Làm thế nào để có thể hiểu thế giới crypto một cách nhanh và đơn giản nhất?
Bạn có từng mơ hồ, mông lung, thậm chí bực dọc khi bước chân thị trường crypto này không? Tại sao nó lại quá khó hiểu, và quá nhiều thông tin khô khan và bạn không biết phải bắt đầu từ đâu và nên hiểu nó như thế nào cho đúng, ngoài việc cập nhật giá cả của dự án mà mình đầu tư, bạn có thật sự nhìn thấy được bức tranh lớn của toàn trị trường nơi hàng nghìn đồng coin/token đang vận hành bên trong không?
Crypto phát triển được hơn một thập kỷ với sự xuất hiện đầu tiên là bitcoin, và sau đó là ethereum mang đến hợp đồng thông minh, mở ra vô số điều mới mẻ lẫn khó hiểu cho những người muốn tìm hiểu và tham gia vào thị trường này.
Nếu bạn đang là người mới, và bắt đầu đọc những khái niệm cơ bản đầu tiên như bitcoin là gì? blockchain là gì? Thì ngoài những thông tin cơ bản đó ra bạn còn phải đối mặt với một biển thông tin ngoài kia, với một loạt thuật ngữ như bằng chứng cổ phần, tài chính phi tập trung, DEX, NFTs, và hàng nghìn các dự án khác đang xuất hiện thêm mỗi ngày. Làm sao để bạn có thời gian và sự kiên trì để đọc hết những thứ ấy, bạn thật sự cần một ai đó có thể kết nối những thông tin đó lại thành một câu chuyện đơn giản nơi mà khi nghe xong, bạn có thể nhìn được một bức tranh lớn toàn cảnh về thị trường, và sau đó bạn có thể đi vào chi tiết những phần nhỏ hơn của bức tranh và đào sâu vào nó, nơi mà những dự án mà bạn mong muốn đầu tư.
Nền tảng của crypto là blockchain, đó là cái giữ cho mọi thứ phi tập trung và minh bạch, điểm khác biệt lớn nhất với các công ty truyền thống, nơi mọi thứ được tạo ra và điều hành bởi một nhóm người cụ thể.
Sự khác nhau giữa blockchain và đồng coin là gì? Và nhiều token khác nhau chạy trên nhiều nền tảng khác nhau là gì? Tại sao họ không tự xây dựng một mạng lưới blockchain riêng mà phải đi “xài ké” của người khác, tại sao một vài blockchain có hợp đồng thông minh và một vài thì không, nếu chỉ cần di chuyển đồng tiền một cách phi tập trung thì chúng ta đã có bitcoin là đủ, sao phải lại tạo ra hàng nghìn đồng tiền khác nhau cũng để làm một chức năng tương tự? Sao lại có lúc người ta gọi là ethereum có lúc gọi là ether có lúc lại ghi ETH đó là một trong những rất nhiều câu hỏi sẽ nảy sinh ra trong lúc các bạn tham gia vào thị trường này.
Giờ là lúc các bạn sẽ vận dụng trí tưởng tượng tối đa để cùng mình xây dựng và khám phá ra những quốc gia nằm trên không gian mạng nhé!
Để lồng ghép những khái niệm của của crypto vào những ví dụ bên dưới, mình sẽ cùng các bạn xây dựng một thế giới trên không gian mạng, nơi đó có những quốc gia, những công ty và cách thức hoạt động của chúng, nên các bạn cũng đừng có “hết hồn” khi nghe mình gọi những nền tảng như Ethereum hay Cardano là những quốc gia, còn những dự án như Chainlink, Uniswap là những công ty được xây dựng trên những quốc gia đó 😁
Blockchain thế hệ thứ nhất
Trong lịch sử phát triển từ thế hệ blockchain đầu tiên là bitcoin với chức năng chính là giải quyết giao dịch và giúp bạn có thể di chuyển các đồng coin đi từ nơi này qua nơi khác một cách ngang hàng và phi tập trung.
Như chúng ta đang xây dựng một quốc gia đầu tiên với kết cấu cơ sở hạ tầng chỉ cho cho phép nó chuyên về phục vụ chức năng trao đổi tiền tệ, và rồi sau đó những quốc gia khác mộc lên với mong muốn có thể xây dựng một cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích sử dụng chung cho nhiều chức năng khác nhau, cơ sở hạ tầng của một quốc gia ở đây có thể hiểu một cách đơn giản là đường xá, cầu cống, hệ thống điện nước, luật pháp và quy tắc, nơi mà có những tiện ích căn bản nhất để phục vụ cho mọi người và mọi công ty đến quốc gia đó sống và xây dựng những thứ mà họ muốn.
Blockchain thế hệ thứ hai
Chúng ta gọi đó là thế hệ blockchain thứ hai, mà đại diện nổi bật là ethereum, với mong muốn vượt ra ngoài giới hạn của chức năng di chuyển các đồng coin trên không gian mạng, ethereum xây dựng cơ sở hạ tầng với mục đích cung cấp nền tảng cho mọi công ty có thể xây dựng bên trong nó, như tại sao mà mọi người lại thích tập trung về các thành phố lớn để sinh sống và xây dựng các công ty để kinh doanh, ở Việt Nam thì điển hình có hai thành phố lớn là Hà Nội và TpHCM, nơi bạn có thể tận dụng cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái đầy đủ để có thể xây dựng công ty của bạn tại thành phố đó, giống như bạn muốn mở công ty không có nghĩ là bạn phải tự xây dựng lại tất cả cơ sở hạ tầng như đường xá, điện nước, bệnh viện trường học, chợ búa chỉ để phục vụ cho riêng cho công ty của bạn, điều đó gây tốn nhiều tài nguyên và rất khó để thực hiện, giống như những dự án không tự xây dựng blockchain riêng của mình mà họ chọn những quốc gia có sẵn cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái đầy đủ như ethereum để có thể tận dụng điều đó cho việc xây dựng và phát triển công ty.
Nguồn: ethereum.org
Và khi ngày càng có nhiều công ty từ mọi lĩnh vực khác nhau đến kinh doanh trong quốc gia đó như ngân hàng, siêu thị, tài chính, giải trí, bất động sản… thì cũng giống như những dự án khác nhau đến và xây dựng bên trong quốc gia ethereum từ đó giúp cho hệ sinh thái của quốc gia đó sinh động hơn và càng thu hút thêm nhiều các công ty khác vào.
Hình phía dưới giống như những công ty ở những lĩnh vực khác nhau xây dựng bên trong quốc gia ethereum để tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có như đường xá, điện nước mà họ không cần phải tốn công xây dựng. Từ đó sinh ra những thuật ngữ như DeFi, DApps, DEX, NFTs… đó là những lĩnh vực mà các công ty đang hoạt động bên trong ethereum.
Nguồn: coin 360
Coin là gì?
Và bạn biết đấy, mỗi quốc gia thì đều có những đồng tiền pháp định khác nhau, như Việt Nam chúng ta có Việt Nam đồng, Mỹ có đồng đô la, Trung Quốc có nhân dân tệ, và có phải là không cần biết bạn là ai đến từ đâu, nhưng khi bạn đến sinh sống và kinh doanh tại Việt Nam thì bắt buộc bạn phải sử dụng duy nhất “Việt Nam đồng” để thanh toán và trao đổi tiền tệ bên trong đất nước, từ đó chúng ta có thể hiểu ethereum là tên của quốc gia, ether là đồng tiền của quốc gia đó, và ETH là ký hiệu của đồng tiền như VNĐ, USD…
Và khi các công ty đó xây dựng bên trong quốc gia ethereum thì họ bắt buộc phải sử dụng đồng tiền ether để thanh toán, trao đổi bên trong quốc gia đó, cái mà chúng ta thường gọi là dùng ether để trả phí giao dịch.
Tắc nghẽn mạng lưới
Nhưng khi các công ty và người dân kéo đến ngày một đông thì hệ thống cơ sở hạ tầng ban đầu không đáp ứng nổi cho lưu lượng giao thông hiện tại, từ đó bạn mới gặp tình trạng ngày nào cũng kẹt xe cả tiếng đồng hồ lúc đi làm về ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn, cái con đường được xây dựng ban đầu không còn đủ rộng để người ta có thể chạy một cách thoải mái nữa, nên gây ra nhiều vấn đề như di chuyển chậm hơn và gây tốn nhiều xăng cho xe hơn (phí gas).
Cạnh tranh giữa các nền tảng hợp đồng thông minh
Lúc này thì người ta bắt đầu thấy các vấn đề mà quốc gia ethereum gặp phải do quá tải cơ sở hạ tầng, nên từ ban đầu họ đã rút kinh nghiệm để xây dựng những quốc gia mới với hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hơn, đường xá rộng hơn, các bạn biết đó, thường thì cái gì xuất hiện sau nhằm giải quyết những vấn đề mà cái trước còn thiếu, như quận 7 và quận 2 ở Sài Gòn, được xây dựng sau này nên quy hoạch đẹp hơn, đường xá to hơn các quận còn lại. Một điển hình có thể cho chúng ta thấy là quốc gia Binance Smart Chain nơi mà nổi tiếng với tốc độ xử lý nhanh và phí lại thấp, nên hiện nay có rất nhiều công ty chọn quốc gia này để phát triển, và cũng sẽ có một vài công ty từ quốc gia ethereum chuyển qua quốc gia mới để hưởng được lợi ích tốt hơn.
Blockchain thế hệ thứ ba
Chúng ta có thể tưởng tượng mỗi quốc gia có một ngôn ngữ, luật lệ, nguyên tắc và hệ thống tiền tệ riêng nên rất khó để hiểu và có thể tương tác trao đổi với nhau.
Những quốc gia mới sau này có thể giải quyết được các vấn về mở rộng cơ sở hạ tầng khi có lưu lượng phương tiện lưu thông cao và còn có khả năng tương tác giữa các quốc gia lại với nhau, nghĩa là quốc gia mới này có thể hiểu và trao đổi thông tin, tiền tệ một cách ngang hàng với các quốc gia khác một cách dễ dàng mà không cần trung gian. Chúng ta gọi đây là blockchain thế hệ thứ 3, đại diện tiêu biểu cho nền tảng blockchain này là Cardano và Polkadot…
Mở rộng
Với cơ sở hạ tầng quá tải theo thời gian thì việc nâng cấp là điều bắt buộc phải có, bạn có nhiều cách để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, ví dụ như tp.HCM đang xây dựng hệ thống metro để có thể phục vụ nhiều người dân hơn, đó là cuộc cách mạng cho thành phố, với những quốc gia khác thì họ chọn xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, đường cao tốc, metro và nhiều giải pháp mở rộng khác, mục đích cho việc nâng cấp để tăng khả năng xử lý giao thông cho thành phố, giống như những nền tảng blockchain đang chọn các giải pháp khác nhau để có thể mở rộng mạng lưới, nhằm tăng tối đa khả năng xử lý giao dịch và giảm chi phí xuống, như bitcoin có lightning network, ethereum có Proof-of-Stake và sharding…
Quốc gia nào mạnh, thì tiền tệ pháp định của quốc gia đó cũng mạnh theo, như một đồng đô la mạnh hơn đồng Việt Nam 23 nghìn lần. Vậy thì thế giới crypto cũng vậy, nền tảng nào mạnh và có hệ sinh thái sinh động cùng khả năng phát triển trong tương lai thì đồng tiền của hệ sinh thái đó cũng mạnh theo, như ETH là đồng tiền của quốc gia ethereum, và ADA là đồng tiền của quốc gia Cardano…
Phi tập trung và hợp đồng thông minh
Và với những quốc gia mà các bạn đã cùng mình tưởng tượng phía trên thì nó đều nằm trong không gian mạng, và có một điều rất quan trọng là những quốc gia này đều không có chính phủ, không có tổng thống, cũng như những công ty xây dựng bên trong những quốc gia đó cũng không có người điều hành, tất cả được vận hành một cách tự động và được quyết định bởi cộng đồng, qua những cơ chế đồng thuận được thiết kế ra từ ban đầu và chúng ta gọi đó là phi tập trung và vô chính phủ. Những công ty sẽ tương tác với quốc gia đó qua những hợp đồng có chứa các nguyên tắc hoạt động bên trong và chúng ta gọi đó là smart contract. Do nằm trong thế giới mạng, bạn sẽ không nhìn được, chạm được, và sẽ không có giới hạn nào cho sự phát triển của nó, sự giới hạn chỉ nằm trong giới hạn của trí tưởng tượng con người.
Để có thể khái quát cho các bạn hiểu những khái niệm căn bản của thị trường crypto trong một bài viết ngắn như thế này là điều không tưởng, nhưng mình hy vọng qua bài viết đầy chất viễn tưởng này, bạn có thể hình dung ra cho bản thân một bức tranh lớn để từ đó có thể cho mình một con đường tìm hiểu sâu hơn vào từng dự án.
Qua những ví dụ gần gũi này có thể hiểu giúp các bạn có thể hiểu được thế giới crypto đầy phức tạp, những gì được viết trong bài viết không phản ánh cách mà blockchain và các dự án hoạt động, cũng như không phải là bài viết so sánh tính ưu việt của nền tảng này so với nền tảng kia. Bài viết này chỉ dừng lại ở những khái niệm cơ bản nhất mà một người mới vào thị trường cần biết để từ đó có những nền tảng nhất định đi xa hơn trong thị trường.
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital