FED Âm Thầm Cứu Công Trái Phiếu | BTC Áp Sát Đỉnh Cũ
Ngày qua, tin khiến thị trường lo lắng là FED âm thầm mua lượng lớn đáng kể công trái phiếu Hoa Kỳ. Các nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu đang có dấu hiệu gì xấu cho nền kinh tế.
Tình hình thị trường
Thị trường hợp đồng tương lai của chứng khoán Hoa Kỳ chủ nhật (18/05-US) mở cửa với cả ba chỉ số đều giảm trên 0.6%. Hợp đồng vàng tăng lên 3242 USD/ounce. Dầu vẫn giữ quanh 62.5 USD/thùng.
Bitcoin đã có sự biến động khi giảm từ 106,000 USD về 103,000 USD và sau tăng lại có thời điểm đạt 107,000 USD và rồi trở về quanh 103,000 USD. Các altcoin lớn hầu hết đều giảm. Vốn hóa thị trường crypto cũng giảm về 3.37 tỷ USD.
Nợ công Hoa Kỳ và hạ điểm nợ công của Moody
Moody’s vừa hạ xếp hạng tín nhiệm nợ công Hoa Kỳ, điều này không quá bất ngờ vì trước đó Fitch (2023) và S&P (2011) cũng đã làm điều tương tự. Tuy nhiên, thời điểm Moody's công bố sau khi thị trường đóng cửa và đề xuất chi tiêu của ông Trump bị Quốc hội bác bỏ khiến động thái này bị nghi ngờ mang tính chính trị, theo Kobeissi Letter.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, ông Scott Bessent đã không quan tâm việc Moody’s hạ xếp hạng điểm công trái phiếu Hoa Kỳ trong một cuộc phỏng vấn với CNN, nói rằng: “Tôi không đặt quá nhiều niềm tin vào Moody’s”. Ông nhấn mạnh thâm hụt ngân sách hiện nay đã ở mức cao từ trước khi ông nhậm chức và chính quyền đang nỗ lực kiểm soát.
Ông nhấn mạnh rằng khi ông nhậm chức, Mỹ đang đối mặt với mức thâm hụt ngân sách 6.7% GDP, mức cao nhất từng có trong thời bình và ngoài thời kỳ suy thoái.
Chính quyền hiện tại đang cố gắng cắt giảm chi tiêu và tăng doanh thu để đạt được tăng trưởng GDP cao hơn mức tăng của nợ. Theo ông và cả cựu Bộ trưởng Yellen, mục tiêu quan trọng nhất là ổn định tỷ lệ nợ trên GDP.
Ông cũng khẳng định không ai lo Hoa Kỳ vỡ nợ vì USD vẫn là đồng tiền dự trữ toàn cầu, và Fed có thể in thêm tiền nếu cần. Tuy nhiên, câu hỏi lớn là giá trị của đồng USD sẽ ra sao trong tương lai.
FED âm thầm thu mua công trái phiếu
Tuần trước, FED đã âm thầm mua vào 43.6 tỷ USD trái phiếu chính phủ mà không có bất kỳ thông báo chính thức nào, làm dấy lên lo ngại về việc Fed đang lặng lẽ quay lại chính sách nới lỏng định lượng (QE). Riêng ngày 8/5, Fed đã mua 8.8 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 30 năm. QE thường được công bố công khai, nhưng động thái lần này lại diễn ra trong im lặng, khiến nhiều người gọi đây là “QE ngầm”.
Lý do có thể bắt nguồn từ phiên đấu giá trái phiếu ngày 9 tháng 5, khi Bộ Tài chính Mỹ chỉ bán được 78 tỷ USD trong tổng số 150 tỷ USD chào bán. Để tránh lãi suất tăng vọt gây bất ổn thị trường, Fed được cho là đã can thiệp mua 20 tỷ USD trái phiếu nhằm bình ổn tình hình. Nếu không thì lãi suất công trái phiếu sẽ tăng nếu mọi người hoảng loạn bán.
Đây không phải là hoạt động tái cân đối bảng cân đối kế toán thông thường. Động thái này cho thấy Fed đang cố gắng giữ ổn định thị trường mà không làm nhà đầu tư hoảng loạn.
Nhà đầu tư nên chọn các tài sản không thể in thêm
Lawrence Lepard (Founder – Equity Management Associates) cảnh báo rằng chúng ta đang sống trong một cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng, và điều này có thể dẫn đến lạm phát cao và thiết lập lại hệ thống tiền tệ. Khi điều đó xảy ra, sẽ có người chiến thắng và kẻ thua cuộc rõ ràng, và "bạn sẽ không có cơ hội làm lại."
Ông ví dụ: chính phủ có thể đột ngột quay lại tiêu chuẩn vàng, đưa giá vàng lên 20.000 USD/ounce, khi đó, chỉ những ai đã sở hữu vàng hoặc cổ phiếu khai thác vàng mới hưởng lợi. Tương tự với bitcoin: nếu Mỹ tuyên bố tích trữ bitcoin như một tài sản chiến lược, giá có thể tăng gấp ba, và những ai không nắm giữ sẽ bỏ lỡ hoàn toàn.
Do đó, ông khuyến nghị nhà đầu tư nên phân bổ tài sản vào những thứ chính phủ không thể in ra được, như vàng, bạc, và bitcoin, thay vì chỉ giữ đô la, vì theo ông, chính phủ sẽ tiếp tục in ra rất nhiều đô la trong tương lai.
Cập nhật thuế quan
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cảnh báo rằng nếu các thỏa thuận thương mại không được ký kết trong thời gian tạm hoãn 90 ngày hiện tại, mức thuế quan sẽ quay trở lại mức “đối ứng”.
Ông nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump đã đưa ra cảnh báo rõ ràng: nếu các nước không đàm phán thiện chí, mức thuế sẽ được nâng trở lại mức đã áp dụng vào ngày 2 tháng 4.
Mỹ hiện đang tập trung vào việc củng cố các thỏa thuận với 18 đối tác thương mại “quan trọng”. Bessent không nói rõ khi nào mức thuế sẽ được điều chỉnh trở lại.
Ông cũng cho biết Mỹ có thể thiết lập các mức thuế theo khu vực đối với những mối quan hệ thương mại nhỏ hơn, ví dụ như “đây là mức thuế cho Trung Mỹ, đây là mức cho một phần của châu Phi”.
Với Trung Quốc, bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Mỹ không muốn tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc, mà ngược lại, Tổng thống Trump muốn mở cửa thị trường Trung Quốc cho kinh doanh.
Tuy nhiên, trong đại dịch COVID, Mỹ nhận ra sự thiếu hụt các sản phẩm chiến lược quan trọng như thuốc men, chất bán dẫn, thép, v.v. Do đó, mục tiêu trung và dài hạn là đưa các ngành công nghiệp chiến lược này quay trở lại Mỹ càng sớm càng tốt.
Dù vậy, Mỹ vẫn sẽ duy trì thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là các loại hàng hóa phục vụ cho doanh nghiệp nhỏ, với thuế quan thấp hơn.
Cựu Tổng thống Donald Trump chỉ trích Walmart vì đổ lỗi cho thuế quan là nguyên nhân khiến giá cả tăng. Ông nhấn mạnh rằng Walmart đã thu lợi hàng tỷ đô la, vượt kỳ vọng, và nên tự gánh phần chi phí thuế thay vì chuyển sang người tiêu dùng. Trump cảnh báo sẽ theo dõi tình hình và người tiêu dùng cũng sẽ làm điều đó.
Sự chấp nhận BTC đang lan rộng
Bitcoin dần trở thành một phần của thị trường tài chính truyền thống và sự chấp nhận với BTC ngày càng gia tăng. Một số dẫn chứng như lượng công ty lưu trữ BTC trực tiếp hay qua các cổ phiếu doanh nghiệp lưu trữ BTC cũng gia tăng lên.
Lưu trữ BTC thông qua cổ phiếu MicroStrategy
Với những đợt phát hành số lượng lớn trái phiếu của Strategy đã hết nhanh chóng cho thấy nhu cầu sở hữu rất cao. Điều này cũng thể hiện rõ hơn qua thống kê về các đơn vị đang nắm giữ cổ phiếu Strategy.
Thống kê cho thấy, ít nhất 14 tiểu bang tại Mỹ hiện đang nắm giữ cổ phiếu của MicroStrategy (MSTR) thông qua các quỹ hưu trí và quỹ ngân khố công. Dẫn đầu là bang California với hơn 690,000 cổ phiếu, tương đương khoảng 276 triệu USD, do hai quỹ lớn là Hệ thống Hưu trí Giáo viên Tiểu bang California (CalSTRS) và Hệ thống Hưu trí Công chức California (CalPERS) quản lý. Trong đó, CalPERS là quỹ hưu trí công lớn nhất nước Mỹ.
Xếp sau là bang Florida với 221.860 cổ phiếu, trị giá khoảng 88 triệu USD. Wisconsin đứng thứ ba, sở hữu 127,528 cổ phiếu với giá trị vào khoảng 51 triệu USD.
Ngoài ra, nhiều bang khác cũng tham gia đầu tư vào MSTR, bao gồm North Carolina, New Jersey, Maryland, Ohio, Texas, Kentucky, Arizona, Utah, Colorado, Louisiana và Illinois. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các quỹ công đối với cổ phiếu có liên quan mật thiết đến Bitcoin như MicroStrategy.
Công khai lưu trữ BTC
Dữ liệu từ K33 Research cho thấy số lượng công ty niêm yết công khai nắm giữ Bitcoin (BTC) đang tăng mạnh qua từng năm, phản ánh xu hướng chấp nhận tài sản số trong giới doanh nghiệp toàn cầu.
Cụ thể, vào năm 2022 và trước đó chỉ có 36 công ty nắm giữ BTC. Con số này tăng lên 46 công ty vào năm 2023, rồi vọt lên 78 công ty trong năm 2024. Đến năm 2025 (tính đến thời điểm hiện tại), số lượng này đã đạt 97 công ty – gần gấp ba lần so với năm 2022.
Hoa Kỳ đang dẫn đầu với 31 công ty niêm yết nắm giữ BTC, theo sau là Canada với 25 công ty. Trung Quốc/Hong Kong đứng thứ ba với 11 công ty, còn Nhật Bản có 7 công ty.
Ngoài ra, nhiều quốc gia khác cũng ghi nhận sự hiện diện của các công ty sở hữu Bitcoin như Vương quốc Anh, Đức, Hàn Quốc, Singapore, UAE, Pháp, Úc, Ấn Độ, Brazil, v.v. Xu hướng này cho thấy việc tích trữ Bitcoin không còn giới hạn ở một vài khu vực mà đang lan rộng trên toàn cầu trong khối doanh nghiệp niêm yết.
Sự phân bổ BTC
Sự chấp nhận BTC ngày càng tăng kéo theo đó là nhu cầu nắm giữ BTC cũng tăng lên. Tuy nhiên, số lượng BTC chỉ có giới hạn tổng 21 triệu BTC nhưng trong số đó cũng có một lượng nhất định BTC sẽ mất vĩnh viễn do mất khóa cá nhân hay người sở hữu qua đời, cũng như nhiều lý do khác.
Tính đến ngày 12/5/2025, dữ liệu phân bổ sở hữu Bitcoin trên tổng cung tối đa 21 triệu BTC cho thấy phần lớn nguồn cung hiện vẫn nằm trong tay cá nhân.
Cụ thể, cá nhân đang nắm giữ khoảng 14.32 triệu BTC (68.2%), trong khi các tổ chức như quỹ và ETF spot chỉ chiếm 1.34 triệu BTC (6.4%), doanh nghiệp nắm giữ 1.07 triệu BTC (5.1%), và chính phủ sở hữu 316 nghìn BTC (1.5%). Ngoài ra, khoảng 968 nghìn BTC (4.6%) được cho là thuộc về Satoshi – người sáng lập ẩn danh của Bitcoin – và chưa từng được di chuyển kể từ khi đào.
Ước tính có khoảng 1.58 triệu BTC (7.6%) đã bị mất vĩnh viễn và 266 nghìn BTC (1.3%) đang nằm trong các tổ chức khác như tài sản phá sản hoặc hợp đồng thông minh bị khóa. Khoảng 1.14 triệu BTC (5.4%) vẫn chưa được đào.
Điểm đáng chú ý là dù các tổ chức đang gia tăng tích lũy BTC, họ vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ so với cá nhân. Do đó, nếu muốn mở rộng sở hữu, các tổ chức sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với cá nhân – nhóm hiện đang nắm giữ phần lớn nguồn cung trên thị trường.
Các thông tin khác:
-
Một lần nữa, Bloomberg Terminal đổi đơn vị định giá Bitcoin thành 0.1 triệu USD.
-
Lần đầu tiên sau một năm, kinh tế Nhật Bản suy giảm 0,7% trong quý I/2025 — hơn gấp đôi so với dự báo của giới chuyên gia. Con số này chưa bao gồm tác động từ các biện pháp thuế trả đũa áp dụng từ ngày 2/4. Nền kinh tế Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái.
-
Ứng cử viên chính trị Hoa Kỳ, Valentina Gomez thanh toán một bữa ăn tại Steak ’n Shake bằng Bitcoin.
-
Ngân hàng Fifth Third có kế hoạch mở rộng hoạt động liên quan đến crypto sau 5 năm nghiên cứu lĩnh vực này. Fifth Third đã bắt đầu xây dựng quan hệ với các công ty crypto từ vài năm trước nhưng tạm hoãn các khoản đầu tư lớn cho đến khi khung pháp lý trở nên rõ ràng hơn. Hiện tại, khi điều kiện đã thuận lợi hơn, ngân hàng đang xem xét mở rộng các dịch vụ liên quan đến crypto.
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital