XM - Đối tác Xuất sắc

Tại sao CBDC không thể cạnh tranh với Bitcoin?

09 Tháng 04, 2024 17:17

Trong bối cảnh tài chính toàn cầu đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, sự ra đời của tiền tệ kỹ thuật số do Ngân Hàng Trung Ương (CBDC) đã khởi đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử tiền tệ.

Tại sao CBDC không thể cạnh tranh với Bitcoin?

Được sự ủng hộ vững chắc từ các cơ quan quản lý cả về mặt pháp lý lẫn công nghệ. CBDC đang dần thay đổi cách thế giới nhìn nhận về tiền tệ kỹ thuật số, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về vị thế của Bitcoin, "ông vua" của thị trường tiền mã hóa.

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá sâu hơn về những khác biệt cơ bản giữa CBDC và Bitcoin, và tìm hiểu lý do vì sao, dù có nhiều ưu điểm. CBDC vẫn khó có thể cạnh tranh và thay thế Bitcoin trong nhiều khía cạnh cuộc sống.

Nhưng trước tiên, hãy cùng tìm hiểu về Ngân Hàng Trung Ương, nơi tạo ra những đồng CBDC, để hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của chúng trong hệ thống tài chính hiện đại.

Vai trò của ngân hàng trung ương trong nền kinh tế

Ngân hàng trung ương đóng vai trò như trái tim của hệ thống tài chính quốc gia, bơm máu, tức là tiền tệ vào nền kinh tế. Từ khi Sveriges Riksbank ở Thụy Điển ra đời vào năm 1668, ngân hàng trung ương đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc điều chỉnh lượng tiền lưu thông, kiểm soát lãi suất và bảo vệ giá trị tiền tệ.

Bank of England, thành lập năm 1694, là bước tiến quan trọng tiếp theo, đánh dấu sự phát triển của hệ thống ngân hàng trung ương hiện đại. Các ngân hàng trung ương không chỉ quản lý tiền tệ mà còn giám sát các ngân hàng thương mại, đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), thành lập năm 1913, là một ví dụ điển hình về ngân hàng trung ương của một quốc gia lớn, với nhiệm vụ quản lý lượng tiền tệ và lãi suất, hỗ trợ sự ổn định tài chính.

Vấn đề của quyền quyết định tập trung 

Hệ thống tài chính tập trung hiện nay đặt quá nhiều quyền lực vào tay các cơ quan quản lý trung ương, dẫn đến những quyết định chính sách tiền tệ không phù hợp và gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Điển hình là Đại suy thoái lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, được cho là hậu quả của việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ lãi suất quá thấp trong thời gian dài, tạo điều kiện cho các hoạt động đầu cơ mạo hiểm.

Nhiều báo cáo chỉ ra rằng, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là do việc giao dịch các sản phẩm phái sinh phức tạp, khi các khoản vay nhà ở của những người không có khả năng trả nợ được tái đóng gói thành sản phẩm hấp dẫn để bán cho những người mua không hiểu biết. Hệ thống tài chính đã tạo ra lợi nhuận khổng lồ từ những giao dịch này, với sự hỗ trợ về tiền tệ từ Fed.

Sự kết nối chặt chẽ của nền kinh tế toàn cầu cũng khiến cho những sai lầm trong chính sách của một ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng rộng rãi đến nhiều quốc gia, dẫn đến sự sụt giảm trên toàn cầu trong thị trường chứng khoán sau cuộc Đại suy thoái.

Và trong khoảng thời gian cuộc đại suy thoái ở những năm 2008, thì sau đó vào năm 2009, Bitcoin được sinh ra đời với một sứ mệnh hoàn toàn mới. Giải phóng sự tập trung và mang lại sự tự do cho công chúng sử dụng trên một mạng lưới ngang hàng với chính sách tiền tệ tập trung vào người dùng cuối ở giới hạn chỉ 21 triệu đồng. 

Giới thiệu về CBDC 

CBDC, hay tiền tệ kỹ thuật số do Ngân Hàng Trung Ương Phát Hành, là phiên bản kỹ thuật số của tiền tệ quốc gia. Mục đích của chúng là tạo ra một phương tiện thanh toán kỹ thuật số an toàn, dễ dàng tiếp cận với công chúng, và được quản lý chặt chẽ bởi ngân hàng trung ương và thường được phát triển trên các hệ thống blockchain riêng tư. CBDC như một cầu nối giữa thế giới tiền tệ truyền thống và kỹ thuật số, hứa hẹn mang lại sự tiện lợi và hiệu quả trong giao dịch.

Một cuộc khảo sát do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) thực hiện vào tháng 1 năm 2023 cho thấy khoản 86% ngân hàng trung ương tham gia cuộc khảo sát đã khám phá nghiên cứu liên quan đến CBDC, với hơn một nửa hoặc 60% đã bắt đầu thử nghiệm thực tế sử dụng công nghệ này.

Đến năm 2024, đã có 134 quốc gia và liên minh tiền tệ, chiếm 98% GDP toàn cầu, tham gia vào việc nghiên cứu CBDC, tăng đáng kể so với chỉ 35 quốc gia vào tháng 5 năm 2020. Hiện tại, 68 quốc gia đang ở giai đoạn phát triển CBDC tiên tiến, bao gồm cả chương trình thử nghiệm và triển khai hoàn chỉnh. Trong số các quốc gia G20, có 19 quốc gia đang dẫn đầu trong việc phát triển này, cho thấy cam kết toàn cầu hướng tới việc số hóa tiền tệ quốc gia. 

Có lẽ như Hoa Kỳ là một trường hợp ngoại lệ khi với cương vị là một quốc gia lớn nhưng vẫn rất thận trọng với CBDC. Trái ngược, Trung Quốc hiện đang là quốc gia tích cực nhất với loại tiền tệ này. 

Cho thấy đây là một cuộc đua công nghệ toàn cầu vào việc áp dụng và đưa CBDC vào đời sống thực tế giữa các quốc gia. Vì không ai muốn bị bỏ lại phía sau. 

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tích cực phát triển CBDC, một số người có thể vội vàng kết luận rằng thời đại của Bitcoin sắp kết thúc, nhường chỗ cho sự xuất hiện của CBDC. Dễ hiểu khi họ nhìn thấy CBDC cũng sử dụng công nghệ blockchain, hứa hẹn giao dịch nhanh chóng và an toàn, cũng có thể lưu trữ trong ví cá nhân. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn nhận sâu hơn một chút, sự khác biệt cốt lõi giữa hai hệ thống này bắt đầu lộ rõ.

CBDC, dù mang trên mình lớp áo mới của công nghệ số, về bản chất vẫn là tiền fiat được quản lý và kiểm soát chặt chẽ bởi ngân hàng trung ương. Nó kế thừa những vấn đề cố hữu của hệ thống tiền tệ truyền thống như khả năng phát hành không giới hạn, dễ bị lạm phát và sự can thiệp từ chính phủ. Trong khi đó, Bitcoin đại diện cho một cuộc cách mạng tiền tệ thực sự, với sự phi tập trung, một lượng cung cố định không thể thay đổi, và khả năng chống lại lạm phát.

Vì vậy, mặc dù xu hướng phát triển CBDC đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng quan điểm cho rằng Bitcoin sẽ bị thay thế bởi CBDC là một hiểu lầm lớn. CBDC và Bitcoin phục vụ những mục đích và triết lý hoàn toàn khác biệt. Trong khi CBDC nhằm mục đích hiện đại hóa hệ thống tiền tệ fiat hiện tại dưới sự kiểm soát của ngân hàng trung ương, Bitcoin tiếp tục khẳng định vị thế của mình như một biểu tượng của sự tự do tài chính, minh bạch và đổi mới không ngừng.

Các lý do CBDC không thể cạnh tranh với Bitcoin

Dù CBDC là nỗ lực của ngân hàng trung ương nhằm bắt kịp cuộc cách mạng số, nhưng thực tế cho thấy Bitcoin vẫn có những ưu điểm vượt trội mà CBDC khó lòng sánh kịp. Cùng tìm hiểu lý do vì sao nhé.


 

CBDC sẽ loại bỏ Crypto?

Tính chất phi tập trung và không cần cho phép của bitcoin 

Bitcoin, với cơ chế hoạt động phi tập trung, mở ra cánh cửa tự do cho bất kỳ ai muốn tham gia vào mạng lưới của mình. Không cần xin phép, bạn có thể trở thành một phần của cộng đồng Bitcoin, góp phần vào sự phát triển và đổi mới không ngừng của nó. Điều này tạo nên một không gian sôi động với sự tham gia của nhà phát triển, thợ đào và người dùng, đẩy mạnh tốc độ đổi mới một cách nhanh chóng.

Ngược lại, CBDC lại là một hệ thống khép kín, nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Giống như một blockchain riêng biệt, CBDC được thiết kế cho một nhóm người dùng nhất định và phục vụ mục đích cụ thể của chính phủ.

Sự khác biệt rõ ràng giữa Bitcoin và CBDC không chỉ nằm ở cách thức quản lý, một bên phi tập trung và minh bạch, bên kia tập trung và dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Trong khi CBDC mang lại những lợi ích nhất định cho hệ thống tài chính truyền thống, tính phi tập trung của Bitcoin lại cung cấp một lựa chọn thay thế mạnh mẽ, đảm bảo sự minh bạch và giảm thiểu rủi ro từ sự can thiệp của chính phủ.

Khác biệt lớn nhất có lẽ nằm ở cách thức quản lý giao dịch. Trong khi CBDC có thể bị ngân hàng trung ương theo dõi và thậm chí hủy bỏ giao dịch nếu cần, Bitcoin lại hoàn toàn tự do và minh bạch. Một khi giao dịch được xác nhận, nó sẽ mãi mãi tồn tại trên blockchain mà không ai có thể thay đổi hay hủy bỏ. Điều này tạo nên một môi trường giao dịch an toàn và tự chủ, nơi người dùng có quyền kiểm soát tuyệt đối với tài sản của mình. 

Lợi thế người đi đầu của Bitcoin 

Bitcoin không chỉ là đồng tiền crypto đầu tiên ra đời mà còn là biểu tượng của sự chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu. Với lịch sử phát triển lâu dài. Bitcoin đã khẳng định được vị thế của mình không chỉ trong cộng đồng mà còn trong giới tài chính lớn. Sự kiện El Salvador chấp nhận Bitcoin làm tiền tệ hợp pháp hay các công ty lớn như Tesla và PayPal tích hợp Bitcoin vào hệ thống thanh toán của mình là minh chứng cho sức hút và sự tin tưởng vào Bitcoin.

Khác biệt với CBDC, Bitcoin tự hào với thị trường sâu rộng và tính thanh khoản cao, cho phép nó trở thành một tài sản đầu tư và phương tiện thanh toán quốc tế mạnh mẽ. Sự cơ động và khả năng vượt qua mọi rào cản quốc gia của Bitcoin đã chứng minh nó không chỉ là một phương tiện giao dịch mà còn là cầu nối giữa các thị trường tài chính toàn cầu, mà không cần phụ thuộc vào hệ thống tài chính truyền thống.

CBDC cạnh tranh với bitcoin

Trong khi đó, CBDC mới chỉ ở giai đoạn nghiên cứu và phát triển, với mỗi quốc gia đang tìm cách phát hành đồng tiền kỹ thuật số riêng. Sự phân mảnh này khiến cho việc chấp nhận CBDC trên phạm vi toàn cầu trở nên khó khăn, không thể nhanh chóng đạt được thị phần lớn như Bitcoin. Mỗi đồng CBDC riêng lẻ phải vượt qua những thách thức về quy định, tính tương thích và sự chấp nhận từ người dùng, trong khi Bitcoin đã vượt qua những rào cản này và tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Bitcoin, với lợi thế người đi đầu và sự chấp nhận toàn cầu, không chỉ là một đồng tiền crypto lớn nhất mà còn là một biểu tượng của sự tự do tài chính, mở ra cánh cửa cho những đổi mới và kết nối không giới hạn trong thế giới tài chính kỹ thuật số.

Tìm hiểu thêm: Lịch sử tiền tệ - Từ vỏ sò đến Bitcoin

Chính sách tiền tệ tập trung vào người dùng của Bitcoin 

Một trong những điểm mạnh lớn nhất của Bitcoin là chính sách tiền tệ của nó, được thiết kế để bảo vệ giá trị của đồng tiền thông qua việc cung cấp cố định và quy trình khai thác dựa trên bằng chứng công việc (có nghĩa là có làm thì mới có ăn). Khác biệt hoàn toàn với chính sách tiền tệ linh hoạt của ngân hàng trung ương, Bitcoin tạo ra một hệ thống tài chính minh bạch, dự đoán được và không thể bị thao túng.

Ví dụ, trong khi các ngân hàng trung ương có thể in thêm tiền mặt, gây ra lạm phát và làm mất giá trị tiền tệ, số lượng Bitcoin tối đa chỉ có 21 triệu, không bao giờ thay đổi. Điều này giúp Bitcoin trở thành một kho bảo vệ giá trị mạnh mẽ trong thời kỳ bất ổn kinh tế.

Hãy tưởng tượng Bitcoin như một mỏ vàng kỹ thuật số, nơi "vàng" (Bitcoin) ngày càng trở nên khan hiếm. Khi bạn khai thác vàng, bạn phải đào sâu hơn và làm việc khó khăn hơn để tìm thấy nó. Tương tự, việc khai thác Bitcoin cũng trở nên khó khăn hơn theo thời gian, đảm bảo rằng không thể tạo ra Bitcoin một cách vô tận. Điều này giống như việc bạn có một số lượng vàng cố định trên thế giới, và không thể tạo thêm vàng mới ngoài số lượng đó.

Bitcoin ra đời vào năm 2009, ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, như một giải pháp đối với sự không ổn định của hệ thống tài chính truyền thống và những sai lầm trong chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Với cơ chế khai thác dựa trên bằng chứng công việc và tổng cung cố định, Bitcoin tạo ra một hệ thống tài chính minh bạch, dự đoán được và không thể bị thao túng.

So sánh với CBDC, Bitcoin không chỉ cung cấp một phương tiện giao dịch mà còn là một biểu tượng của tự do tài chính. Trong khi CBDC là bước tiến của ngân hàng trung ương vào thế giới số, nhưng về bản chất, nó vẫn bị kiểm soát và có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát do chính sách tiền tệ của chính phủ. Bitcoin, với chính sách tiền tệ tập trung vào người dùng, không chỉ giải quyết vấn đề lạm phát mà còn mang lại sự ổn định và bảo vệ giá trị cho người dùng trong dài hạn.

Tìm hiểu thêm: Bitcoin: Bức tường vững chắc trước lạm phát và sóng gió kinh tế

Tính cơ động trên toàn cầu của Bitcoin 

Hãy tưởng tượng bạn cần chuyển tiền từ Việt Nam sang Canada. Trong hệ thống ngân hàng truyền thống, bạn sẽ phải qua nhiều bước phức tạp, chịu phí cao và chờ đợi lâu. Nhưng với Bitcoin, chỉ cần vài thao tác đơn giản, tiền của bạn sẽ nhanh chóng đến tay người nhận ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, với chi phí thấp.

CBDC, mặc dù mang lại nhiều tiện ích, nhưng lại bị giới hạn bởi biên giới quốc gia và các quy định riêng biệt, làm giảm tính linh hoạt và tiện lợi của nó trong giao dịch quốc tế. Khi sử dụng CBDC cho giao dịch quốc tế, bạn có thể gặp phải nhiều rắc rối, từ chuyển đổi tiền tệ đến tuân thủ quy định pháp lý, làm tăng chi phí và kéo dài thời gian giao dịch.

Trái lại, Bitcoin với khả năng vượt qua mọi rào cản và kết nối thị trường tài chính toàn cầu, đã chứng minh sức mạnh vượt trội của mình. Bitcoin không chỉ là một phương tiện giao dịch mà còn là một cầu nối giữa các thị trường tài chính, mở ra cơ hội đầu tư và giao dịch không giới hạn cho mọi người trên toàn thế giới.

Với Bitcoin, thế giới tài chính trở nên không biên giới, mang lại cơ hội và tiện ích vượt trội so với CBDC.

Thách thức của CBDC khi áp dụng vào thực tế 

Khi các Ngân hàng Trung ương trên thế giới bắt đầu nghiên cứu và triển khai CBDC, một loạt thách thức và khó khăn đã nổi lên, đặt ra câu hỏi về khả năng áp dụng thực tế của chúng. Dưới đây là một số vấn đề chính mà CBDC phải đối mặt khi được đưa vào thực tế:

Ảnh hưởng đến các ngân hàng thương mại 

CBDC được quản lý trực tiếp từ Ngân hàng Trung ương đến người dùng cuối, không qua hệ thống ngân hàng thương mại. Điều này có thể làm giảm vai trò của các ngân hàng thương mại trong việc tạo ra tiền mới cho thị trường qua cơ chế dự trữ phân đoạn. Nếu người dân chọn giữ tiền trong CBDC thay vì tài khoản ngân hàng, các ngân hàng thương mại có thể mất nguồn vốn quan trọng để cho vay và tạo ra lợi nhuận.

Thay đổi trong cung tiền M2

Với việc CBDC trở thành phương tiện lưu trữ giá trị và giao dịch trực tiếp, cung tiền M2, tổng cung tiền bao gồm tiền mặt, tiền gửi và các khoản tiền gửi tiết kiệm có thể chứng kiến những thay đổi đáng kể. Sự thay đổi này đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới trong việc quản lý chính sách tiền tệ.

Tính tương tác giữa các quốc gia. 

Tính tương tác giữa các quốc gia trong việc sử dụng CBDC là một trong những thách thức lớn nhất mà hệ thống tài chính toàn cầu phải đối mặt khi triển khai CBDC. Mỗi quốc gia phát triển CBDC trên nền tảng blockchain riêng biệt của mình, dẫn đến khó khăn trong việc tương tác và thực hiện giao dịch quốc tế mà không cần đến sự can thiệp của hệ thống trung gian truyền thống. Điều này không chỉ giữ nguyên vấn đề về hệ thống tài chính tập trung mà còn làm giảm bớt lợi ích tiềm năng của việc sử dụng công nghệ blockchain.

Để giải quyết vấn đề trên thì hiện nay có những cách phổ biến như sau: 

Giải pháp tạo ra wrapped token CBDC

Một trong những giải pháp tiềm năng để giải quyết vấn đề này là tạo ra các "wrapped token" CBDC trên các blockchain công cộng. Wrapped token là một loại token kỹ thuật số được phát hành trên một blockchain nhưng đại diện cho một tài sản được giữ trên một hệ thống khác, trong trường hợp này là CBDC của một quốc gia cụ thể. Bằng cách này, CBDC có thể được "bọc" vào một token có thể dễ dàng di chuyển và giao dịch trên các blockchain công cộng, giúp thực hiện giao dịch quốc tế một cách mượt mà và minh bạch hơn.

Hợp tác quốc tế để tạo ra blockchain công cộng 

Một giải pháp khác là các quốc gia cùng nhau hợp tác để phát triển một blockchain công cộng chung, được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ việc di chuyển và giao dịch CBDC giữa các quốc gia. Điều này đòi hỏi một mức độ hợp tác và tin tưởng cao giữa các ngân hàng trung ương và chính phủ, nhưng có thể mang lại lợi ích lớn về hiệu quả giao dịch và giảm thiểu chi phí. Blockchain công cộng chung này có thể được thiết kế để đảm bảo tính bảo mật, minh bạch và khả năng mở rộng, đồng thời cho phép các quốc gia duy trì quyền kiểm soát đối với CBDC của mình.

Cả hai giải pháp trên đều đối mặt với thách thức về mặt kỹ thuật và chính sách, bao gồm vấn đề về quyền riêng tư, an ninh mạng, và sự phối hợp chính sách tiền tệ giữa các quốc gia. Tuy nhiên, chúng cũng mở ra cơ hội lớn để tận dụng lợi ích của blockchain cho việc tạo ra một hệ thống tài chính toàn cầu thực sự liên kết và hiệu quả.

Rào cản về chính sách và quy định 

Việc áp dụng CBDC đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn trong chính sách và quy định tài chính, cả trong nước và quốc tế. Các quy định về việc sử dụng CBDC trong và ngoài quốc gia cần được làm rõ để tránh tạo ra hỗn loạn trong hệ thống tài chính.

Vẫn bị kiểm soát, lạm phát và phí giao dịch 

Mặc dù CBDC được giao dịch qua blockchain, chúng vẫn được kiểm soát bởi ngân hàng trung ương và không thoát khỏi nguy cơ lạm phát. Ngoài ra, việc áp dụng phí giao dịch cho CBDC cũng là một vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng để không làm mất đi lợi ích của việc sử dụng tiền tệ kỹ thuật số.


 

Lạm phát khắp nơi, nhiều người đổ xô tìm kiếm tài sản để lưu trữ.

Tương lai của Bitcoin và CBDC

Trong thế giới tài chính đang biến đổi nhanh chóng, Bitcoin và CBDC (tiền tệ kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành) đang vẽ nên những đường nét mới cho tương lai của tiền tệ. Mỗi loại tiền này đều mang những đặc điểm và tiềm năng riêng biệt, hứa hẹn một tương lai đầy hấp dẫn nhưng cũng không kém phần thách thức.

Bitcoin, với tính chất phi tập trung và mở, đang dần khẳng định vị thế của mình như một chuẩn mực toàn cầu. Sự chấp nhận ngày càng tăng từ cả người tiêu dùng lẫn các tổ chức tài chính lớn đã chứng minh Bitcoin không chỉ là một hiện tượng nhất thời.

Ngược lại, CBDC mở ra một kỷ nguyên mới cho ngân hàng trung ương, mang theo cả cơ hội và thách thức. Sự ra đời của CBDC cho thấy ngân hàng trung ương đang tìm cách hiện đại hóa hệ thống tài chính và tăng cường an ninh tài chính.

Tuy nhiên, mặc dù CBDC có vẻ như là bước tiến mới của ngân hàng trung ương vào thế giới kỹ thuật số, nhưng thực tế cho thấy chúng khó có thể cạnh tranh với Bitcoin. Điều này là bởi Bitcoin mang những đặc tính tách biệt hoàn toàn khỏi hệ thống ngân hàng truyền thống, mang lại sự tự do và phi tập trung cho người dùng.

Trong khi CBDC được xem như là bản nâng cấp kỹ thuật số của đồng tiền fiat, mang lại sự tiện lợi và tăng cường quyền kiểm soát cho chính phủ. Bitcoin lại đại diện cho một cuộc cách mạng, một kho lưu trữ giá trị, một mạng lưới bền vững và mạnh mẽ. Bitcoin không chỉ là một phương tiện giao dịch mà còn là biểu tượng của sự tự do tài chính, minh bạch và đổi mới không ngừng.

Vì vậy, trong khi CBDC có thể phát triển và trở thành một phần quan trọng của hệ thống tài chính toàn cầu, Bitcoin vẫn sẽ giữ vững vị thế của mình như một "vàng kỹ thuật số", một đồng tiền crypto toàn cầu được sử dụng rộng rãi. Sự phát triển song song của Bitcoin và CBDC sẽ mở ra những hướng đi mới cho tương lai của tiền tệ, nơi Bitcoin trở thành kho lưu trữ giá trị và CBDC tăng cường hiệu quả giao dịch dưới công nghệ blockchain, mỗi loại tiền tệ đều có vai trò và giá trị riêng trong hệ thống tài chính toàn cầu.


► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital


Ví trữ lạnh Ledger Nano X
09 Tháng 04, 2024 17:17