Michael Saylor Lại Thu Gom Lượng Lớn BTC | Đại Chiến Crypto Tại Quốc Hội Hoa Kỳ
Công ty MicroStrategy tiếp tục thu mua hơn 1 tỷ USD Bitcoin, tiếp tục chiến lược trung bình giá của họ. Sau thông tin lãi suất của FED, chúng ta cùng điểm qua những tin nổi bật về crypto những ngày qua.
Tình hình thị trường
Chứng khoán Hoa Kỳ thứ sáu (20/09) kết thúc với S&P 500 và Nasdaq giảm sau vài phiên tăng điểm, còn Dow Jones đi ngang. Hợp đồng và và dầu tăng lên quanh 2647 USD/ounce và 71 USD/thùng.
Bitcoin quanh 63,000 USD, không thay đổi nhiều so với ngày trước đó. Altcoin đa số tăng nhẹ. Vốn hóa thị trường crypto là 2.301 nghìn tỷ USD.
Kết thúc thứ sáu, cả BTC và ETH ETF giao ngay ở Hoa Kỳ đều có dòng tiền vào dương lần lượt là 92 triệu USD và 2.9 triệu USD. Hầu hết các quỹ đều có dòng tiền vào dương hoặc bằng không.
Tin tốt cho BTC là SEC chấp thuận quỹ Bitcoin Options ETF đầu tiên cho sản phẩm Bitcoin ETF của BlackRock. Đây là quỹ Bitcoin ETF đòn bẩy. Việc BTC ngày càng có nhiều sản phẩm tài chính đa dạng khiến cho BTC ngày càng đi sâu và trở thành một phần trong thị trường tài chính.
Tạp chí Forbes đã đăng thông tin nói rằng, BlackRock đang chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng nợ Hoa Kỳ tiềm tàng ở mức 35 nghìn tỷ USD bằng cách ủng hộ Bitcoin. Với việc FED gần đây cắt giảm lãi suất 0.5%, BlackRock dự đoán sự gia tăng quan tâm của các tổ chức đối với Bitcoin như một biện pháp phòng ngừa trước sự bất ổn của đồng USD. Những thông tin tương tự cũng được chia sẻ nhiều gần đây. Việc CEO của công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới - BlackRock đã chia sẻ nhiều lần rằng tin tưởng vào tương lai của BTC là một điều đáng chú ý và tích cực cho thị trường.
Đã có thêm quan chức FED phát biểu sau cuộc họp. Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Christopher Waller nói rằng, ông ủng hộ việc cắt giảm lãi suất 0.5% tại cuộc họp vừa qua vì lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến của ông. Về các đợt giảm lãi suất trong tương lai, ông nói rằng sẽ tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế.
MicroStrategy tiếp tục thu mua BTC
MicroStrategy vừa mua thêm 7,420 BTC với tổng giá trị khoảng 458.2 triệu USD, tương ứng với mức giá trung bình khoảng 61,750 USD/Bitcoin. Tính đến ngày 19/9/2024, tổng số lượng Bitcoin mà MicroStrategy đang nắm giữ là 252,220 BTC, với giá mua trung bình khoảng 39,266 USD/Bitcoin.
MicroStrategy đã phát hành tổng cộng 1.01 tỷ USD trái phiếu, tăng so với con số 700 triệu USD đã công bố trước đó do nhu cầu thị trường lớn.
Hiện tại, công ty nắm giữ tổng cộng 252.220 BTC (tương đương khoảng 9,9 tỷ USD). Tổng nợ của MicroStrategy là 4.2 tỷ USD với lãi suất trung bình chỉ 0.81% mỗi năm, tương đương khoảng 34 triệu USD. Với thu nhập từ hoạt động kinh doanh phần mềm hàng năm khoảng 80 triệu USD, công ty hoàn toàn đủ khả năng chi trả lãi suất và có khả năng sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu trong tương lai.
Khi giá Bitcoin tăng, khoản nợ này dần biến mất khi các chủ nợ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Điều này có nghĩa là các chủ nợ sẽ nhận cổ phiếu mà MicroStrategy phát hành, trong khi công ty vẫn giữ được lượng Bitcoin của mình.
Chiến lược của Michael Saylor có vẻ táo bạo và điên rồ, nhưng không hoàn toàn bất hợp lý. MicroStrategy sử dụng Bitcoin như một tài sản dự trữ, đi kèm với việc huy động vốn qua trái phiếu. Chiến lược này mang đến cơ hội lợi nhuận lớn và huy động vốn lớn từ thị trường. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của mô hình này là khả năng mất Bitcoin hoặc trường hợp Bitcoin sụp đổ hoàn toàn.
Trường phái kinh tế học Áo - tạo nên BTC
Tyler Winklevoss đã quyên góp 4 triệu USD bằng Bitcoin cho trường Grove City College, và chương trình của trường sẽ được đặt tên là "Trường Đại Học Kinh Doanh Winklevoss," tập trung vào trường phái kinh tế học Áo, trường phái mà Satoshi theo đuổi.
Trường phái Áo bắt đầu bằng việc phân tích thông qua quan sát nền kinh tế và tìm hiểu quan điểm cũng như động cơ ẩn sau hành động của từng cá nhân đơn lẻ. Cách tiếp cận này, thường được gọi là cá nhân luận hay chủ nghĩa khách quan duy lý, khác biệt với những trường phái tư duy kinh tế học khác, vốn đánh giá thấp tầm quan trọng của các cá nhân mà tập trung vào phân tích cân bằng.
Nhiều người xem trường phái Áo là dị giáo của kinh tế học, cũng như nhiều người xem Bitcoin là một loại mô hình tài chính kỳ quặc, nhưng trường phái này vẫn thu hút rất nhiều tín đồ trung thành.
Để dễ hiểu hơn, chúng ta hãy tưởng tượng bạn đang ở một bữa tiệc tối, trong đó:
Trường phái Kinh tế học Áo xem mỗi khách mời là một cá nhân với sở thích riêng. Mỗi người quyết định ăn gì dựa trên những gì họ thích, họ có đói không và các yếu tố cá nhân khác. Phương pháp của trường phái Áo tin rằng sự thành công của bữa tiệc phụ thuộc vào việc hiểu được lựa chọn và hành động của từng khách mời. Họ tập trung vào các quyết định cá nhân và bản chất khó đoán của sự kiện. Trường phái Kinh tế học Áo sẽ có các menu tuỳ chọn cho các khách mời.
Kinh tế học truyền thống (như Keynesian hoặc tân cổ điển) xem bữa tiệc như một hệ thống lớn. Thay vì tập trung vào từng khách mời, họ nhìn vào tổng thể lượng thức ăn được phục vụ so với lượng thức ăn được tiêu thụ và ước tính trung bình mỗi người sẽ ăn bao nhiêu, họ không tập trung vào một cá nhân riêng lẻ nào và sự thành công của buổi tiệc là phần lớn mọi người được ăn uống no nê.
Tóm lại, trường phái Áo chú trọng vào từng cá nhân và quyết định của họ, trong khi kinh tế học truyền thống thường nhìn vào bức tranh lớn hơn.
Trường phái Áo là trụ cột của Bitcoin vì Bitcoin hoạt động trên một hệ thống phi tập trung, nơi mỗi node hoạt động độc lập. Mạng lưới trao quyền cho các cá nhân kiểm soát tài sản tài chính của mình, mà không cần phải phụ thuộc vào một cơ quan tập trung như ngân hàng. Sự thành công của hệ thống là cho phép các cá nhân có thể đạt được mục đích khi sử dụng BTC, cho dù mục đích đó khác nhau tùy theo mỗi cá nhân.
Ngược lại, kinh tế học truyền thống (như Keynesian hoặc tân cổ điển) nhìn nhận nền kinh tế giống như một hệ thống tập trung, nơi sự ổn định tổng thể được duy trì bởi các cơ quan quản lý lãi suất, cung tiền và chính sách kinh tế. Điều này tương tự như cách các hệ thống tài chính tập trung hoạt động, nơi ngân hàng và chính phủ điều chỉnh dòng chảy tiền tệ, giống như cách quản lý tổng thể thức ăn tại bữa tiệc.
Điều trần của chủ tịch SEC tại Hạ Viện
Hôm qua, trong khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) công bố lãi suất, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Hoa Kỳ về Tài sản Kỹ thuật số đã tổ chức một phiên điều trần với chủ đề: "Bối rối và hoang mang: Phân tích cách tiếp cận mang tính chính trị hóa của SEC đối với tài sản kỹ thuật số".
Phiên điều trần có sự tham gia của các thành viên Hạ viện, cũng như một số nhà lãnh đạo và chuyên gia trong lĩnh vực tiền mã hóa, bao gồm cả những người ủng hộ và phản đối. Dưới đây là một số điểm nổi bật của phiên điều trần cùng với lập luận đáng chú ý
Đầu tiên, dân biểu Warren Davidson đã bác bỏ quan điểm rằng SEC đang hành động thiện chí nhưng mắc sai lầm. Ông nhấn mạnh rằng SEC đã nhiều lần thất bại trong nỗ lực kiểm soát ngành công nghiệp crypto, và tòa án đã liên tục phản đối hành động của Chủ tịch SEC, Gary Gensler, khi ông vượt quá thẩm quyền.
Dân biểu Ritchie Torres nhắc lại trường hợp khi Gary Gensler không thể trả lời liệu một thẻ Pokémon được token hóa có được coi là chứng khoán hay không, thể hiện sự mơ hồ của SEC trong việc xác định khi nào một tài sản là chứng khoán. Ông cũng đặt câu hỏi về sự khác biệt giữa tác phẩm nghệ thuật được bán trên eBay hay trong phòng trưng bày với nghệ thuật được token hóa (NFT) trên blockchain.
Dân biểu Wiley Nickel đề cập đến cách SEC chỉ mang đến sự "thù địch, hung hăng và phi lý."
Teddy Fusaro, Chủ tịch Bitwise, giải thích rằng sự chậm trễ trong việc phê duyệt quỹ ETF crypto đã khiến nhiều nhà đầu tư phải dựa vào các công ty bên thứ ba quốc tế và chịu thiệt hại khi những công ty này phá sản.
Giám đốc Pháp lý của Robinhood App chia sẻ về những rào cản pháp lý mà họ đã gặp phải từ chính quyền của Gensler.
Dân biểu Brad Sherman vẫn kiên trì với quan điểm cho rằng crypto chỉ phục vụ mục đích phi pháp.
Nhìn chung, phiên điều trần đã mang đến nhiều ý kiến tích cực cũng như các phân tích rõ ràng về ngành công nghiệp crypto. Có những người ủng hộ, một số vẫn duy trì thái độ thù địch, và nhiều người vẫn còn bối rối về tiền mã hóa—về tiềm năng phát triển, quy mô, và việc liệu chúng ta có cần tập trung vào việc quản lý hay không.
Nhiều người đặt câu hỏi: "Ai là người chiến thắng trong các phiên điều trần quốc hội này?" Thực tế, phiên điều trần quốc hội không phải là một cuộc tranh luận mà là quá trình thu thập thông tin. Trong mọi lĩnh vực và chủ đề, luôn có những người ủng hộ và phản đối. Những phiên điều trần này được tổ chức không phải để thay đổi quan điểm của họ mà để cung cấp thông tin cho những người đang tìm hiểu để đưa ra quyết định sáng suốt, đặc biệt trong việc bỏ phiếu cho các dự luật sắp tới, chẳng hạn như FIT21 - dự luật về nền tảng quy định crypto ở Hoa Kỳ.
Các thông tin khác:
-
Mặc dù Tổng thống Biden đã phủ quyết việc lật ngược SAB121 (quy định làm khó các ngân hàng trong việc lưu ký crypto), SEC đang tạo ngoại lệ cho quy định này và ngân hàng BNY Melon được xác định là ngân hàng đầu tiên nhận được miễn trừ từ SEC đối với SAB121. Trưởng bộ phận kế toán của SEC, Paul Munter, ủng hộ ý tưởng này, nhưng Fed sẽ phải đưa ra thư không phản đối. Chúng ta vẫn chưa nghe phản hồi từ Fed, nhưng điều này rất tích cực.
-
Chính phủ Brazil đã gỡ bỏ lệnh cấm X (Twitter) cách đây khoảng 2 tuần. Đồng thời, nền tảng X đã đồng ý đình chỉ các tài khoản mà tòa án Brazil cho là phát tán thông tin sai lệch (X đã đình chỉ 11 tài khoản sau khi đăng tải thông tin liên quan đến Brazil, trong đó 2 tài khoản do cư dân Mỹ điều hành). Các luật sư của X thông báo rằng sẽ sớm bổ nhiệm một đại diện pháp lý mới tại Brazil.
-
Ngân hàng Canada quyết định hủy bỏ việc phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) dành cho người dân sau nhiều năm nghiên cứu.
-
Phó Thị trưởng Thành phố Santa Monica, California sẽ trình bày nghiên cứu về văn phòng Bitcoin của họ sau khi nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng. Cách đây vài tháng, thành phố Santa Monica, California đã cấp phép thành lập văn phòng Bitcoin để người dân có thể đến và tìm hiểu về BTC.
-
Terraform Labs nhận được sự chấp thuận từ thẩm phán Hoa Kỳ để bắt đầu giải thể.
-
Tháng 7, SEC gửi Wells notice (ý định kiện) đến Consensys vì không đăng ký làm nhà môi giới thông qua dịch vụ MetaMask Swaps. Sau đó, Consensys kiện lại SEC vì họ tuyên bố rằng việc cung cấp dịch vụ MetaMask Swaps và Staking không vi phạm luật chứng khoán. Hôm nay, thẩm phán tại Tòa án Texas đã bác bỏ vụ kiện của Consensys vì lý do SEC vẫn chưa chính thức kiện Consensys, nghĩa là SEC chưa nói họ làm gì sai, nhưng Consensys đã phản đòn trước.
-
Chính phủ Đức vừa đóng cửa 47 sàn giao dịch crypto do cáo buộc hỗ trợ "nền kinh tế ngầm" cho tội phạm mạng. Các sàn này bị cáo buộc giúp che giấu nguồn gốc tiền phạm pháp và phục vụ các nhóm ransomware, botnet và buôn bán chợ đen để chuyển đổi tiền phạm pháp thành tiền hợp pháp.
-
Play Solana vừa ra mắt thiết bị chơi game cầm tay Web3 đầu tiên trên blockchain Solana. Thiết bị này cho phép người chơi sở hữu và giao dịch vật phẩm trong game dưới dạng NFT, lưu trữ trên blockchain, đảm bảo an toàn và không thể bị xóa bỏ. Play Solana đã hợp tác với Magic Eden để mint game thành NFT và tất cả game đã được bán hết trong vòng một phút. Thiết bị sẽ được công bố đặt hàng trước tại hội nghị Solana Breakpoint ở Singapore vào ngày 20-21 tháng 9.
-
CEO của JAN3, Samson Mow, đã gặp gỡ ông Junichi Kanda, Phó Bộ trưởng Nghị viện của Văn phòng Nội các, để thảo luận về tiềm năng dự trữ Bitcoin cho Nhật Bản.
-
SEC) đã yêu cầu gia hạn thêm bốn tháng để hoàn tất quá trình công khai hồ sơ trong vụ kiện chống lại Coinbase. Dù tiếp tục kiện với Coinbase nhưng SEC đã thua lớn trong vụ kiện với Ripple. Điều quan trọng là thẩm phán đã đưa ra phán quyết rằng không phải mọi crypto đều là chứng khoán, và XRP cũng vậy.
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital