EIP-1559 - Có làm giảm phí giao dịch, gây khan hiếm do đốt coin và sự phẫn nộ từ thợ đào?
Thay vì người mua và người bán đặt phí, mạng sẽ tự động tạo giá “base fee – giá sàn” phù hợp với mức hoạt động hiện có của mạng. Nếu mạng đang đông đúc, base fee sẽ đi lên. Nếu mạng không hoạt động, base fee sẽ giảm xuống. Người dùng vẫn có thể trả thêm tiền cho thợ đào để xử lý giao dịch, nhưng đó không phải điều kiện bắt buộc.
Hướng đến tháng 7 năm 2021, ethereum sẽ có đợt hard fork quan trọng mang tên Luân Đôn, dự kiến được triển khai lần lược 5 EIP trong đó có EIP 1559 gây nhiều tranh cãi nhất. EIP 1559 được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2019 bởi Vitalik Buterin để giải quyết các vấn đề phí cho mạng lưới. Bài viết này sẽ thảo luận về đề xuất EIP 1559 tác động như thế nào đến người dùng và thợ đào cũng như là phí giao dịch có thực sự rẻ hơn hay là không?
Nói qua một chút về soft fork và hard fork.
Soft fork giống như bạn cập nhật phần mềm ios mới cho iPhone, nó tương thích với các đời điện thoại khác nhau, như từ iphone 7 đến iphone 12.
Hard fork cũng là cập nhật ios mới nhưng lần này nó bắt buộc bạn phải nâng cấp lên iphone 12 thì mới chạy được phần mềm ios mới, nếu bạn không đồng ý nâng cấp điện thoại thì bạn vẫn xài iphone 7 với phiên bản ios cũ, từ đó gọi là chia tách nhánh vì xài 2 phiên bản ios khác nhau và sẽ có những quy tắc hoạt động khác nhau.
(Hard fork là thuật ngữ chỉ những thay đổi bắt buộc với tất cả người dùng và nút mạng (node) trong blockchain.)
*Ví dụ trên mang tính minh hoạ, chứ không phản ảnh cách thức hoạt động của blockchain.
EIP 1559 là gì?
Ethereum improvement proposal (đề xuất yêu cầu thay đổi mạng lưới Ethereum)
Trước tiên, chúng ta cần biết rằng mỗi giao dịch trên ethereum đều tiêu tốn một lượng phí (gas) ngẫu nhiên khá đắt đỏ dao động từ rẻ là 3 USD đến đắt khoảng 120 USD, theo thống kê của ETH Gas Station. Do đó EIP 1559 sẽ giới thiệu một khái niệm mới gọi là:
-
Base fee: sẽ tự động điều chỉnh phí giao dịch trung bình tại thời điểm bạn thực hiện giao dịch, nếu khối được sử dụng hơn 50% phí tự động tăng, và ngược lại, base fee sẽ được đốt đi toàn bộ.
-
Tips: trả thêm phí này khi muốn giao dịch được xử lý nhanh hơn, phí này thợ đào sẽ nhận.
EIP 1559 được triển khai, dự kiến rằng ngay cả trong thời gian tắc nghẽn cao, hầu hết người dùng sẽ không phải đợi nhiều hơn một vài khối để giao dịch của họ được xử lý. Điều này có nghĩa là giao dịch Ethereum của bạn sẽ được xác nhận trong vòng chưa đầy một phút vì thời gian khối của Ethereum trung bình từ 13 đến 14 giây - ngắn hơn nhiều so với thời gian khối 10 phút của Bitcoin.
Điều này ảnh hưởng đến túi tiền của thợ đào vì không còn được thu được phần lớn chi phí xử lý giao dịch nữa mà chỉ nhận được phần thưởng từ mạng lưới (2 ether/block) và một phần tiền tip.
Liệu EIP 1559 có khiến phí gas thấp hơn? thật sự thì không hẳn, đây chỉ là sự tối ưu cho mô hình phí giao dịch, bằng cách làm mềm mại đi các giao động của phí gas hơn so với thời đấu thầu không kiểm soát.
Mức độ dao động cao của phí gas phải trả cho một giao dịch
EIP 1559 dự kiến sẽ không làm giảm phí giao dịch trên ethereum, vấn đề phí cao chủ yếu là do năng lực xử lý số lượng giao dịch trên giây hạn chế của layer 1 trên blockchain ethereum.
Người dùng sẽ không lo lắng vì nghĩ rằng mình trả phí quá thấp hay quá cao cho mạng lưới. Ví dụ cơ chế đấu thầu hiện tại, người A trả phí 1 đô, bạn nghĩ phải trả phí 10 đô để được ưu tiên xử lý trước, nhưng thực tế bạn chỉ cần đấu thầu 1.1 đô là đã được ưu tiên nhưng do bạn không biết người A trả phí bao nhiêu. Và cũng không phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ vì trả phí quá thấp, vì base fee sẽ đưa ra một mức phí chung cho tất cả giao dịch tại thời điểm đó, base fee sẽ tăng lên hoặc giảm xuống dựa theo mức độ sử dụng của mạng lưới, bạn có thể sử dụng tiền tip để được thợ đào ưu tiên xử lý nhanh hơn.
Tại sao phải đốt base fee?
Để đảm bảo không khuyến khích “lòng tham” cho những thợ đào cố ý làm nghẽn mạng lưới một cách giả tạo, vì khi mạng tắc nghẽn base fee được tự động tăng lên 12.5% cho một block 13 giây.
Đốt phí gas khi thực hiện giao dịch để tránh các trường hợp tiêu cực xảy ra, các bạn nên nhớ đây là mạng lưới phi tập trung, nên mọi người đến với nó đều vì lợi ích cá nhân chứ không mang ý nghĩa sâu xa nhân văn như giải phóng nô lệ, cứu cả thế giới, các bạn và mình cũng vậy, khi quan tâm và đầu tư vào ETH thì ai trong chúng ta cũng kỳ vọng về tiềm năng tăng giá trong tương lai, nếu không có sự kỳ vọng đó thì tại sao bạn lại chọn ETH giữa hàng nghìn coin ngoài kia, thợ đào cũng vậy, họ sẽ làm mọi cách để có được doanh thu cao nhất vì đó là công việc kinh doanh của họ, khi base fee được đưa cho thợ đào, thì sẽ dẫn đến các thợ đào sẽ tạo khống nhiều giao dịch giả để nâng base fee lên cao, nhằm hưởng được nhiều phí hơn, nên Vitalik mới đưa ra giải pháp sẽ đốt hết tất cả phí đó.
Dẫn đến một kết quả phụ là việc kiềm chế lại tốc độ lạm phát của ethereum, vì từ ban đầu Vitalik đã quyết định sẽ giữa mức lạm phát mãi mãi để đảm bảo có thể trả thưởng cho thợ đào hỗ trợ hệ thống, vì anh ta nghĩ nếu giống như bitcoin khi đã đào hết 21 triệu đồng rồi thì phí giao dịch không đủ hấp dẫn và mang lại động lực cho thợ đào để bảo vệ hệ thống an toàn. Ethereum trả khoảng 2 ether cho mỗi block mới được đào ra, 13 giây đào được 1 block. Mức độ lạm phát hiện tại của ethereum khoảng 4% và bitcoin lạm phát 1.8% trong năm nay.
35.7% tổng nguồn cung ether được tạo ra để thưởng riêng cho thợ đào - Nguồn: etherscan.io
Lộ trình cập nhật
Cập nhật Ethereum London hard fork được triển khai cùng đề xuất EIP-1559 đã bắt đầu chạy thử nghiệm (testnet) trên mạng lưới Ropsten.
Các bạn có thể xem ether được đốt trực tiếp tại đây (hiện tại đang là testnet): http://watchtheburn.com/
Tại sao lúc nào các cập nhật trên ethereum cũng lâu và trễ hẹn, không những đối với ethereum mà còn ở tất cả các dự án khác, vì đây là mạng lưới phi tập trung, cần sự đồng thuận của tất cả các bên, như nhà phát triển, thợ đào, cộng đồng, không như giống như cách hoạt động của một công ty cụ thể, ví dụ công ty Apple mỗi lần muốn cập nhật phần mềm mới thì họ sẽ có những người ra quyết định và mọi người khác phải làm theo với rất ít sự phản đối, còn với blockchain do không có ai làm chủ nên khi muốn cập nhật phần mềm mới thì chúng ta gọi đó là “đề xuất” vì từ khi đề xuất đến khi thật sự cập nhật vào mạng lưới cần sự đồng thuận của rất nhiều bên khác nhau nhằm cân bằng lợi ích, khi có sự phản đối một cách chia rẽ lớn từ nhóm này với nhóm kia thì xuất hiện tình trạng chia chuỗi, đường em em đi đường anh anh đi. Đây là cách hoạt động của nhiều nền tảng như Bitcoin, Ethereum… Còn với những nền tảng áp dụng “quản trị” như Cardano, Tezos… thì sẽ không có chia tách chuỗi nhánh, cứ như là bầu tổng thống ấy, bên nào thua thì phải chấp nhận bên còn lại, đây là một chủ đề khá thú vị mà mình sẽ nói đến trong một bài viết khác.
Tác động như thế nào đến mạng lưới
Việc triển khai EIP 1559 cũng sẽ áp dụng một khoản phí cố định để xử lý các giao dịch ethereum, thay thế cơ chế đấu giá hiện tại vốn đang đẩy phí gas lên rất cao.
Những nhà phát triển hy vọng rằng việc áp dụng một mức phí cố định sẽ ngăn chặn các thợ đào thao túng phí giao dịch nhằm lấy một lượng lớn tiền từ người dùng, làm cho phí ít biến động hơn. Nhất là trong thời điểm hiện tại, khi người dùng phải trả phí trên 20 USD cho mỗi giao dịch.
Thay vì người mua và người bán đặt phí, mạng sẽ tự động tạo giá “base fee – giá sàn” phù hợp với mức hoạt động hiện có của mạng. Nếu mạng đang đông đúc, base fee sẽ đi lên. Nếu mạng không hoạt động, base fee sẽ giảm xuống. Người dùng vẫn có thể trả thêm tiền cho thợ đào để xử lý giao dịch, nhưng đó không phải điều kiện bắt buộc.
Với việc kích hoạt EIP 1559, các thợ đào sẽ mất một một phần của nguồn thu nhập có lúc chiếm tới ba phần tư tổng doanh thu của họ.
Trên các blockchain Proof-of-Work (PoW) khác, chẳng hạn như Bitcoin, các thợ đào thường kiếm được ít hơn 10% doanh thu của họ từ phí giao dịch.
Việc khai thác ethereum đã là một ngành kinh doanh đặc biệt sinh lợi cho đến nay, 50% doanh thu của thợ đào đến từ phí giao dịch.
Để bù lại những thách thức đó, phí gas trả cho mỗi giao dịch (phí được gửi cho miner để tích hợp giao dịch vào khối) tăng vọt. Vào tháng 1 năm nay, phí giao dịch đã có lúc cao tới 500 đô la. Đối với miner, ethereum là một mỏ vàng theo đúng nghĩa đen.
Cơ chế đấu thầu, ai trả cao thì sẽ được giải quyết trước, dẫn đến tình trạng không biết cao là nhiều là đủ, gây ra rất nhiều điểm thiếu công bằng cho các giao dịch nhỏ và trả phí thấp, vì những lúc đó hầu như sẽ không được xử lý giao dịch.
Thợ đào vẫn nhận được phần thưởng 2 ether/block như trước đây kèm phí tip sau khi cập nhật EIP 1559
Doanh thu của thợ đào bao gồm hai nguồn chính, trợ cấp khối và phí giao dịch. EIP 1559 loại bỏ phí giao dịch như một nguồn thu nhập cho các thợ đào và thay thế nó bằng phí bao gồm (tip). Khả năng cao là thu nhập kiếm được từ phí bao gồm sẽ ít hơn những gì thợ đào kiếm được theo phí đấu giá của Ethereum trước kia. Nên thợ đào là người không vui nhất trong đợt cập nhật này.
Ngược lại thì nhà đầu tư có vẻ phấn khởi nhất trong đợt hard fork này, vì họ nghe tới cái gì đó đốt đốt. Mà đốt thì sẽ biến mất, mất thì làm ether càng khan hiếm hơn, từ đó có vẻ giống bitcoin hơn rồi, giá sẽ tăng khi nó khan hiếm. Đó là tư duy điển hình của những nhà đầu tư. Việc đốt nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào tổng số lượng giao dịch được sử lý trên mạng lưới. Chưa biết tương lai nó sẽ tác động đến giá như thế này, nhưng có cái gì đó làm cho nó bớt lạm phát hơn là các nhà đầu tư vui rồi 😄
Ước tính rằng các thợ đào sẽ mất từ 30% đến 40% thu nhập sau khi EIP 1559 được cập nhật. Nhưng dù sao thì từ lâu các thợ đào đã biết trước lộ trình PoS đang đến gần và các phần thưởng khối sẽ không còn nữa, họ chỉ đang cố trì hoãn cập nhật để hưởng nốt những khoản phí béo bở còn lại trong chặn đường đi đến proof-of-stake.
Kết luận
Trong lịch sử, phí giao dịch chiếm ít hơn hơn 5% tổng doanh thu của thợ đào. Tuy nhiên, qua năm ngoái, do tình trạng tắc nghẽn mạng cao nên nguồn thu từ phí giao dịch đã chiếm đến khoảng 50% doanh thu của thợ đào. Nghĩa là từ hơn 1 năm qua nhờ sự nóng lên của DeFi, DEX, NFT, các thợ đào kiếm được một số tiền lớn đến từ phí giao dịch, nên cập nhật này ảnh hưởng lớn đến thu nhập họ ngay lập tức, nhưng cũng không vì thế mà họ sẽ tấn công mạng lưới hay bỏ đào, vì trước đó rất lâu họ cũng đã biết được tầm nhìn của Vitalik muốn đưa mạng lưới đến đâu, và theo kịch bản tốt, đầu năm 2022 ethereum sẽ được chuyển qua PoS và sẽ không còn đào nữa.
Từ năm 2020 cho đến nay, tổng tiền thu được từ phí giao dịch là rất cao - Nguồn: etherscan.io
Về cốt lõi, EIP 1559 được thiết kế để làm cho phí giao dịch trên ethereum ít biến động hơn và có thể dễ dàng đoán trước được. Nó sẽ không còn nhảy múa một cách lung tung thất thường như xưa qua cơ chế đấu thầu từ người dùng, mà nó sẽ theo cơ chế tăng giảm tự động theo nhu cầu sử dụng của người dùng trên mạng lưới, giúp giá phí dao động mượt mà hơn và khách hàng cũng đỡ nhọc hơn trong việc bất an liệu mình có trả đủ phí để giao dịch được chuyển đi hay không.
Dòng doanh thu thứ ba của thợ đào ít được biết đến là giá trị có thể trích xuất của người khai thác (MEV), ngày càng trở nên phổ biến với sự phát triển của các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) trên Ethereum.
Thợ mỏ có khả năng kiếm được nhiều phần thưởng hơn từ các nhà giao dịch DEX, những người coi trọng tốc độ vào lệnh hơn là phí giao dịch.
Hiện tại cập nhật này cũng chưa thật sự là giải pháp cho vấn đề phí cao của ethereum, nó chỉ làm tăng tính hiệu quả của việc trả phí lên thôi, vì lý do dẫn đến phí cao nằm ở tốc độ xử lý giao dịch trên giây của tầng 1 blockchain (layer 1) chúng ta phải chờ đợi các cách thức mở rộng blockchain qua phương pháp sharding và roll-ups trong tương lai. Khi đó các các vấn đề về phí giao dịch sẽ được giải quyết một cách hiệu quả hơn.
Tổng hợp và biên tập
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital