XM - Đối tác Xuất sắc

SMART CONTRACT - Mở ra một thế giới phi tập trung vô tận

26 Tháng 07, 2021 12:05

Giống như email tạo nên cuộc cách mạng trên nền internet cho phép chúng ta gửi thư qua lại một cách tức thì mà không cần người đưa thư. Thì hợp đồng thông minh nơi mà các nhà phát triển có thể tận dụng được mạng lưới blockchain để viết lên nó các nguyên tắc vận hành cho các ứng dụng của họ, từ đó tạo ra vô số điều thú vị như games, DApps, DeFi, NFTs và nhiều thứ khác...

SMART CONTRACT - Mở ra một thế giới phi tập trung vô tận

Hợp đồng thông minh là một chủ đề đã có lâu nhưng chưa cũ, vì đây vẫn là một trong những kiến thức nền tảng nhất mà bất cứ ai đến với thị trường crypto này cũng nên biết qua và hiểu nó một cách căn bản nhất. 

Khi các bạn nghiên cứu về bitcoin thì mai ra các bạn có thể dễ dàng hiểu được mạng lưới bitcoin dùng để làm gì đúng không nào, đơn giản là chuyển các đồng coin qua lại và xác nhận các giao dịch một cách tự động chuẩn xác mà không cần trung gian, nhưng từ khi ethereum xuất hiện cùng với thuật ngữ trừu tượng “hợp đồng thông minh” thì có lẽ phần nào gây rối trí cho những ai muốn tìm hiểu khái niệm đó. Mình cũng như các bạn nên hiểu được cảm giác đó, cảm giác đi tìm và đọc hàng chục bài báo khác nhau viết về “smart contract” nhưng khi đọc xong thì vẫn còn cái gì đó rất mơ hồ trong tâm trí, nào là hợp đồng người này mua bán với người kia một cách tự động, nào là không thể thay đổi, và không một ai có thể can thiệp, vậy thì những hợp đồng đó là gì, tại sao nó tạo nên các ứng dụng được, thật ra thì dùng từ “hợp đồng” gây ra khá nhiều bối rối vì thật sự các bạn không thật sự hiểu được nó dùng để làm gì, không tạo được sự thỏa mãn tuyệt đối để có thể tự tin nói rằng tôi đã hiểu. 

Mình biết khi đọc bài viết này thì trước đó bạn cũng đã nghe nhiều về hợp đồng thông minh cùng với một mớ các thuật ngữ phức tạp khác, mình viết bài này với hy vọng có thể giải thích nó một cách dễ hiểu nhất qua các ví dụ bình dân và không có quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành ở đây, vì mình biết phần đa mọi người và cả bản thân mình cũng chỉ muốn đọc và hiểu những khái niệm cũng như cách vận hành của nó từ đó nhận thấy được giá trị phía sau dự án mà mình mong muốn đầu tư. 

Vậy câu hỏi là tại sao chúng ta có cuộc cách mạng đầu tiên là mạng lưới blockchain bitcoin với cơ chế proof-of-work vững chắc thì sao phải cần thêm các mạng lưới blockchain khác như ethereum để các hợp đồng thông minh chạy trên đó.

Thường thì cái gì xuất hiện phía sau nhằm giải quyết những vấn đề mà cái trước còn thiếu.

Bitcoin là một cuộc cách mạng về mạng lưới phi tập trung thế hệ đầu tiên, giống như bình minh của thời kỳ internet, với sứ mệnh tạo ra bitcoin như một mạng lưới tiền tệ ngang hàng và không cần phụ thuộc vào bất cứ một bên thứ ba nào để xử lý các giao dịch. Giống như email tạo nên cuộc cách mạng trên nền internet cho phép chúng ta gửi thư qua lại một cách tức thì mà không cần người đưa thư, tiềm năng của không gian phi tập trung cũng giống như tiềm năng của không gian internet vậy, trước khi JavaScript đến với trình duyệt web thì nó là một không gian trống trải, u tối, buồn bã, nhưng nay đã có hàng tỷ trang web, hàng triệu ứng dụng, và hàng tỷ con người kết nối với nhau thông qua mạng internet. Việc chúng ta có thể di chuyển một đồng coin trong thế giới phi tập trung cũng giống như việc di chuyển mail qua lại trong thời kỳ bình minh của internet, nó là một trong hàng triệu chức năng mà sẽ được con người khai thác trong tương lai.

Bitcoin trước hết là một loại tiền tệ; đây là một ứng dụng cụ thể của blockchain. Tuy nhiên, nó không phải là ứng dụng duy nhất. Để lấy một ví dụ trong quá khứ về một tình huống tương tự, e-mail là một cách sử dụng Internet cụ thể và chắc chắn đã giúp phổ biến nó, nhưng cũng có nhiều cách khác.

-Gavin Wood- Người sáng lập Polkadot

Hệ sinh thái crypto thời kỳ đầu với những nền tảng blockchain khá chuyên biệt cho từng khía cạnh sử dụng cụ thể, như bitcoin sinh ra để thực hiện sứ mệnh chuyển tiền ngang hàng, tại sao chúng ta không tạo nên một nền tảng blockchain với mục đích sử dụng chung, nơi mà hàng nghìn, hàng triệu các ứng dụng khác có thể xây dựng trên nó, nơi đó là một vùng đất của sự sáng tạo, bạn có thể xây dựng những thứ mà trước đó chỉ nằm trong trí tưởng tượng. 

Blockchain thế hệ thứ 2 ra đời từ đó, với một thuật ngữ trừu tượng kèm theo là “smart contract”.

 

Vậy thì smart contract là gì?

 

Không hoa mỹ về thuật ngữ và trừu tượng trong cách diễn đạt, mình sẽ giúp các bạn hiểu nó một cách đơn giản nhất thông qua những ví dụ gần gũi.

Nguyên tắc và định luật là những thứ đang vận hành trong cuộc sống của chúng ta mỗi ngày, những định luật và nguyên tắc vật lý không bao giờ thay đổi, như đổ nước vào lửa, nước ít hơn lửa thì nó bốc hơi, nước nhiều hơn lửa thì nó làm tắt lửa, khi bạn rơi từ trên cao xuống, thì bất kể bạn tốt hay xấu, mập hay ốm, thì bạn sẽ vẫn phải chịu tác động từ lực hút trái đất, dù bạn muốn hay không, thì ngày mai mặt trời vẫn mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây, khi những nguyên tắc nó đi đảo lộn đi thì loài người khó mà tồn lại được. 

 

 

Qua ví dụ trên thì ta có thể hiểu hợp đồng thông minh là những nguyên tắc được viết qua các đoạn mã (code) đưa vào blockchain mà nó sẽ tự thực thi và không bao giờ thay đổi, nghĩa là khi bạn viết nguyên tắc là khi bỏ số tiền A vào thì vật B tự động rơi xuống, một nguyên tắc đơn giản của máy bán hàng tự động, nghĩa là nó sẽ tự động chạy mà không cần có bạn ở đó, miễn là đúng với nguyên tắc đã được lập ra. Và khi chúng ta kết hợp thêm nhiều nguyên tắc khác lồng vào nhau thì nó sẽ ra những ứng dụng hay ho như chuyển tiền ngang hàng, cho vay, phát hành tài sản, thế chấp, trò chơi và nhiều thứ khác một cách tự động ngang hàng, phi tập trung và không cần bên thứ ba hỗ .

JavaScript đến với trình duyệt web, giống như cách mà smart contract đến với blockchain.

-Charles Hoskinson- Người sáng lập Cardano

Thế thì không những các bạn có thể chuyển tiền qua lại một cách phi tập trung mà không cần bên thứ ba như những gì mà bitcoin đã làm, mà nay bạn còn có thể làm được nhiều thứ hơn thế một cách phi tập trung và ngang hàng. 

Vitalik Buterin sớm nhận ra tiềm năng của cái thế giới phi tập trung vô tận đó bị giới hạn qua cái blockchain của bitcoin khi anh còn mới 19 tuổi. 

Ethereum ra đời được xem như là thế hệ blockchain thứ 2, nơi mà nó là một nền tảng mở, cho phép các lập trình viên có thể viết các nguyên tắc mình muốn lên trên nó và mạng lưới ethereum sẽ tự động thực thi chúng và đương nhiên là phi tập trung rồi. Chúng ta gọi đó là hợp đồng thông minh, nơi mà chứa các nguyên tắc bên trong và được gửi vào một địa chỉ trong blockchain và mãi mãi không thể sửa đổi. 

Đó là vùng đất của sự sáng tạo, nơi mà các nhà phát triển có thể tận dụng được mạng lưới blockchain của ethereum và họ viết lên nó các nguyên tắc vận hành cho các app của họ, từ đó tạo ra vô số điều thú vị như games, DApps, DeFi, NFTs và nhiều thứ khác. Với thuật ngữ hợp đồng thông minh đã được Nick Szabo lần đầu đặt ra vào những năm 1994 nhưng cho đến khi ethereum ra đời mới đưa nó vào thực tế và đẩy nó lên một cách bùng nổ.

 

Hệ sinh thái trên nền tảng ethereum - nguồn coin 98

 

Hợp đồng thông minh hoạt động theo luật được đặt ra một cách không khoan nhượng chứ không tùy biến theo các hành vi đạo đức của hợp đồng ngoài đời thực, với tiêu chí “code is law” mã là luật. Như khi bạn cầm tiền đi mua đồ, dù tờ tiền có cũ một xíu và rách một xíu thì người bán hàng vẫn châm chước nhận lấy, nhưng khi bạn đưa tờ tiền đó vào máy bán hàng tự động thì khả năng cao là máy bán hàng tự động sẽ từ chối tờ tiền đó vì nó được lập trình từ trước để chỉ nhận những tờ tiền nguyên vẹn, đó là nguyên tắc hoạt động của hợp đồng thông minh, mọi thứ sẽ hoạt động tuân thủ tuyệt đối theo quy tắc đã được viết ra từ trước và tự động thực thi mà không cần bên thứ ba giám giác và vận hành. 

Khác với những nguyên tắc định luật vật lý tự nhiên hoàn hảo hoạt động xung quanh chúng ta một cách mãi mãi và không bao giờ thay đổi. Nhưng những nguyên tắc trong hợp đồng thông minh thì lại khác, chúng là do con người viết ra, mà con người thì luôn có những sai lầm không đáng có, như ví dụ điển hình là dự án “the DAO” được xây dựng trên nền tảng ethereum vào năm 2016 đã bị hacker lấy mất đi 50 triệu đô la. Đây là lỗi thuộc về các lập trình viên dự án the DAO chứ không phải lỗ hổng từ mạng lưới ethereum, nhưng ethereum đã quyết định sửa mã để trả tiền lại cho người bị hacker lấy mất, điều đó gây trái lại nguyên tắc cốt lõi của blockchain là không được sửa đổi và bất biến. Một nhóm trong cộng đồng không đồng ý với quyết định này dẫn đến hard fork và ethereum classic từ đó ra đời.

 

Cuộc chiến hợp đồng thông minh 

 

Ethereum là dự án tiên phong trong việc xây dựng nền tảng blockchain chứa các hợp đồng thông minh đầu tiên trên thế giới và cho đến nay cũng vẫn là người dẫn đầu về hệ sinh thái đó với vốn hoá lớn nhất thị trường. 

Như mình đã nói ở trên, không gian phi tập trung là một thị trường màu mỡ đầy tương lai và sáng tạo, tất cả những người khác không thể ngồi im mà nhìn một mình ethereum chiếm trọn cả thị phần. 

Nếu như bitcoin là vàng điện tử, là blockchain thế hệ đầu tiên không có đối thủ cạnh tranh, thì ở ethereum là một dự án mà rất nhiều người muốn lật đổ và chiếm lấy vị trí số một của nền tảng hợp đồng thông minh này, ngay sau lưng ethereum là còn rất nhiều cái tên quen thuộc công khai cạnh tranh như Cardano, Binance Smart Chain, Polkadot, Solana… 

 

 

Một cách đơn giản dễ hiểu là những dự án này đang cố trở thành một nền tảng cho mọi thứ được xây dựng lên bên trong nó, như hệ điều hành ios và android nơi hàng triệu ứng dụng chạy bên trong, nhưng có một sự khác biệt là hàng triệu ứng dụng trên ios và android là do những công ty và tổ chức tạo ra và vận hành, như mạng xã hội Facebook và Youtube, họ có đội ngũ nhân viên để quản trị, có công ty để lưu trữ toàn bộ data qua máy chủ tập trung, và có quyền cấm và chặn bất kỳ ai mà họ muốn, ngay cả đó là tổng thống Mỹ Donald Trump như những gì Twitter đã làm.

Những ứng dụng được xây dựng trên nền tảng blockchain gọi là DApps và những dịch vụ tài chính gọi là DeFi, nó hoạt động tương tự nhưng những công ty truyền thống đang vận hành nhưng với những nguyên tắc được lập trình một cách tự động thực thi và không cần con người can thiệp, bạn có thể dùng DeFi để vay tiền và thế chấp bằng chính tài sản crypto của bạn, nó là tự động và phi tập trung nên sẽ không ai có quyền cấm hoặc dừng việc giao dịch của bạn. 

Kết lại bài viết này thì bạn có thể hiểu một cách đơn giản hợp đồng thông minh là nơi cho phép các nhà lập trình viên viết ra các nguyên tắc họ muốn hoạt động và đưa nó vào blockchain để vận hành, và sẽ không có giới hạn cho sự sáng tạo của con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau như từ các trò chơi, tài chính, giáo dục, chuỗi cung ứng, nghệ thuật… đều được lập trình và chạy trên các mạng lưới phi tập trung này. 

Hy vọng qua bài viết này một phần nào đó giúp bạn sáng tỏa hơn những gì mà những dự án hợp đồng thông minh đang hướng đến, sẽ còn rất nhiều thay đổi, sẽ còn rất nhiều khó khăn để mở rộng mạng lưới để có thể tiếp cận hàng triệu hàng tỷ người dùng qua các nền tảng phi tập trung, như vào những năm 90 của thế kỷ trước có ai đó đến nói với bạn rằng một ngày nào đó chúng ta có thể dùng điện thoại cầm tay bấm chọn một vài nút và sẽ có một người lạ mang xe đến để đón chúng ta đi, bạn sẽ cho đó là điều kỳ lạ và điên rồ, nhưng ngày nay chúng ta làm điều đó hàng ngày qua ứng dụng grab, uber để không những gọi xe mà còn đặt đồ ăn nữa. Đây là tương lai không thể tránh khỏi, bạn hãy là một phần trong nó để nắm bắt lấy cơ hội to lớn này. 

 


► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital


Ví trữ lạnh Ledger Nano X
26 Tháng 07, 2021 12:05