CROSS CHAIN BRIDGES - Kết nối những nền kinh tế blockchain giao thương với nhau
Sự phồn thịnh và phát triển của Quận 7, Quận 2 tại Sài Gòn cũng nhờ những cây cầu đầu tiên được bắt qua, kéo lên cả một vùng đất sình lầy thành khu đô thị đáng sống bật nhất của Sài Gòn, những cây cầu trong thế giới crypto cũng vậy, mở ra một chân trời mới hoàn toàn cho các nền tảng có thể giao tiếp với nhau và đặc biệt là tạo lợi ích lớn nhất cho các dApps Defi phát triển.
Qua một thời gian phát triển, các nền tảng đã tự phát triển riêng cho mình một hệ sinh thái riêng biệt và đa dạng bên trong, như một quốc gia khép kín với cơ chế tự trị, nhiều đồng token hoạt động bên trong nền tảng đó theo luật lệ mà nền tảng đó ban hành.
Để dễ hiểu chúng ta sẽ tưởng tượng mỗi nền tảng blockchain là mỗi quốc gia, mỗi token bên trong nền tảng đó đại diện như một loại xe, và chúng ta có nhiều token khác nhau trong một nền tảng tương đương như nhiều loại xe cùng chạy trong quốc gia đó. Tổng nguồn cung của token như số lượng xe được phát hành, những chiếc xe đó được chạy trên những con đường mà chúng ta thường gọi là cơ sở hạ tầng mà các dự án như Ethereum xây dựng ngay từ đầu.
Xe chạy thì phải cần nhiên liệu, và trong quốc gia Ethereum thì nhiên liệu bắt buộc cho mọi loại xe chạy trên nó là ether, một quốc gia thịnh vượng là một quốc gia có nhiều người muốn đến sinh sống, lập nghiệp và di chuyển trên nó, đó là lý do tại sao những con đường, cơ sở hạ tầng của Ethereum luôn trong tình trạng đông đúc vì có quá nhiều người muốn sử dụng nó.
Hiện nay ngoài Ethereum còn rất nhiều quốc gia khác mộc lên và còn có cả một hệ sinh thái riêng của họ nữa, đó là những quốc gia khép kín với những luật lệ riêng của mình, mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những cách quy hoạch cơ sở hạ tầng khác nhau, làm sao chúng ta có thể tận dụng được những lợi thế từ cơ sở hạ tầng của những quốc gia khác trong khi ở trong Bitcoin và Ethereum chúng ta không có được điều đó?
Trong Ethereum có nhiều token khác nhau như LINK, USDT, DAI, MATIC… trong bài viết này chúng ta hãy tưởng tượng những token đó như những chiếc xe chạy trong quốc gia đó. Bất kể loại xe nào chạy trên quốc gia đó thì đều phải tuân thủ “luật giao thông” mà quốc gia đó đặt ra, như chuẩn ERC-20 mà các token được tạo nên trên Ethereum, các loại xe đó cũng bắt buộc phải đổ chung một loại nhiên liệu là ether. Xe chạy bị hao xăng và chậm là do đường thì nhỏ mà xe thì đông.
Thế giờ bạn muốn qua quốc gia BSC để sống vì nghe đồn bên này đường thoáng chạy nhanh mà còn ít tốn xăng. Nhưng khi chuyển qua đây sống đồng nghĩa với việc bạn phải bán hết tất cả các xe bạn có ở Ethereum để mua xe mới bên BSC để chạy?
Rất buồn khi làm điều đó đúng không, vì mặc dù bạn biết nó hao xăng khi chạy nhưng bạn vẫn yêu chiếc xe đó, và biết rõ giá trị của nó, bạn tin rằng một ngày nào đó giá trị của chiếc xe bạn sẽ còn tăng cao trong tương lai.
Vậy còn cách nào khác mà có thể đem hết những chiếc xe bạn sở hữu từ Ethereum sang BSC để tiếp tục chạy không?
Cầu là gì?
Nhiệm vụ của những cây cầu là dùng để kết nối vùng đất này đến vùng đất kia do sự ngăn trở bởi địa lý như con sông chẳng hạn. Đôi khi đó chỉ là những vùng đất trong cùng một quốc gia, đôi khi nó là một cây cầu lớn kết nối từ quốc gia này đến quốc gia khác. Ở đây có thể hiểu những dự án hỗ trợ mở rộng Ethereum như Polygon, Optimism, Arbitrum, XDai… đang cung cấp các giải pháp khác nhau như layer 2, sidechain… để giúp cư dân trong Ethereum có nhiều lựa chọn hơn cho việc lưu thông, những dự án kể trên chủ yếu hỗ trợ những token bên trong Ethereum, với mức phí giao dịch rẻ cộng tốc độ nhanh hơn đường chính của Ethereum (mainnet) và để di chuyển token Ethereum qua những mạng lưới đó thì bạn phải sử dụng những cây cầu riêng biệt của từng dự án để xe của bạn có thể chạy qua con đường mới. Mỗi dự án đều có cây cầu riêng của họ, bạn muốn gửi đồng USDT lên Polyogon thì phải xài cây cầu của Polygon, đối với những dự án khác cũng tương tự như vậy.
Còn khi chúng ta nói đến cây cầu kết nối giữa quốc gia này với quốc gia khác, lấy ví dụ Ethereum, Binance Smart Chain, Polkadot là ba quốc gia độc lập với hệ sinh thái của riêng họ bên trong, mỗi quốc gia đều khác nhau hoàn toàn về luật lệ cũng như nhiên liệu để vận hành, khi BSC và Polkadot bắt cầu qua Ethereum có nghĩa là các token ERC-20 có quyền chạy qua hẳn luôn một quốc gia mới chứ không còn bên trong phạm vi lãnh thổ Ethereum nữa, từ đây khi bạn chạy xe ở những quốc gia mới này bạn phải tuân thủ theo luật mới, nhiên liệu mới để vận hành chiếc xe cũ của bạn.
Chúng ta xây quá nhiều tường và không đủ cầu - Isaac Newton
Đó là chính xác là giải pháp để giúp bạn di chuyển những chiếc xe từ Ethereum sang quốc gia mới là BSC. Từ đây bạn vẫn chạy được chiếc xe thân yêu của bạn nhưng vẫn được hưởng những lợi ích từ cơ sở hạ tầng cùng hệ sinh thái của một quốc gia khác.
Và giờ đây xe bạn đang chạy trên mặt đường của BSC có nghĩa là xe bạn đang được đảm bảo an toàn từ chất lượng thi công mặt đường từ BSC chứ không còn là của Ethereum nữa. Mọi thứ đều thay đổi, bạn bỏ quốc tịch cũ và nhập quốc tịch mới cho xe mình, nghĩa là bạn đã không còn được quốc gia Ethereum bảo vệ. Nhưng nó có thực sự chính xác là chiếc xe ban đầu của bạn không?
Cách hoạt động của cầu
Ngoài đời khi nghĩ đến cây cầu là chúng ta liên tưởng ngay đến có thể chạy từ bên này qua bên kia bằng chính xác chiếc xe của mình, nhưng trong thế giới blockchain mọi chuyện lại hơi khác, mỗi nền tảng blockchain đều có những nguyên tắc vận hành khác nhau và dùng những loại xăng khác nhau để giúp xe di chuyển.
Trong thế giới blockchain thực tế là chiếc xe (token) không chạy từ quốc gia này sang quốc gia khác, cơ chế hoạt động chung của hầu hết các các cầu là khoá và in.
Bạn muốn chuyển xe hiệu ETH của bạn qua BSC chẳng bạn, thì tại đây cầu chuyển của Binance sẽ khoá xe ETH của bạn lại, và in ra một phiên bản photo y như chiếc xe ETH của bạn để chạy trong BSC, in ở đây không phải tùy tiện in bao nhiêu cũng được, mà mỗi bản photo được in ra đều phải dựa vào một chiếc xe thật được khoá lại, giống như USDT được in ra phải đảm bảo bằng 1 đô la thật phía sau vậy. Bao nhiêu ETH được khoá lại thì bấy nhiêu bản photo ETH được in ra, khi bạn đã chạy chán chê trên BSC rồi và muốn quay lại quê hương cũ thì chiếc xe thật của bạn sẽ được mở khoá và bản photo kia sẽ được đốt đi để huỷ. Mỗi lần đem xe đi xuyên quốc gia như vậy bạn sẽ phải tốn một ít phí mạng lưới và một khoảng thời gian để mạng lưới xác nhận, phí và thời gian giao nhận xe sẽ tùy vào từng cây cầu của từng quốc gia khác nhau.
Khóa tài sản trên một nền tảng và đúc các tài sản tương ứng tương đương trên một nền tảng khác là một tính năng cốt lõi của cầu nối blockchain.
Thế giới blockchain cũng giống như thế giới ngoài đời vậy, khi bạn giàu và mạnh thì ai cũng muốn bắt cầu chơi với bạn cả. Bitcoin và Ethereum là hai quốc gia giàu có bật nhất trong không gian đó. Nên hầu như mọi quốc gia khác đều muốn bắt cầu để xe từ hai quốc gia đó đi qua lãnh thổ của họ. Mỗi chiếc xe trong quốc gia Bitcoin rất giá trị, nên BTC đi tới quốc gia nào thì dòng vốn lớn đi tới đó.
Sự khác nhau giữa Multi chain và Cross chain
Multi-chain chỉ việc 1 dự án có trên nhiều chain khác nhau.
Như đây là dApp Sushiswap, hỗ trợ lên đến tận 13 chain khác nhau - Nguồn: SushiSwap
Đối với những dự án này các bạn có thể hiểu họ giống như các công ty đa quốc gia, tuy ban đầu được xây dựng trên Ethereum nhưng dần dần mở rộng ra rất nhiều các quốc gia khác để kinh doanh.
Còn cross chain là cầu nối của cả hệ sinh thái A với hệ sinh thái B (bao gồm tất cả các dự án thuộc chain A và B)
BTC chạy trên các nền tảng hợp đồng thông minh
Chắc bạn cũng từng thấy có rất nhiều loại ký tự khác nhau như WBTC, renBTC, sBTC, HBTC, BTCB… Đó là những bản photo được in ra để chạy trên những quốc gia khác nhau. Mỗi một bản photo được in ra đồng nghĩa với việc có một BTC thật được khoá lại để thế chấp.
WBTC là token phổ biến nhất trong tất cả các số đó, WBTC được đảm bảo bởi 1 BTC bị khoá lại và họ in ra một WBTC là một token ERC-20 để tham gia vào toàn bộ hệ sinh thái DeFi của Ethereum. Nếu trước đó đơn thuần bạn chỉ có thể giữ BTC trong ví lạnh, thì nay bạn có thể dùng BTC để tham gia vào các dịch vụ của Defi như lending/borrowing, yield farming, và swap với coin khác trên hệ sinh thái Ethereum.
Dòng tiền cung cấp tính thanh khoản như là máu để nuôi dưỡng cơ thể Defi vậy, so với hàng nghìn đồng coin kia, hiện tại ai là đồng coin có giá trị cao nhất, hẳn là Bitcoin rồi, ai cũng muốn mở cổng thật cao, xây cầu thật lớn để đón Bitcoin chạy vào quốc gia của mình, những nền tảng khác nhau sẽ có những cây cầu khác nhau cho Bitcoin chạy vào, như BTC chạy trên BSC thì có ký hiệu BTCB, trên Ethereum thì đa dạng hơn, nhưng phổ biến nhất vẫn là WBTC.
Chỉ tính riêng trên nền tảng Ethereum thì đã có hơn 273k đồng BTC, tương đương 11.5 tỷ đô la - Nguồn The Block
Polkadot cũng đang có những parachain đầu tiên với dự án tên là Interlay, hiện tại ở giai đoạn beta testnet, nó sẽ cho phép người dùng đúc các tài sản được hỗ trợ bằng Bitcoin 1:1 vào Polkadot dưới dạng PolkaBTC.
Tại sao USD được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và bạn cũng rất dễ trao đổi ngoại tệ bằng USD khi đến các nước đó, vì nó là đồng tiền mạnh nhất thế giới với độ uy tín cao được hỗ trợ bằng sức mạnh kinh tế lẫn quân sự của Mỹ, trong thế giới crypto cũng vậy, BTC và ETH là hai đồng tiền mạnh hàng đầu, nên rất nhiều quốc gia khác dễ dàng chấp nhận và xây cầu để đón dòng vốn lớn này chảy vào.
Nhiều người lầm tưởng là các cây cầu sẽ giúp các đồng tiền tự do chạy khắp các mạng lưới blockchain một cách tự do, nhưng điều đó không đúng, tuy là USDT hỗ trợ cả TRC-20, ERC-20, BEP-20 nhưng bạn không thể chuyển trực tiếp USDT từ mạng ERC-20 đến thẳng địa chỉ BEP-20 được, bạn phải cần làm thêm một thao tác là dùng cây cầu Binance để chuyển từ mạng này qua mạng kia (hoặc có thể chuyển coin lên sàn binance để đổi mạng lưới). Từ đó chiếc xe USDT không còn chạy xăng ETH nữa, mà thay vào đó được đổ bằng xăng BNB và chạy với tốc độ nhanh hơn.
Việc mang coin ra ngoài quốc gia của nó có nghĩa là bạn đã hết được bảo vệ bởi quốc gia đó, chúng ta phải có một niềm tin nhất định vào WBTC vì BitGo Trust có quyền quản lý các quỹ bị khóa bằng Bitcoin và họ chịu trách nhiệm phát hành cùng một số lượng WBTC trên Ethereum. Một hợp đồng thông minh trên Ethereum theo dõi số dư tài khoản cho tất cả các lần chuyển WBTC. Sẽ ra sao nếu một ngày BitGo Trust không cánh mà đi cùng với số Bitcoin thật của bạn trong khi bạn đang cầm những đồng token WBTC được họ in ra. Đây chỉ là giả định cho những trường hợp xấu cho thể xảy ra, đương nhiên ai cũng hiểu là thay vì giữ BTC trong mạng lưới của nó là an toàn nhất, nhưng nếu bạn đánh đổi giữa sự được hưởng lợi từ các dịch vụ Defi trên các nền tảng khác thì có thể cân nhắc đưa ra quyết định riêng cho bản thân mình.
Không phải cây cầu nào cũng là tập trung và cần lòng tin, có những cây cầu không cần lòng tin từ người sử dụng, họ sử dụng những hợp đồng thông minh để khoá và in tiền tự động. Nhưng cũng không loại bỏ khả năng các hợp đồng này bị tấn công và lấy mất số coin bị khóa trong đó, gần đây dự án Polynetwork đã bị lấy cắp hơn tổng cộng 611 triệu đô la. Đây là một dự án cross chain cho những nền tảng lớn như Ethereum, BSC, Polygon.
Kết luận
Sự phồn thịnh và phát triển của Quận 7, Quận 2 tại Sài Gòn cũng nhờ những cây cầu đầu tiên được bắt qua, kéo lên cả một vùng đất sình lầy thành khu đô thị đáng sống bật nhất của Sài Gòn, những cây cầu trong thế giới crypto cũng vậy, mở ra một chân trời mới hoàn toàn cho các nền tảng có thể giao tiếp với nhau và đặc biệt là tạo lợi ích lớn nhất cho các dApps Defi phát triển.
Hơn thế nữa để blockchain được áp dụng trên một số ngành khác thì khả năng tương tác là điều bắt buộc. Nhu cầu về khả năng tương tác không chỉ giới hạn ở việc hoán đổi tài sản tiền điện tử qua lại giữa các blockchains. Nhưng trong tương lai, nó cũng phải tạo điều kiện chia sẻ các thông tin khác như hồ sơ sức khỏe, hồ sơ chuỗi cung ứng, chứng chỉ...
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital