Điều gì xảy ra với một blockchain khi không ai sử dụng nó?
Hãy tưởng tượng blockchain như một khu chợ sầm uất. Khi người mua, người bán, và những người giữ trật tự khu chợ (được ví như thợ đào) còn đông đúc, khu chợ nhộn nhịp, hàng hóa trao đổi tấp nập, và ai cũng có lợi.
Sau đó một thời gian, khu chợ này dần mất đi sức hút so với những khu chợ khác gần đó, người mua từ từ thưa gần, doanh thu người bán sụt giảm và họ đóng cửa hàng, khu chợ trở nên vắng hoe sau đó. Không ai đến mua bán, người giữ trật tự khu chợ cũng sẽ bỏ đi, quầy hàng đóng cửa, và cuối cùng khu chợ sẽ trở nên hoang tàn và âm u. Blockchain cũng giống như vậy, nếu không có người dùng, mạng lưới sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm và sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề, có thể dẫn đến “dừng” hoàn toàn sau một thời gian dài nếu tình hình không cải thiện.
Trong thế giới crypto, hàng trăm ngàn dự án crypto đã được ra mắt trong thập kỷ qua. Nhưng phần lớn trong số đó đã rơi vào quên lãng, và hoạt động một cách cầm chừng, vậy blockchain có tồn tại nếu không ai dùng chúng?
Được sinh ra từ năm 2011, Namecoin (NMC) từng được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa hệ thống tên miền internet (DNS).
Nhưng vì thiếu người dùng, thiếu nhà phát triển duy trì, và không có ứng dụng thực tiễn nổi bật, Namecoin mất dần hoạt động, không còn các bản nâng cấp quan trọng.
Hiện tại, dù mạng lưới vẫn tồn tại về mặt kỹ thuật, nó gần như là một blockchain “ma” rất ít người dùng thực sự, không có ai phát triển thêm, thanh khoản kém.
Blockchain không giống như một phần mềm cài trong máy tính dù bạn không dùng thì nó vẫn “nằm đó”. Ngược lại, sự sống còn của blockchain gắn liền với mức độ sử dụng của cộng đồng. Khi không còn giao dịch, không còn xác thực, không còn niềm tin hay giá trị trao đổi thì dù mạng lưới vẫn còn tồn tại về mặt kỹ thuật, nó đã không còn sức sống.
Biểu đồ giá của Namecoin từ 2014 đến 2025
Nhiều người từng nghĩ rằng Satoshi Nakamoto tự đào Bitcoin trong những ngày đầu chỉ để tích lũy lợi ích cá nhân. Nhưng thực tế, vào thời điểm đó, để một blockchain có thể khởi động và duy trì, cần có người xác thực và tạo block mới. Tức là cần người đào. Nếu không có ai tham gia, mạng lưới sẽ không hoạt động. Vì vậy, Satoshi và một vài cộng sự buộc phải duy trì hoạt động xác thực liên tục để đảm bảo blockchain Bitcoin không bị “chết yểu” khi vừa ra đời.
Điều gì xảy ra khi blockchain không còn người dùng?
Đây hẳn là một cái chết từ từ đối với bất cứ blockchain nào, vì khác với mô hình công ty truyền thống, khi mở ra kinh doanh, người chủ kinh doanh có thể chịu lỗ trong thời gian đầu không có khách. Anh ta có thể đẩy mạnh quảng cáo để thu hút thêm người dùng và dùng tiền cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian đầu.
Nhưng đối với blockchain nó là một mạng lưới phi tập trung (một mô hình hoàn toàn khác với mô hình kinh doanh hiện tại), có nghĩa là đội ngũ sáng lập dự án đó vẫn đóng vai trò quan trọng ban đầu xong việc xây dựng nền tảng và luật chơi cho blockchain đó. Và sau khi đưa nó ra công chúng rồi (thường được gọi là mainnet) thì người dùng từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia vào blockchain đó một cách tự nhiên thông qua cơ chế khuyến khích và thu hút từ blockchain đó qua việc trả thưởng token cho thợ đào hoặc validator để bảo vệ mạng lưới, airdrop token cho người dùng mới để khuyến khích họ sử dụng chúng. Từ đó tạo ra giao dịch, tạo ra phí và tạo ra sức sống cho blockchain đó.
Từ đó về sau lượng người dùng của blockchain đó cần tăng lên hoặc ổn định ở một mức nào đó để duy trì sự sống của chính nó.
Sự phát triển của một blockchain là quá trình tự nhiên, dựa trên lợi ích kinh tế của những người tham gia mạng lưới từ người dùng, nhà phát triển cho đến thợ đào hoặc validator. Điều này hoàn toàn khác với mô hình công ty truyền thống, nơi CEO và đội ngũ chủ động tiếp thị, chi tiền quảng cáo để thu hút khách hàng.
Nếu một đội ngũ đứng sau blockchain quá tích cực trong việc kêu gọi người dùng hay thúc đẩy giá token dựa trên nỗ lực của họ. Điều đó có thể khiến token bị xem là chứng khoán theo quy định pháp luật tại một số quốc gia. Vì nhà đầu tư mua token với kỳ vọng hưởng lợi từ hoạt động của người khác. Trong khi đó, blockchain đúng nghĩa là một mạng lưới phi tập trung, không có người điều hành trung tâm, và giá trị của token được thúc đẩy bởi cơ chế hoạt động nội tại và cộng đồng.
Người dùng tạo ra giao dịch, giao dịch tạo ra phí và động lực cho thợ đào, thợ đào tạo ra sức mạnh bảo mật cho mạng lưới, sức mạnh bảo mật tạo ra giá trị cho mạng lưới có thể lưu trữ số lượng lớn tài sản trên nó một cách an toàn. Từ đó đó kéo theo số lượng lớn người dùng cá nhân lẫn tổ chức, đến các quốc gia.
Nhưng nếu không có giao dịch
Blockchain trở nên “đóng băng”. Sẽ không có block mới được tạo ra (trừ khi có miner/validator vẫn hoạt động mà không ai cần họ).
TÌm hiểu thêm: Đào Bitcoin: Từ đam mê cá nhân đến nền công nghiệp toàn cầu
Không có miner hoặc validator
Mạng lưới mất an ninh. Không ai xác thực, nghĩa là không ai duy trì sự trung thực của chuỗi dữ liệu. Một blockchain không có ai bảo vệ dễ bị tấn công 51% hoặc hoàn toàn bị bỏ rơi.
Không có nhà phát triển hoặc dự án mới
Hệ sinh thái chậm lại, không còn cập nhật hay cải tiến. Những lỗi phần mềm không được sửa. Trải nghiệm người dùng trở nên lỗi thời và không thể cạnh tranh.
Thanh khoản giảm mạnh
Token trên blockchain đó mất giá, khó giao dịch, không còn hấp dẫn với nhà đầu tư. Niềm tin sụt giảm nhanh chóng.
Ví dụ về EOS. Từ kỳ vọng lớn đến sự lãng quên
Từng huy động tới 4 tỷ USD trong đợt ICO năm 2018, một trong những dự án gọi vốn lớn nhất lịch sử.
Có thời điểm EOS được xem là “kẻ thách thức Ethereum”.
Nhưng do mô hình quản trị phức tạp, thiếu phát triển dApp chất lượng, cộng đồng dần rời bỏ. Giao dịch giảm, nhà phát triển rút lui.
Vậy nên, sự phát triển bền vững của bất kỳ blockchain nào cũng bắt đầu từ việc phục vụ nhu cầu thực tế, xây dựng cộng đồng tin tưởng, và tạo ra giá trị sử dụng rõ ràng. Khi có người dùng, mạng lưới sống. Khi không còn ai quan tâm, nó chỉ còn là... một đoạn mã bị lãng quên.
Một số blockchain không chết hẳn nhưng chỉ tồn tại ở mức tối thiểu, với rất ít giao dịch.
Sức sống của một dự án luôn phản ánh qua đồng coin hoặc token gốc của dự án đó, chúng ta đều biết rằng công nghệ là tốt, cộng đồng là tốt, phi tập trung là tốt, nhưng nếu giá trị của token gốc dự án đó không tăng giá trong dài hạn thì tất cả những khía cạnh khác của dự án đều có thể đi xuống.
Bởi vì giá trị thị trường và vốn hóa của token không chỉ là con số, nó thể hiện mức độ chấp nhận của thị trường đối với giá trị mà dự án mang lại. Nếu đồng coin duy trì được đà tăng trưởng bền vững qua nhiều chu kỳ thị trường. Đó là dấu hiệu cho thấy dự án có nền tảng vững và có khả năng tồn tại lâu dài. Chúng ta thường nghe đến những lý tưởng phi tập trung thuần tuý, những người ủng hộ một dự án không cần ngân hàng và chính phủ, nhưng hãy nhìn lại mà xem, phần lớn người dùng đến với dự án nào đó cũng vì “lợi ích” mà dự án đó mang lại cho họ.
Các yếu tố cần thiết để blockchain hoạt động
Để một blockchain có thể vận hành ổn định, phát triển và thực sự tạo ra giá trị, nó không chỉ đơn thuần là một hệ thống phần mềm được chạy trên mạng. Nó cần nhiều yếu tố kết hợp, từ nhu cầu thực tế cho đến sự gắn bó của cộng đồng.
Nhu cầu giao dịch – Dòng máu của blockchain
Hằng năm, cộng đồng crypto thường kỷ niệm về một câu chuyện về một người đàn ông có tên là Laszlo Hanyecz đã sử dụng 10.000 bitcoin để mua 2 chiếc bánh pizza. So với mức giá trên 100k USD mỗi BTC ở thời điểm hiện tại, ý tưởng cho việc đổi 10.000 BTC lấy 2 chiếc bánh pizza quả là điên rồ. Nhưng nó chính là giao dịch “trao đổi giá trị” đầu tiên trên mạng lưới Bitcoin. Vì tại thời điểm đó nếu bạn có bỏ công bỏ sức đào được nhiều Bitcoin nhưng chẳng biết làm gì với nó thì bạn có tiếp tục duy trì việc đào coin không?
Nhưng chính vì đào Bitcoin đổi được pizza, nó tạo ra động lực cho bạn tiếp tục đào và khuyến khích nhiều người đào hơn. Vì giờ họ biết, ngoài việc đào một thứ gì đó vừa mơ hồ vừa đầy viễn vong trong tương lai như Bitcoin thì nay thứ đó còn có thể làm cho họ “no bụng”.
Rất nhiều bạn hứng thú với câu chuyện Bitcoin Pizza 🍕 Day của Laszlo. Bên dưới là câu chuyện đầy đủ."
— ThuanCapital (@ThuanCapital) May 22, 2025
Ngày 22/5 hằng năm được cộng đồng crypto kỷ niệm với cái tên Bitcoin Pizza Day, ngày đánh dấu giao dịch thực tế đầu tiên bằng Bitcoin. Vào ngày này năm… pic.twitter.com/l1yZY1SqHZ
Chính việc trao đổi giá trị đã tạo nên giao dịch trên mạng lưới, từ đó tạo ra phí giao dịch và khuyến khích thêm nhiều người tham gia mạng lưới.
Khi nhiều người gửi BTC qua lại, nhu cầu xác nhận giao dịch tăng lên → phí giao dịch (transaction fee) tăng → thợ đào có động lực duy trì mạng.
Một trường hợp thực tế là Ethereum Classic (ETC) sau khi tách khỏi Ethereum năm 2016, ETC từng thiếu giao dịch, khiến nhiều thợ đào rời đi. Kết quả là mạng lưới yếu đi, thậm chí bị tấn công 51% vào năm 2020. May mắn là cộng đồng đã hỗ trợ, và ETC vẫn "sống sót" nhờ một số thợ đào trung thành.
Giai đoạn “DeFi Summer” năm 2020, lượng giao dịch trên Ethereum bùng nổ. Các dApp như Uniswap, Compound thu hút hàng triệu lượt sử dụng, thúc đẩy giá ETH tăng mạnh vì phí gas cần được thanh toán bằng ETH.
Nếu không có nhu cầu sử dụng thực tế, blockchain sẽ rơi vào tình trạng "chết lâm sàng", dù công nghệ có tốt đến đâu.
Tương tác cộng đồng - Nền tảng cho sự sống còn dài hạn
Không có cộng đồng, blockchain sẽ giống như một ứng dụng bị lãng quên.
Cộng đồng mà một nhóm người xung quanh dự án đó, những ai liên quan đến nó, sử dụng nó, yêu thích nó, ghét bỏ nó… Một vài ví dụ có thể kể đến như người dùng, nhà phát triển, nhà đầu tư, hacker, nhà đầu tư, chính phủ…
Bạn có thể tham khảo qua bài viết này để khám phá tại sao cộng đồng lại mang lại giá trị to lớn cho Bitcoin.
Ethereum không chỉ thành công vì công nghệ mà còn nhờ cộng đồng nhà phát triển đông đảo. Họ liên tục tạo ra các dự án mới, từ DeFi, NFT đến DAO, giúp mạng lưới không ngừng đổi mới.
Một blockchain không thể vận hành đơn độc. Nó là một hệ sinh thái sống, và yếu tố con người qua hoạt động sử dụng, xác thực, phát triển là phần không thể thiếu trong mọi hành trình công nghệ. Nếu thiếu một trong ba yếu tố trên, mạng lưới blockchain đó sẽ dần mất đi sự sống.
Những blockchain nào có mức độ hoạt động cao trong năm 2025?
Không phải tất cả các blockchain đều biến mất, nhưng cũng không phải tất cả đều phát triển mạnh. Dưới đây là danh sách các blockchain có mức độ hoạt động cao nhất trong năm 2025, dựa trên số liệu về giao dịch, người dùng, tốc độ, và ứng dụng thực tế. Lưu ý rằng số liệu có thể thay đổi tùy theo thời điểm và nguồn dữ liệu.
Solana (SOL)
- Người dùng hoạt động hàng ngày: ~1,2 triệu địa chỉ hoạt động (tháng 6/2025).
- Lượng giao dịch: ~57,77 triệu giao dịch/ngày, chiếm phần lớn trong tổng ~114 triệu giao dịch trên các blockchain lớn (tháng 5/2025).
- Tốc độ và phí: Xử lý ~1.100 giao dịch/giây (TPS), phí trung bình ~0,04 USD/giao dịch, nhanh và rẻ hơn nhiều so với Ethereum.
- Ứng dụng nổi bật: Dẫn đầu về giao dịch DeFi (TVL ~9,44 tỷ USD), meme coin (Pump.fun, Raydium), và token hóa tài sản. Các ngân hàng như HSBC và Bank of America thử nghiệm token hóa trên Solana Pay và nền tảng blockchain.
Ethereum (ETH)
- Người dùng và giao dịch: ~1,4 triệu giao dịch/ngày, với hơn 290 triệu địa chỉ hoạt động (tháng 6/2025).
- TVL: ~46,89 tỷ USD, chiếm gần 50% thị phần DeFi, hỗ trợ ~50% stablecoin (USDT, USDC) và các DApp lớn như Uniswap, Aave.
- Pectra Upgrade: Hoàn tất tháng 4/2025, giảm phí gas, tăng tốc độ giao dịch (~15 TPS, cải thiện nhờ Layer-2 như Arbitrum), và nâng cao trải nghiệm staking.
- Ứng dụng: Nền tảng chính cho DeFi, NFT (CryptoPunks, OpenSea), và token hóa tài sản thực (RWA).
Bitcoin (BTC)
- Giao dịch hàng ngày: ~347.000 giao dịch/ngày (tháng 6/2025).
- Phí giao dịch: Trung bình ~2-5 USD/giao dịch, có thể tăng đến 20-50 USD trong giờ cao điểm.
- Ứng dụng: Chủ yếu dùng để lưu trữ giá trị, thanh toán lớn, và làm tài sản dự trữ.
TON (The Open Network)
- Người dùng và giao dịch: ~1,2 triệu giao dịch/ngày, vượt Ethereum về địa chỉ hoạt động hàng ngày trong phần lớn thời gian 2025.
- TVL: Gần 1 tỷ USD (ước tính 2025), tăng mạnh nhờ mini-game và ví Telegram.
- Tích hợp Telegram: Hỗ trợ ví tích hợp cho hơn 900 triệu người dùng Telegram, thúc đẩy thanh toán và mini-game như Notcoin, Hamster Kombat (với hàng chục triệu người chơi).
- Ứng dụng: Tập trung vào thanh toán vi mô, game blockchain, và DeFi đơn giản. Stablecoin như USDT trên TON cũng đang tăng trưởng.
Các blockchain hoạt động mạnh trong năm 2025 đều có một hoặc nhiều thế mạnh rõ ràng:
Solana và TON nổi bật về tốc độ giao dịch và tích hợp mạnh vào ứng dụng thực tế.
Ethereum vẫn giữ vai trò trung tâm trong DeFi, stablecoin và token hóa tài sản.
Bitcoin chứng minh vị thế ổn định và an toàn nhất qua nhiều chu kỳ và đã giành chiến thắng trong định vị là một “kho lưu trữ giá trị” vững chắc trong thế giới crypto nói riêng và thế giới tài chính truyền thống nói chung. Vị trí vững chắc của Bitcoin dừng như không một đối thủ nào có thể lung lay được.
Tìm hiểu thêm: Bitcoin – Vị vua bền vững qua mọi chu kỳ
Ngoài ra còn nhiều dự án khác như Avalanche, Polygon, BNB Chain…nhưng trong phạm vi bài viết nên chỉ liệt kê một vài dự án để bạn có thể tham khảo.
Các lý do khiến blockchain trở nên vô dụng
Một blockchain có thể bắt đầu với rất nhiều kỳ vọng, marketing rầm rộ, token tăng giá mạnh… nhưng chỉ vài năm sau lại rơi vào quên lãng. Vậy điều gì thực sự khiến một blockchain từ “ngôi sao” ở chu kỳ này và trở thành “bóng ma” và chu kỳ tiếp theo? Dưới đây là những lý do thường gặp nhất:
Cạnh tranh khốc liệt từ blockchain khác
Trong thế giới blockchain, không có chỗ cho sự yếu kém. Khi một blockchain mới xuất hiện với phí rẻ hơn, tốc độ nhanh hơn, hỗ trợ tốt hơn, người dùng sẽ không ngần ngại chuyển sang.
Không có ứng dụng thực tế – Không giải quyết vấn đề gì cả
Một blockchain tồn tại mà không có ứng dụng thực tế thì rất khó giữ chân người dùng. Nếu không ai dùng nó để chuyển tiền, chơi game, tạo NFT, hoặc giải quyết vấn đề nào đó trong thế giới thật, thì chỉ là “sân chơi nội bộ” không bền vững.
Sai lầm trong thiết kế hoặc mô hình kinh tế
Một số blockchain ngay từ đầu đã thiết kế sai mô hình phần thưởng, gây lạm phát token hoặc không khuyến khích người xác nhận giao dịch (miners/validators) duy trì mạng lưới.
Hoặc phân phối token quá tập trung, mất tính phi tập trung.
Hoặc cơ chế phí phức tạp, không minh bạch, người dùng cảm thấy bất tiện.
Lừa đảo, rug pull – Đánh mất niềm tin toàn diện
Một khi nhà phát triển bỏ trốn, bán sạch token, hoặc giả vờ hack để thoát vốn, thì dù công nghệ có tốt đến mấy cũng không ai còn muốn quay lại.
Một blockchain trở nên vô dụng không phải vì công nghệ dở, mà vì thiếu người dùng, thiếu cộng đồng, thiếu giá trị thực tế. Dù sinh ra từ ý tưởng tốt, nhưng nếu không phát triển, không giải quyết vấn đề, hoặc mất lòng tin nó sẽ sớm bị đào thải.
Giống như một thành phố, dù hạ tầng có đẹp đến mấy, nếu không có người dân sinh sống, cửa hàng hoạt động hay dòng tiền lưu thông thì thành phố đó thiếu đi một thứ gọi là sự sống và sẽ trở thành “thành phố ma.” Blockchain cũng vậy.
Liệu có “phép màu” cho các blockchain từng bị bỏ rơi?
Một blockchain từng “mất đi sự quan tâm của cộng đồng,” ít người giao dịch, cộng đồng thưa dần, token giảm nhánh giá trị… liệu có cơ hội nào được sống lại không?
Câu trả lời là “khó” nhưng không phải là không thể.
Một số blockchain tưởng chừng đã bị bỏ rơi vẫn có thể phục hồi, nếu có sự thay đổi đúng lúc hoặc một cộng đồng đủ mạnh quay trở lại hỗ trợ.
Đây là một ví dụ về một blockchain từ suy yếu đến sự sống dậy mạnh mẽ.
Hành trình hồi sinh của Solana: Từ bóng tối FTX đến ánh sáng meme coin
Solana là một blockchain phát triển mạnh trong những năm 2021. Hệ sinh thái sôi động, từ DeFi đến NFT, cùng sự hậu thuẫn từ sàn giao dịch FTX, đã đưa Solana lên đỉnh cao, với giá token SOL chạm 260 USD. Tuy nhiên, ánh hào quang ấy nhanh chóng bị che mờ bởi những cơn bão lớn.
Từ cuối 2021, Solana liên tục đối mặt với các vấn đề kỹ thuật, với nhiều lần mạng bị quá tải và “sập” tạm thời, gây nghi ngờ về độ ổn định. Đỉnh điểm là năm 2022, khi thị trường gấu ập đến và sàn FTX đối tác chiến lược của Solana sụp đổ. Do mối liên hệ chặt chẽ với FTX (thông qua quỹ đầu tư Alameda Research), Solana bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng. Giá SOL lao dốc từ đỉnh cao xuống dưới 10 USD vào cuối 2022, và nhiều nhà đầu tư bi quan tuyên bố rằng Solana khó có thể hồi phục trong một thị trường gấu kéo dài.
Nhiều nhà đầu tư và cộng đồng nhận định rằng, sự phát triển của Solana gắn chặt với sự phát triển của FTX. Giờ đây FTX đã không còn cộng thêm một mùa gấu dài dẳng phía trước. Số phận của Solana dường như đã được tiên tri trước là khá “tâm tối”.
Sau cơn mưa trời lại sáng hẳn là một câu nói đúng cho trường hợp của Solana. Sau tất cả những khó khăn và sự hoài nghi từ cộng đồng nhà đầu tư, cùng với mối quan hệ mật thiết trước đó với sàn FTX. Solana dần vương mình trở lại, thoát khỏi chiếc áo cũ và dẫn đầu cuộc đua mới bước vào “mùa bò” thứ hai của chính nó bằng việc mở màng làn sóng meme coin với dự án Pump.fun được phát triển trên blockchain Solana.
Làn sóng meme tăng mạnh khiến số lượng người dùng sử dụng Solana đông đảo, kéo theo sự hưng phấn từ phố Wall đối với blockchain này. Mọi thứ dần tươi sáng và giờ đây Solana tiếp tục phát triển vững mạnh với các số liệu khả quan và thoát ra được số phận của nó.
Điều kiện để một blockchain hồi sinh là gì?
Cộng đồng phát triển vẫn còn niềm tin
Một nhóm nhà phát triển hoặc tổ chức đủ mạnh sẵn sàng “nhặt lại” dự án và cải tiến nó.
Sự kiện thay đổi cục diện
Như Bitcoin bắt được câu chuyện “kho lưu trữ giá trị”, hay Solana đón đầu làn sóng meme coin với Pump.fun.
Dòng tiền và người dùng quay lại
Khi thị trường tăng trở lại, các nhà đầu tư tìm đến các blockchain có tiềm năng hồi phục nhanh, từ đó tạo “hiệu ứng FOMO” mới.
Tính ứng dụng thực tế được cải thiện
Blockchain gắn với NFT, gaming, hoặc DeFi sẽ có cơ hội được sử dụng lại nếu sản phẩm/dịch vụ đi vào đời sống.
Với thị trường crypto, mọi thứ đều có chu kỳ. Và một chu kỳ đi qua để lại phần lớn những giấc mơ tan vỡ của những blockchain mới được tạo ra. Một dự án tưởng chừng là tiềm năng của chu kỳ này có thể dễ dàng mất hút ở chu kỳ sau. Và những blockchain nào tồn tại lâu trong thị trường thường thường có một nền tảng kỹ thuật đủ tốt, cộng đồng đủ kiên trì và tạo ra giá trị và tính ứng dụng thực tế cho xã hội.
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital