XM - Đối tác Xuất sắc

FED ĐANG CHƠI XÌ DÁCH

24 Tháng 05, 2023 15:18

FED ĐANG CHƠI XÌ DÁCH

Nếu bạn theo dõi tin tức, bạn sẽ biết rằng Fed đã đưa ra nhiều tín hiệu hỗn loạn với các quan chức Fed như Lorie Logan nói rằng Fed chưa sẵn sàng ngừng tăng lãi suất, nhưng Neel Kashkari lại tuyên bố rằng việc tạm dừng lãi suất là có thể nhưng điều đó không có nghĩa là Fed sẽ không tăng thêm nữa trong tương lai, trong khi Chủ Tịch Jerome Powell ám chỉ rằng Fed đã hoàn thành việc tăng lãi suất.

Hợp đồng tương lai CME biến động rất nhiều và tại thời điểm Thuận viết bài này, CME futures đang ở mức 68,6% nghiêng về không tăng lãi suất nữa và 31,4% nghiêng về +0,25% cho cuộc họp tháng 6. Kết hợp điều này với tỷ lệ thất nghiệp thấp trong lịch sử và còn thêm một thông báo CPI nữa trước ngày quyết định lãi suất tiếp theo, có thể bạn nghĩ chuyện gì cũng có thể xảy ra…

Hợp đồng tương lai CME

Vâng, mọi thứ đều có thể xảy ra, nhưng Thuận muốn chia sẻ một quan điểm khác không được thảo luận thường xuyên. Fed muốn bạn tập trung vào việc chống lạm phát, đương nhiên rồi, đó là một trong 2 nhiệm vụ của Fed: duy trì lạm phát và việc làm ở mức chấp nhận được. Fed dùng 2 công cụ chính là điều chỉnh lãi suất và kiểm soát cung tiền thông qua việc mua/bán trái phiếu.

FED ĐANG CHƠI XÌ DÁCH

Thoạt nghe có vẻ đơn giản, hạ lãi suất để thúc đẩy vay mượn và cho vay nhiều hơn, nền kinh tế mở rộng, gây ra lạm phát… vậy thì tăng lãi suất sẽ có tác dụng ngược lại, làm giảm lạm phát... phải không?

Thực tế rất phức tạp. Hãy lấy một ví dụ về sức khoẻ và sống lâu. Nói chung, chúng ta biết những gì không nên làm như ăn thức ăn nhiều dầu hoặc mặn, uống rượu bia thường xuyên, không tập thể dục, vv… nhưng chúng ta không biết chính xác công thức để đảm bảo lối sống lành mạnh và sống lâu. Mặc dù với sự cải tiến của khoa học sức khỏe, chúng ta hiểu rõ hơn và đưa ra quyết định tốt hơn, nhưng nói chung, đây vẫn là một cuộc thử nghiệm.

Tương tự, Fed biết nguyên nhân gây ra lạm phát, đó là có nới lỏng tiền tệ (lãi suất thấp, mua trái phiếu) hoặc chuỗi cung ứng hàng hoá gặp sự cố, gây mất cân bằng cung cầu, nhưng Fed không biết chắc chắn cách làm chậm tốc độ lạm phát một khi nó xảy ra. Họ chỉ có thể dựa vào các ví dụ lịch sử trước đó, vốn đã hạn chế và áp dụng sự hiểu biết của họ về lý thuyết kinh tế. Về cơ bản, đó là một thử nghiệm.

Cho đến nay, Fed đã tăng lãi suất 10 lần từ năm 2022, từ 0% lên ~5,25%, cực kỳ nhanh và lạm phát đang có dấu hiệu chậm lại (số liệu CPI và PCE).

Fed đã tăng lãi suất 10 lần từ năm 2022

Tuy nhiên, điều này đi kèm với cái giá phải trả. Lãi suất cao khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, tác động đến dòng tiền, không còn khoản vay lãi suất thấp mà người dân có thể sử dụng để mua nhà, ô tô, mở rộng kinh doanh vv… Lãi suất cao hơn cũng khiến giá trái phiếu giảm và nhiều công ty bị ảnh hưởng, bao gồm các công ty công nghệ và ngân hang địa phương, nhân viên bị sa thải và ít tiền chảy vào các khoản đầu tư, bao gồm cả cổ phiếu và crypto kể từ năm ngoái.

Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát hiện tại vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, liệu Fed còn tăng lãi suất nữa? Đó là câu hỏi triệu đô…

Điều Thuận biết là nhiều người đều rất tập trung vào lãi suất, nhưng còn cung tiền M2 thì thế nào? Hãy nhớ, kể từ tháng 9 năm 2022, Fed đã bắt đầu cắt giảm danh mục đầu tư trái phiếu khoảng 95 tỷ USD mỗi tháng (~1% lượng nắm giữ mỗi tháng) bằng cách không mua trái phiếu mới để thay thế trái phiếu đáo hạn. Bảng cân đối kế toán của Fed đang thu hẹp, từ mức đỉnh 8,9 nghìn tỷ USD xuống còn 8,4 nghìn tỷ USD (có sự tăng trưởng trong một khoảng thời gian ngắn vào tháng 3 năm nay do sự sụp đổ của các ngân hàng địa phương, khiến Fed phải mở chương trình cho vay khẩn cấp, nhưng bảng cân đối kế toán tiếp tục giảm sau đó).

bảng cân đối kế toán tiếp tục giảm

Điều này cũng có nghĩa là cung tiền M2 đang thu hẹp khi trái phiếu hết hạn và Fed lấy lại tiền. Cung tiền M2 là thước đo tiền tệ của Hoa Kỳ bao gồm M1 (tiền tệ, tiền xu, tiền gửi ngân hàng) + tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi định kỳ.

Cung tiền M2 giảm -4,63% kể từ năm ngoái, tốc độ phá hủy cung tiền nhanh nhất kể từ tháng 1 năm 1933. ĐIỀU NÀY KHÔNG ỔN.

Tiền M2 trong nền kinh tế

Mặc dù việc M2 giảm là tốt cho giá trị USD, nhưng nó cũng có nghĩa là tổng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế cũng giảm và có thể:

  • Giảm thanh khoản vì ít tiền có sẵn cho các cá nhân và doanh nghiệp chi tiêu
  • Áp lực giảm phát - ít tiền có sẵn để mua hàng hóa và dịch vụ thường dẫn đến giá giảm
  • Chi phí đi vay cao hơn - vì sẽ có ít tiền hơn để các ngân hàng cho người vay

Tại thời điểm này, chúng ta đã thấy thanh khoản giảm và chi phí vay đã cao hơn, và nó sẽ xấu hơn khi Fed chọn thắt chặt quy tắc cho vay, thay vì tăng lãi suất do tác động tiêu cực của nó đối với các ngân hàng.

Tất cả điều này có nghĩa là gì? Nghe như rất tiêu cực nhưng không nhất thiết là vậy. Tuỳ theo the Fed sẽ lựa chọn làm gì.

Ví dụ, lãi suất mua nhà đã trở lại ~7%, rất cao trong khi giá nhà cũng cao do nguồn cung thấp. Một trong những lý do tại sao không có nhiều nhà để bán là vì lãi suất thế chấp cao, nhiều chủ nhà vẫn còn nợ ngân hàng và nếu họ phải bán và mua một ngôi nhà mới, họ buộc phải chịu lãi suất cao hơn, và họ không đủ khả năng nên họ chọn không bán.

Thuận nghĩ là tình hình không thể tiếp tục lâu dài, một là lãi suất phải giảm hoặc hai là giá các tài sản sẽ phải giảm.

Cái mà Thuận muốn chia sẻ là về việc có nên tăng lãi suất nữa hay không là một quyết định phức tạp và rủi ro. Đương nhiên, Fed có thể chọn tăng lãi suất vào tháng 6 này, nhưng với quyết định tăng lãi suất, Fed đang tiến một bước gần hơn đến bờ vực kinh tế sụp đổ, và với mỗi lần tăng lãi suất, quyết định tăng lãi suất tiếp theo trở nên rủi ro hơn, giống như chơi Xì Dách, cơ hội thua của bạn tăng lên với mỗi lần bạn rút thêm lá bài với kỳ vọng có 21 điểm, dừng lại ở 18 điểm cũng không hẳn là xấu.

 

► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital


Ví trữ lạnh Ledger Nano X
24 Tháng 05, 2023 15:18