổ phiếu đang lưu hành, thì mỗi cổ phiếu đại diện cho khoảng 0.0143 BTC.
Vì với các công ty như MicroStrategy, giá trị nội tại của cổ phiếu phần lớn đến từ lượng BTC mà họ đang nắm giữ, chứ không phải từ hoạt động kinh doanh truyền thống.
Cổ phiếu của họ phản ánh giá trị của tài sản Bitcoin bên dưới, cộng thêm niềm tin từ nhà đầu tư tin rằng công ty sẽ tiếp tục tích lũy BTC một cách khôn ngoan và hiệu quả trong tương lai bằng cách chiến lượt tài chính sáng tạo của mình.
MicroStrategy liên tục phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu mới để thu mua thêm BTC theo thời gian.
Nếu giá BTC tăng nhanh hơn mức pha loãng cổ phiếu, thì Bitcoin per share vẫn tiếp tục tăng → cổ đông hiện tại được hưởng lợi.
Lợi ích đến từ chiến lược tập trung 100% vào Bitcoin có thể giúp các công ty này tận dụng được tối đa tiềm năng tăng trưởng của Bitcoin (thậm chí cổ phiếu của chính các công ty này còn tăng nhanh hơn giá Bitcoin).
Hơn nữa nhờ tiếp xúc và thu mua Bitcoin, các công ty được truyền thông một cách miễn phí. Từ những công ty dường như rất ít người biết cho đến thành hiện tượng trong giới đầu tư. Từ đó giúp họ thu hút thêm nhiều nguồn vốn mới để tiếp tục thu mua Bitcoin.
Công ty Strategy B (MicroStrategy đến từ Hoa Kỳ) và Metaplanet (đến từ Nhật Bản) là 2 ứng cứ viên tiêu biểu cho chiến lược này.
Vì phụ thuộc hoàn toàn vào giá trị Bitcoin, những công ty này rất dễ tổn thương trong thị trường gấu, khi giá BTC giảm mạnh.
Dù Strategy B vẫn an toàn khi bức qua thị trường gấu của những năm 2022. Nhưng về dài hạn với vô số công ty mới tham gia chiến lược tích luỹ Bitcoin này. Thì liệu rằng chúng sẽ còn hiệu quả và họ có thật sự quản lý tốt tài chính để vượt qua những thị trường gấu khắc nghiệt tiếp theo?
2. Công ty sử dụng Bitcoin làm tài sản dự trữ
Khác với những công ty “all-in Bitcoin”, nhóm các công ty này không thay đổi mô hình kinh doanh cốt lõi. Họ không phải là công ty crypto, cũng không xem Bitcoin là trung tâm chiến lược.
Thay vào đó, họ xem Bitcoin như một phần trong danh mục tài sản dự trữ, giống như nắm giữ tiền mặt, ngoại tệ hoặc vàng.
Mục tiêu chính của việc lưu trữ Bitcoin là:
- Đa dạng hóa tài sản.
- Bảo vệ tài sản công ty trước lạm phát tiền tệ.
- Tận dụng tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Bitcoin.
Một khi tuyên bố nắm giữ BTC có thể khiến tên tuổi công ty xuất hiện dày đặc trên truyền thông, từ báo chí tài chính cho đến cộng đồng crypto toàn cầu. Những công ty này vừa sử dụng Bitcoin làm tài sản dự trữ vừa sử dụng chúng như một phương pháp truyền thông hiệu quả.
Khi quyết định lưu trữ Bitcoin trong bảng cân đối kế toán của công ty. Thì họ cũng phải chịu những rủi ro nhất định, vì Bitcoin không ổn định như tiền mặt hoặc trái phiếu, giá có thể giảm 20% chỉ trong vài ngày. Điều này có thể khiến bảng cân đối kế toán của công ty biến động mạnh, đặc biệt là với những công ty niêm yết công khai, chịu sự giám sát từ cổ đông.
Đối với các công ty đại chúng, việc nắm giữ Bitcoin đòi hỏi sự minh bạch: từ phương pháp lưu trữ, định giá cho đến cách ghi nhận vào báo cáo tài chính. Trong khi đó, các công ty tư nhân không bắt buộc phải công khai thông tin này. Chính vì vậy, hiện nay chúng ta vẫn chưa thể xác định chính xác có bao nhiêu doanh nghiệp trên toàn thế giới đang âm thầm lưu trữ Bitcoin trong ngân khố của họ.
Ví dụ thực tế điển hình
Tesla
Tháng 2/2021, Tesla gây chấn động khi công bố đã mua 1.5 tỷ USD Bitcoin như một phần trong chiến lược quản lý tài sản.
Elon Musk nói BTC là “một dạng tài sản linh hoạt hơn tiền mặt.”
Sau đó, công ty đã bán ra một phần trong năm 2022 để tối ưu dòng tiền, nhưng vẫn giữ một lượng BTC đến nay.
Block Inc (trước đây là Square)
CEO Jack Dorsey là người nổi tiếng ủng hộ Bitcoin, tin rằng BTC là “tiền tệ của Internet”.
Công ty đã đầu tư 220 triệu USD vào BTC trong năm 2020–2021, đưa Bitcoin vào bảng cân đối kế toán như một tài sản dự trữ dài hạn.
Việc sử dụng Bitcoin như một tài sản dự trữ là cách tiếp cận thận trọng và thực dụng. Nó cho phép công ty tận dụng lợi thế dài hạn của Bitcoin mà không cần biến mình thành một doanh nghiệp crypto. Tuy nhiên, sự thành công phụ thuộc vào cách quản lý rủi ro, sự đồng thuận nội bộ, và cách truyền thông với cổ đông và công chúng.
Nếu MicroStrategy là người "tất tay" vì Bitcoin, thì Tesla và Block Inc. là minh chứng cho một chiến lược cân bằng hơn, vừa nắm giữ Bitcoin, vừa duy trì hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ.
3. Công ty hoạt động trong lĩnh vực crypto – nắm giữ BTC như một phần tự nhiên
Đây là nhóm công ty sinh ra trong hệ sinh thái crypto, nên việc nắm giữ Bitcoin không phải là chiến lược đột phá, mà là điều… rất đỗi bình thường, thậm chí là cần thiết để vận hành.
Họ thường cung cấp các dịch vụ như:
- Sàn giao dịch (giao dịch BTC và altcoin).
- Công ty đào Bitcoin.
- Ví lưu trữ và bảo mật tài sản kỹ thuật số
- Dịch vụ custody (lưu ký)
- Quản lý tài sản, quỹ đầu tư tiền mã hóa…
Vì vận hành trong môi trường crypto, việc sở hữu Bitcoin là một phần trong hệ thống tài chính nội bộ của họ, dùng để làm thanh khoản, thế chấp, đầu tư, trả phí giao dịch, hoặc đơn giản là… tích trữ.
Tại sao họ cần giữ Bitcoin?
Thanh khoản vận hành
Một sàn giao dịch như Coinbase hay Binance luôn cần giữ một lượng BTC để đảm bảo thanh khoản.
Khi người dùng nạp BTC để mua bán, hệ thống phải có sẵn BTC để giao dịch mượt mà, không trễ lệnh.
Bảo vệ tài sản công ty
Thay vì giữ hoàn toàn tiền mặt hoặc stablecoin, các công ty crypto có xu hướng giữ một phần BTC như một khoản dự trữ chiến lược dài hạn, phòng khi thị trường biến động.
Tạo niềm tin với khách hàng
Việc công khai sở hữu Bitcoin giúp công ty thể hiện niềm tin vào thị trường và tạo cảm giác “chúng tôi cùng chiến tuyến với bạn” cho nhà đầu tư.
Ví dụ thực tế nổi bật
Coinbase (COIN:NASDAQ)
Là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất tại Mỹ và đã niêm yết cổ phiếu công khai.
Coinbase sở hữu khoảng 9.267 bitcoin. Đây là số bitcoin mà công ty, nắm giữ trên bảng cân đối kế toán của mình như một khoản đầu tư. Coinbase cũng đang nắm giữ hàng trăm nghìn bitcoin cho khách hàng của mình.
🇺🇸 COINBASE CEO NÓI COINBASE VẪN MUA BITCOIN MỖI TUẦN
— ThuanCapital (@ThuanCapital) June 27, 2025
CEO Coinbase Brian Armstrong nói:
Chúng tôi đang mua thêm Bitcoin mỗi tuần (hiện đang HODL 9.267 BTC và là công ty đại chúng nắm giữ nhiều BTC thứ 10).
8 trong số 10 công ty niêm yết hàng đầu có Bitcoin trong… pic.twitter.com/Ns5jNfATay
Các công ty khai thác Bitcoin không chỉ sản xuất BTC mà còn tích lũy chúng làm tài sản dự trữ:
Marathon Digital Holdings (MARA:NASDAQ): Tính đến ngày 31/5/2025, công ty đang nắm giữ 49.179 BTC, không bán ra trong tháng
Riot Platforms (RIOT), CleanSpark (CLSK), và Hut 8 Mining (HUT) là những miner lớn khác, mỗi công ty đều giữ từ 10.000–20.000 BTC
Với nhóm công ty hoạt động trong ngành crypto, việc sở hữu BTC là điều tự nhiên như việc một cửa hàng vàng nắm giữ vàng vật chất vậy. Nó giúp họ duy trì thanh khoản, tăng độ tin cậy, và tận dụng cơ hội tăng trưởng dài hạn của Bitcoin.
4. Các công ty lớn KHÔNG nắm giữ Bitcoin
Không phải công ty nào cũng "nhảy vào Bitcoin" khi thấy xu hướng tăng giá. Có một nhóm doanh nghiệp, chủ yếu là các tập đoàn công nghệ lớn, có vốn hóa hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ USD lại chọn cách đứng ngoài xu hướng này.
Họ tránh xa Bitcoin, không phải vì không biết đến tiềm năng tăng giá, mà vì những lo ngại chiến lược về rủi ro, pháp lý, và trách nhiệm với cổ đông.
Tại sao họ không mua Bitcoin?
Biến động giá quá lớn
Bitcoin có thể tăng 100% trong vài tháng… nhưng cũng có thể mất 60% trong một quý.
Với các tập đoàn lớn như Amazon, Microsoft hay Meta, việc nắm giữ tài sản biến động mạnh có thể khiến bảng cân đối kế toán trở nên thiếu ổn định, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và lòng tin nhà đầu tư.
Không phù hợp với mô hình đầu tư
Các công ty như Google hay Apple đang có hệ sinh thái đầu tư bảo thủ, ưu tiên tiền mặt, trái phiếu chính phủ, và các tài sản ngắn hạn an toàn.
Với họ, mục tiêu là bảo toàn vốn, không phải tối đa hóa lợi nhuận từ tài sản có rủi ro cao như Bitcoin.
Ví dụ thực tế
Microsoft
Từng cho phép thanh toán bằng BTC từ rất sớm (2014), nhưng hiện tại lại không giữ BTC trong kho dự trữ công ty.
Vào tháng 12/2024. Cổ đông Microsoft bác bỏ đề xuất đầu tư vào Bitcoin, chỉ có 0,55% cổ đông Microsoft, tương đương 28,2 triệu phiếu bầu, ủng hộ việc mua Bitcoin, trong khi tỷ lệ phản đối là 5,15 tỷ phiếu.
Microsoft ưu tiên giữ tài sản bằng tiền mặt và các công cụ tài chính truyền thống, đảm bảo tính ổn định và sự linh hoạt tài chính cao.
Meta (Facebook)
Trong năm 2025, một nhóm cổ đông đề xuất Meta nên đưa Bitcoin vào kho dự trữ.
Nhưng kết quả chưa đến 1% số phiếu ủng hộ đề xuất này.
Cổ đông của Meta (Facebook) vừa bác bỏ áp đảo đề xuất xem xét đưa Bitcoin vào kho bạc công ty, với chưa đến 1% số phiếu ủng hộ.
— ThuanCapital (@ThuanCapital) June 1, 2025
– Kết quả này tương tự như trường hợp của Microsoft trước đó
– Điều đáng chú ý là trong khi các công ty tài chính, Tesla và một… pic.twitter.com/cQjPJUTixs
Ban lãnh đạo Meta phản hồi rằng Bitcoin không phù hợp với chiến lược tài chính dài hạn của công ty, và họ muốn giữ tài sản bằng USD, trái phiếu ngắn hạn để đảm bảo thanh khoản và ổn định.
Các công ty lớn như Meta, Amazon, Microsoft, Apple hay Google không phải là "anti-Bitcoin", mà đơn giản là họ đặt sự ổn định lên hàng đầu. Với quy mô và trách nhiệm quá lớn trước cổ đông, họ cần đảm bảo bảng cân đối kế toán không bị ảnh hưởng bởi tài sản có biến động mạnh như BTC.
Tuy nhiên, trong thế giới tài chính, chiến lược cũng có thể thay đổi theo thời gian. Nếu Bitcoin ngày càng được chấp nhận rộng rãi, có khung pháp lý rõ ràng và được xem là tài sản “ổn định” hơn, thì chính những công ty lớn này cũng có thể bước vào cuộc chơi trong tương lai. Nhưng hiện tại, họ vẫn đang chờ đợi thêm sự trưởng thành và minh bạch từ thị trường crypto.
Bitcoin và vai trò mới trong kho bạc doanh nghiệp
Trong hơn một thập kỷ qua, Bitcoin đã dần bước ra khỏi “vùng đất mạo hiểm” để trở thành một phần trong cuộc thảo luận chiến lược tài chính của các doanh nghiệp toàn cầu. Nếu như trước đây việc nắm giữ BTC chỉ là lựa chọn của các công ty startup nhỏ lẻ, thì ngày nay, xu hướng này đang chạm đến các tập đoàn lớn, quỹ đầu tư, và thậm chí cả ngân hàng.
Sẽ có nhiều công ty sẽ nắm giữ Bitcoin hơn trong tương lai gần, số lượng doanh nghiệp đưa Bitcoin vào bảng cân đối kế toán được dự đoán sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt khi:
Khung pháp lý ở Mỹ, EU và châu Á ngày càng rõ ràng hơn.
Sản phẩm tài chính như Spot Bitcoin ETF giúp việc tiếp cận Bitcoin trở nên đơn giản, minh bạch và phù hợp hơn với tiêu chuẩn kế toán doanh nghiệp.
Công nghệ lưu trữ và bảo mật tài sản số cũng ngày càng ổn định.
Năm 2024, việc ra mắt hàng loạt Bitcoin ETF tại Mỹ đã giúp các tổ chức tài chính dễ dàng hơn trong việc tiếp xúc với BTC mà không cần trực tiếp giữ private key, một rào cản lớn trong quá khứ.
Không phải công ty nào cũng phù hợp để nắm giữ Bitcoin. Việc quyết định giữ hay không phụ thuộc vào:
- Tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo.
- Khẩu vị rủi ro của cổ đông và ban điều hành.
- Cấu trúc tài chính và tính thanh khoản của công ty
Bitcoin chưa phải là xu hướng áp đảo trong kho bạc doanh nghiệp, nhưng chắc chắn đang là một xu hướng tăng trưởng vững chắc.
Và trong tương lai, rất có thể việc các công ty thông báo mua Bitcoin sẽ trở nên bình thường như việc họ mua trái phiếu chính phủ hay giữ tiền mặt vậy.
Ý kiến trái chiều về xu hướng này
Trong số các công ty mua Bitcoin, chỉ một nhóm nhỏ như MicroStrategy, Metaplanet, Nakamoto Corp, hay Strive Asset Management... chọn cách “đặt cược toàn bộ” và biến BTC thành trung tâm của chiến lược tài chính. Họ thậm chí vay nợ để gom thêm BTC, với niềm tin mãnh liệt rằng Bitcoin sẽ tăng giá mạnh trong dài hạn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng:
Đây là một mô hình đầu cơ rủi ro cao.
Nếu BTC đi ngang hoặc giảm giá trong 4–5 năm, các công ty này có thể không tạo đủ lợi nhuận để trả nợ hoặc duy trì tăng trưởng.
Giá cổ phiếu có thể lao dốc → nhà đầu tư bán tháo → buộc công ty phải bán BTC để trả nợ → kéo giá BTC xuống thấp hơn nữa, một vòng lặp tiêu cực.
Việc phát hành trái phiếu chuyển đổi để mua BTC (như MicroStrategy đã làm) càng làm tăng nguy cơ bị margin call khi thị trường lao dốc.
Hiện tại, chỉ một số ít công ty có mô hình kinh doanh đặc thù hoặc có lãnh đạo thực sự tin tưởng mạnh mẽ vào Bitcoin mới dám theo đuổi chiến lược “tập trung toàn phần” vào tài sản này. Dù mỗi công ty có cách triển khai khác nhau, nhưng tất cả đều đặt niềm tin vào một điều cốt lõi: Bitcoin sẽ tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn.
Khi Bitcoin còn tăng, chiến lược vẫn đang vận hành đúng hướng.
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital