Sự thật về việc dùng Crypto làm công cụ rửa tiền
Bạn đang hối hả đi ngoài mưa. Tay thì cầm lại mớ tiền thừa từ ly cà phê mới mua. Không biết đi đứng làm sao mà bạn va phải bật thềm dưới chân.
Thế là rớt mớ tiền thừa xuống đống sình trước mặt. Vội nhặt lên vẩy vẩy nhưng mà chúng đã bị dơ vì dính đầy sình rồi. Làm sao mà cho vào túi được. Đành cầm về nhà, rửa lại bằng nước sạch, làm cho khô, sao đó mới cất chúng lại ngay ngắn vào ví của mình.
Đây là một câu chuyện vui về việc rửa tiền. Vì tiền nếu đã “bẩn” rồi thì bạn không thể nhét chúng lại được vào ví. Vì chúng sẽ làm bẩn luôn tất cả số tiền còn lại. Bạn cần phải “rửa” chúng. Mới có thể tiếp tục sử dụng.
Người ta thường nói Bitcoin là công cụ số một của tội phạm rửa tiền, crypto mở ra một chương mới cho hacker có thể dễ dàng thanh toán thông qua internet.
Đây là những tiêu đề “khá hấp dẫn” mà báo chí hay đề cập khi nhắc đến Crypto.
Crypto có thật sự là công cụ hoàn hảo để rửa tiền và thực hiện những giao dịch mờ ám không? Trong bài viết ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng khám phá chi tiết.
Nhưng đầu tiên chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rửa tiền là gì? Và tại sao phải rửa nó.
Rửa tiền là gì?
Trên thực tế “rửa tiền” là một từ ẩn dụ. Nhằm ám chỉ hành động biến một tờ tiền “bẩn”, một tờ tiền không đúng pháp luật, trở thành một tờ tiền “sạch” và minh bạch trước pháp luật.
Sau đó đưa nó vào hệ thống ngân hàng chính thống và có thể thoải mái sử dụng chúng mà không bị bất cứ hành vi gian lận tài chính nào.
Điều đó cũng giống như ví dụ ở trên. Bạn phải rửa tiền sạch sẽ để loại bỏ hết sình lầy. Rồi mới đưa nó vào ví và có thể tiếp tục sử dụng vậy. Ví ở đây là ẩn dụ cho hệ thống tài chính hiện hành của từng quốc gia mà nơi tờ tiền đó hoạt động.
Những số tiền lớn kiếm được từ những hoạt động phi pháp như buôn bán ma tuý, tài trợ khủng bố, làm tiền giả, làm ăn bất chính. Sẽ được coi là “bẩn” và chúng sẽ được “rửa” để làm cho nó trông sạch sẽ hơn. Quá trình này với mục đích là giúp số tiền này được tích hợp vào hệ thống tài chính hợp pháp. Và tội phạm có thể sử dụng số tiền này để sử dụng cho mục đích cá nhân mà không bị nghi ngờ.
Có nhiều cách để rửa tiền. Từ đơn giản để phức tạp. Có thể rửa tiền qua các ngân hàng thương mại, có thể rửa tiền qua Crypto, và cũng có thể rửa tiền qua việc xây dựng một doanh nghiệp bằng cách làm giả doanh thu của nó.
Tuỳ vào mức độ pháp lý của từng quốc gia sẽ có cách kiểm soát dòng tiền khác nhau. Có những quốc gia có xu hướng tự do hơn về việc sử dụng tiền. Nhưng cũng có những quốc gia gắt gao hơn về việc kiểm soát dòng tiền chảy trong xã hội. Nhằm ngăn chặn các hành vi trốn thuế và các phi vụ gian lận tài chính.
Tại Việt Nam do chúng ta đã quá quen thuộc với văn hoá sử dụng tiền mặt. Và sử dụng nó thường xuyên trong các giao dịch có giá trị lớn. Không quá lạ khi thấy ai đó mua cả căn nhà hay chiếc xe bằng một cọc tiền mặt siêu to khổng lồ để trên bàn. Nhưng đây là một việc vô cùng bất thường tại các quốc gia phương Tây mà đặc biệt là Hoa Kỳ. Nếu bạn mua một thứ gì đó có giá trị cao với tiền mặt thì người bán sẽ nghi ngờ về sự “sạch sẽ” của số tiền bạn có.
Để chuyển đổi tiền mặt thành tiền điện tử trong tài khoản ngân hàng thì không hề dễ. Vì các ngân hàng sẽ luôn muốn điều tra xem số tiền này từ đâu mà bạn có được. Từ đó chúng ta mới sinh ra thuật ngữ rửa tiền. Là hành động nhằm tẩy những vết nhơ của đồng tiền đó. Và khiến chúng sạch sẽ hơn trước mặt các hệ thống tài chính. Và có thể sử dụng số tiền đó để chi tiêu cho những thứ bạn muốn mà không bị quá nhiều sự nghi ngờ từ những người xung quanh.
Một số ví dụ về rửa tiền là gì?
Rửa tiền bằng cách mở công ty.
Bạn có được một số lượng lớn tiền mặt từ việc mua bán ma tuý. Và muốn dùng số tiền này để mua một chiếc xe. Vì mua xe bằng tiền mặt là một việc khó khăn và đáng ngờ. Nên bạn sẽ mở ra một quán cà phê. Việc kinh doanh cà phê rất cần tiền mặt.
Tiền mặt có được từ mua bán ma tuý sẽ được trộn lẫn vào doanh thu của quán cà phê và và gửi số tiền đó đến ngân hàng. Ngân hàng sẽ không nghi ngờ vì nghĩ đó là có tiền có được từ bán cà phê. Sau đó bạn dùng số tiền có được trong ngân hàng đó để mua chiếc xe.
Rửa tiền bằng cách nhờ các ngân hàng thương mại giúp đỡ.
Bạn sẽ thương lượng với các ngân hàng chuyển đổi giúp bạn số lượng tiền mặt phạm pháp này thành số tiền điện tử của ngân hàng một cách hợp pháp. Đổi lại ngân hàng sẽ kiếm được một số lượng lợi nhuận cao từ thỏa thuận trên.
Rửa tiền bằng Crypto
Việc giao dịch OTC là một trong những phương pháp đổi tiền mặt bạn có qua các loại tiền mã hoá như BTC và ETH. Từ đó dùng số tiền này để sử dụng. Mà không cần phải mua bán trên sàn giao dịch tập trung như Coinbase, Binance và dễ bị theo dõi.
Cách khác cũng rất phổ biến là máy trộn tiền. Những hacker kiếm được số tiền lớn từ những vụ tấn công vào giao thức sẽ tiến hành trộn tiền. Làm mất dấu vết của chúng để khỏi bị theo dõi và điều tra, từ đó biến tiền bẩn thành sạch.
Đâu là công cụ rửa tiền hiệu quả
Theo Chainalysis, một công ty chuyên phân tích blockchain. Cho thấy rằng trong số tất cả các giao dịch được thực hiện bằng Crypto vào năm 2021. Có 0.15% là liên quan đến hoạt động bất hợp pháp. Trong khi đó. Liên Hợp Quốc ước tính có từ 2%-5% lượng tiền pháp định (fiat). Khoảng 800-2.000 tỷ USD hiện có liên quan đến các hoạt động bất hợp phát.
Sự thật luôn được đo lường qua những con số. Và con số phía trên cho chúng ta thấy được giao dịch bằng tiền mã hoá có tính minh bạch cao hơn tiền tệ Fiat.
Sự thật được vén màng
Vào tháng 9/2020. Một bộ tài liệu được gọi là “tệp FinCEN” đã được công bố. Mô tả chi tiết cách một số ngân hàng lớn nhất trên thế giới chuyển hàng nghìn tỷ đô la đáng ngờ cho những kẻ bị nghi ngờ là khủng bố, trùm ma túy. Và chính phủ Hoa Kỳ đã thất bại trong việc ngăn chặn nó.
*FinCEN là một văn phòng trực thuộc Bộ Tài Chính Hoa Kỳ. Được giao một nhiệm vụ riêng là thu thập và phân tích các giao dịch tài chính nhằm phát hiện nguy cơ rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm tài chính.
Secret documents reveal how big banks profit by moving money for murderous criminals — and the government knows about it #FinCENFiles https://t.co/7Jv9RU5txj
— BuzzFeed News (@BuzzFeedNews) September 20, 2020
BuzzFeed News đã lấy được hồ sơ và chia sẻ chúng với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế. ICIJ đã tổ chức một nhóm gồm hơn 400 nhà báo từ 110 tổ chức tin tức ở 88 quốc gia để điều tra về thế giới ngân hàng và rửa tiền.
Tổng cộng, một phân tích của ICIJ cho thấy, các tài liệu xác định hơn 2 nghìn tỷ đô la giao dịch từ năm 1999 đến 2017 đã bị các quan chức tuân thủ nội bộ của các tổ chức tài chính đánh dấu là có thể là rửa tiền hoặc hoạt động tội phạm. Bao gồm 514 tỷ đô la tại JPMorgan và 1,3 nghìn tỷ USD tại Deutsche Bank.
Hồ sơ FinCEN tiết lộ một dòng chảy chứa hàng nghìn tỷ USD phi pháp qua các ngân hàng lớn. Đứng trước một hệ thống thực thi lỏng lẻo.
Chống rửa tiền (AML) đề cập đến mạng lưới các luật, quy định và thủ tục nhằm phát hiện ra những nỗ lực che giấu các khoản tiền bất hợp pháp. Vì hầu hết các luật vẫn dựa trên việc phát hiện tiền bẩn khi nó đi qua các tổ chức tài chính và các ngân hàng truyền thống. Nên việc các ngân hàng thông đồng và giúp đỡ dòng tiền bẩn được rửa thì các chính phủ cũng mất một thời gian khá lâu mới có thể phát hiện ra.
Hồ sơ FinCEN tiết lộ rằng năm ngân hàng toàn cầu là JPMorgan, HSBC, Standard Chartered Bank, Deutsche Bank và Bank of New York Mellon đã thách thức các luật lệ và hỗ trợ các nhân vật trong bóng tối chuyển một số tiền lớn bất hợp pháp để nhằm có được lợi nhuận.
JPMorgan, ngân hàng lớn nhất có trụ sở tại Hoa Kỳ. Đã chuyển tiền cho những người và công ty có liên quan đến vụ cướp công quỹ khổng lồ ở Malaysia, Venezuela và Ukraine.
Các tài liệu bí mật cho thấy ngân hàng HSBC, Standard Chartered Bank, Deutsche Bank và Bank of New York Mellon cũng tiếp tục vẫy tay thông qua các khoản thanh toán đáng ngờ bất chấp những lời hứa tuân thủ luật pháp với các cơ quan chính phủ.
Vào năm 2012, HSBC, ngân hàng lớn nhất ở châu Âu. Có trụ sở tại London. Đã ký một thỏa thuận hoãn truy tố và thừa nhận đã rửa ít nhất 881 triệu USD cho các băng đảng ma túy ở Mỹ Latinh. Những kẻ buôn ma túy đã sử dụng những chiếc hộp có hình dạng đặc biệt phù hợp với cửa sổ giao dịch viên của HSBC để chuyển một lượng lớn tiền mặt có được từ mua bán ma túy.
Theo thỏa thuận với các công tố viên. HSBC đã trả 1,9 tỷ USD và chính phủ đã đồng ý tạm dừng các cáo buộc hình sự đối với ngân hàng. Và đồng ý bỏ qua cho họ nếu sau 5 năm HSBC giữ cam kết về việc chống lại rửa tiền.
Trong 5 năm đó. Hồ sơ FinCEN cho thấy HSBS tiếp tục chuyển tiền cho các nhân vật đáng ngờ. Bao gồm cả những kẻ rửa tiền bị nghi ngờ ở Nga và một kế hoạch Ponzi đang bị điều tra ở nhiều quốc gia.
Nhưng vào năm 2017. Chính phủ đã cho phép HSBC công bố vào tháng 12/2017 rằng họ đã “tuân thủ tất cả các cam kết của mình” theo hiệp ước hoãn truy tố và rằng các công tố viên đã bác bỏ các cáo buộc hình sự mãi mãi.
Tại sao các ngân hàng lớn chấp nhận rủi ro để chuyển tiền đáng ngờ? Bởi vì nó có lợi nhuận vô cùng lớn.
JPMorgan đã đạt được doanh thu ước tính nửa tỷ đô la khi phục vụ với tư cách là giám đốc ngân hàng cho Bernie Madoff (trùm lừa đảo Ponzi lên tới 20 tỷ USD).
Vào tháng 1 năm 2014, ngân hàng JPMorgan Chase & Co đã đồng ý trả 2,6 tỷ đô la cho chính phủ Hoa Kỳ và các nạn nhân của Bernard Madoff để giải quyết các cáo buộc rằng ngân hàng đã không thông báo cho chính quyền về những nghi ngờ gian lận tại quỹ của Madoff.
JPMorgan đã công bố lợi nhuận hơn gấp đôi số tiền đó chỉ trong quý đó và đạt gần 22 tỷ đô la lợi nhuận trong năm. Madoff đã nhận tội và đang thụ án 150 năm trong nhà tù liên bang.
Các ngân hàng lớn đã trả 343 tỷ USD tiền phạt kể từ năm 2000 cho đến thời điểm hiện tại.
Nguồn: violationtracker
Crypto có phải là công cụ tốt để rửa tiền?
Công ty nghiên cứu blockchain Chainalysis phát hiện rằng khoảng 8.7 tỷ USD giá trị tiền mã hoá đã được rửa vào năm 2021. Tăng 30% so với năm 2020. Nhưng vẫn ít hơn năm 2019 với hơn 10.9 tỷ USD.
Tổng cộng, tội phạm mạng đã rửa hơn 33 tỷ USD kể từ năm 2017 đến năm 2021.
Hẳn con số này nhỏ bé hơn rất nhiều lần so với chỉ riêng số tiền đóng phạt của các ngân hàng khổng lồ gian lận tài chính.
Số tiền được rửa bằng Crypto qua các năm - Nguồn: Chainalysis
Các giao dịch trong môi trường blockchain vốn đã minh bạch và công khai. Cùng với đó là không thể đảo ngược. Nên tội phạm tài chính trong thế giới Crypto có thể được coi là tương đối dễ kiểm soát. Ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Vì tính minh bạch và công khai nên việc rửa tiền bằng Crypto cũng gặp vô số khó khăn. Hiện tại việc KYC là điều phổ biến khi mở tài khoản ở các sàn giao dịch. Bạn không thể đơn giản là di chuyển một số tiền lớn mà không bị mọi người chú ý. Và có thể theo dõi được một cách dễ dàng. Ngay cả hầu hết cái gọi là “đồng coin riêng tư” cũng minh bạch hơn và dễ theo dõi hơn nhiều so với tiền mặt truyền thống. Cho phép cơ quan thực thi pháp luật phát hiện và theo dõi hoạt động rửa tiền dễ dàng hơn nhiều so với các giao dịch tiền mặt.
Vậy làm cách nào để rửa tiền được bằng Crypto?
Crypto được bọn tội phạm sử dụng để rửa tiền từ các loại tội phạm khác nhau, từ tội phạm và âm mưu trong thế giới thực đến tội phạm mạng. Gian lận kỹ thuật số và trộm cắp tiền điện tử từ các sàn giao dịch trực tuyến.
Dưới đây là các phương pháp phổ biến nhất được tội phạm sử dụng để rửa tiền bằng Crypto.
Giao dịch OTC
Over-the-counter (OTC) là giao dịch diễn ra giữa hai bên đối tác. Chứ không phải trên một sàn giao dịch tập trung như Binance.
Các nhà môi giới OTC cho phép các nhà giao dịch giao dịch một lượng lớn tiền điện tử một cách dễ dàng, an toàn và ẩn danh.
Các nhà môi giới OTC tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tiền điện tử trực tiếp giữa hai bên mà không cần qua trung gian trao đổi. Các giao dịch này có thể được thực hiện giữa các loại tiền mã hoá khác nhau (ví dụ: Ethereum và Bitcoin) hoặc giữa tiền mã hoá và tiền tệ pháp định (ví dụ: tiền điện tử, như Bitcoin và tiền tệ pháp định, như euro)
Trộn tiền
Nlockchain là một nơi công cộng và ai cũng có thể theo dõi được. Sau khi các hacker tấn công và lấy tiền từ các sàn giao dịch hay các giao thức DeFi. Thì dấu vết số tiền bẩn đó vẫn được theo dõi trên blockchain.
Nếu hacker chuyển số tiền đó lên sàn để bán ra tiền mặt và sử dụng thì chúng sẽ bị phát hiện và phong tỏa ngay lập tức. Các hacker phải đi qua một giai đoạn trung gian là làm tiền bẩn thành sạch qua máy trộn tiền Tornado. Sau khi rửa, dấu vết trước đó đã biến mất và tiền đó thành tiền sạch. Và chúng có thể sử dụng số tiền đó một cách an toàn hơn.
Tornado là một trong những giao thức quan trọng cho việc trộn tiền. Đây là nơi yêu thích của tội phạm để rửa tiền sau những vụ hack.
Mục đích cuối cùng của máy trộn tiền làm “mất đầu mối” lúc tiền vào. Từ đó các nhà quan sát blockchain không thể theo dõi được nữa. Và số tiền đó được máy trộn tiền chuyển đến một địa chỉ ví mới mà không ai có thể theo dõi được.
Giao dịch trong các sàn giao dịch có rủi ro cao hoặc không tuân thủ
Hiện tại, có gần 400 sàn giao dịch tiền điện tử có sẵn trên toàn cầu. Vì tiền mã hoá không được quản lý bởi bất kỳ cơ quan chính phủ hoặc tổ chức tài chính chính thức nào. Nên nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử phải đóng vai trò là người điều hành trong mạng và đảm bảo tất cả các giao dịch đều hợp pháp, ít nhất là ở khu vực tài phán nơi họ đang hoạt động.
Tuy nhiên, một số sàn giao dịch có các quy định rất lỏng lẻo, chẳng hạn như thiếu hiểu biết về khách hàng của bạn (KYC) và các quy định về thẩm định.
Các sàn giao dịch này yêu cầu ít hoặc không yêu cầu xác minh danh tính người dùng để chuyển tài sản tiền điện tử và do đó rất hấp dẫn đối với những kẻ bất hợp pháp.
Tại sao báo chí lại thích nói về crypto là công cụ hoàn hảo để rửa tiền
Tại vì nó nghe có vẻ hấp dẫn và hút đọc giả hơn. Một giao dịch Bitcoin hao điện bằng vài nghìn giao dịch của Visa. Hay Bitcoin là công cụ yêu thích hàng đầu của băng đảng tội phạm dùng để rửa tiền thì nghe “thu hút” và gây đến sự tò mò lớn rồi.
Nhưng trước khi có Bitcoin thì người ta rửa tiền bằng gì? Bạn cũng đã đọc qua những thông tin được tiết lộ qua hồ sơ FinCEN. Chính các ngân hàng lớn là những người ra tay giúp đỡ các dòng tiền bẩn chảy qua hệ thống của họ và hưởng được một phần lợi nhuận khổng lồ từ việc đó.
Và cho đến những năm gần đây thì họ vẫn tiếp tục thực hiện những điều đó. Dù sao tấn công một giao thức vô chủ và không có một thực thể tập trung đứng sau như Bitcoin và các đồng coin khác trong thị trường crypto thì dễ dàng hơn nhiều so với tấn công các thể chế tài chính siêu to khổng lồ đầy quyền lực và giàu có.
Kết luận
Đối với những người chống lại Crypto với lý lẽ rằng đây là công cụ phục vụ cho tội phạm và rửa tiền thì có một sự thật rằng. Phần lớn số tiền được rửa đều đi qua hệ thống ngân hàng truyền thống chứ không phải Crypto.
Đây cũng là câu chuyện tương tự với internet ở những ngày sơ khai của nó. Hãy học lấy sự thành công và tầm ảnh hưởng của internet mà có một cái nhìn cởi mở hơn với những gì mà Crypto mang đến cho thế giới này.
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital