COSMOS (ATOM) là gì? - Vũ trụ để kết nối các blockchain
Cosmos Network (ATOM) là dự án có tầm nhìn bao la như vũ trụ, với mong muốn trở thành internet của blockchain.
Cosmos là nơi mà các nền tảng blockchain khác gia nhập vào sẽ có được hưởng tốc độ giao dịch cao. Bảo mật tốt và sự kết nối vô tận giữa hàng trăm blockchain khác nhau.
Cosmos Network (ATOM) là gì?
Cosmos là một trong những dự án với nhiều thuật ngữ phức tạp. Như muốn thử thách sự kiên nhẫn của bất kỳ ai khi muốn tìm hiểu. Và nắm được nguyên lý hoạt động của dự án này.
Trong bài viết này sẽ chỉ sử dụng những từ ngữ đơn giản qua những câu chuyện dễ hiểu. Để giúp các bạn có thể hình dung tổng quát được Cosmos là gì?. Và nó đang giải quyết vấn đề gì trong thế giới Crypto này.
Tốc độ giao dịch, khả năng mở rộng và tương tác giữa các blockchain. Đã không còn là một vấn đề mới. Và trên thị trường đã có nhiều dự án ra đời nhằm giải quyết vấn đề này.
Các blockchain cũng giống như các quốc gia vậy. Mỗi quốc gia đều có nền kinh tế riêng. Có nước giàu nước nghèo, nước phát triển nhanh, nước phát triển chậm… Nhưng tựu chung thì nó vẫn còn khá rời rạc và còn chưa có tính kết nối. Giao thương giữa nhiều quốc gia đó lại với nhau. Gây khó khăn để di chuyển dữ liệu và tài sản qua lại giữa chúng.
Những quốc gia giàu có như Ethereum. Thì lại chật chội và chi phí sinh hoạt đắt đỏ (ám chỉ phí gas cao). Những quốc gia nhỏ hơn thì luôn muốn bắt cầu kết nối với Ethereum để thu hút dòng tiền về quốc gia của họ.
Nhưng tại sao chúng ta lại không thành lập một liên minh các quốc gia lại với nhau. Thành một khối thống nhất để dễ dàng giao thương, mua bán, thay vì chỉ phát triển đơn lẻ.
Liên minh Châu Âu (EU) ra đời không chỉ nhằm tập hợp giữa các nước thành viên trong lĩnh vực kinh tế, tiền tệ. Mà còn liên minh trong lĩnh vực chính trị. Tăng cường sự gắn kết nền kinh tế xã hội các nước thành viên.
Liên minh châu Âu đã phát triển thị trường chung. Thông qua hệ thống luật pháp tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các nước thành viên. Nhằm đảm bảo sự lưu thông tự do của con người, hàng hóa, dịch vụ và vốn.
Trong thế giới blockchain cũng vậy. Tại sao chúng ta không thành lập một liên minh các blockchain riêng lẻ lại với nhau thay vì phát triển một cách đơn lẻ và rời rạc.
Cosmos Hub
Ethereum như một quốc gia khổng lồ, giàu có và đồ sộ với hàng nghìn công ty (dApps) bên trong.
Ngoài Ethereum ra. Ngoài kia cũng còn vô số những quốc gia khác. hình thành nên. Để giải quyết những vấn đề khác mà Ethereum còn thiếu…
Trong số đó có Cosmos. Cách tiếp cận của Cosmos rất rộng và bao quát. Nhìn lại ví dụ ở trên qua liên minh Châu Âu chúng ta có thể thấy trước khi có liên minh EU ra đời. Những quốc gia trong khu vực đó khá rời rạc, với những định luật và nhiều rào cản.
Cosmos Network mong muốn thành lập nên những liên minh giống như vậy cho mạng lưới của mình.
Cosmos Hub được xem như một quốc gia. Một blockchain độc lập, vững mạnh để tự đó tạo ra một liên minh cho riêng mình.
Cosmos Zones
Zone cũng được xem như một quốc gia. Một blockchain độc lập.
Nhưng điều thú vị ở đây là các quốc gia (Zone) độc lập này. Khi được kết nối vào Cosmos Hub thì sẽ trở thành một khối liên minh.
Quyền lợi khi được gia nhập vào khối liên minh này. Là bạn có quyền thoải mái trao đổi dữ liệu và tiền tệ. Giữa các quốc gia khác trong khối đó.
Cosmos Hub như liên minh Châu Âu. Các nước thành viên trong đó là Zones, và các dApps trong Zones thì được gọi là các công ty.
Tạo một liên minh như vậy để các quốc gia trong liên minh đó dễ dàng giao tiếp với nhau. Mà không bị ràng buộc quá nhiều vào luật lệ, ngôn ngữ, và tiền tệ…
Trong khi đó. Những quốc gia bên trong liên minh Châu Âu vẫn có chính phủ và có quân đội riêng của họ cùng với đặc thù kinh tế riêng.
Như Đức là nước mạnh về cơ khí, chuyên chế tạo xe hơi, Pháp là kinh đô về thời trang, Ý chuyên về ẩm thực, Thuỵ Sĩ chuyên về đồng hồ…
Các nước thành viên có thể trang bị quân đội riêng của mình để bảo vệ lãnh thổ. Còn không họ có thể nhờ sự trợ giúp quân sự từ Cosmos Hub. Như Vatican là một quốc gia độc lập. Nhưng lại thuê các lính canh từ Thuỵ Sĩ để bảo vệ các tòa thánh của mình.
Điểm khác nhau giữa Cosmos vs Polkadot
Polkadot như một quốc gia lớn. Bên trong có 100 tỉnh thành tự trị. Họ có thể tùy chỉnh cơ sở hạ tầng của từng tỉnh thành. Để phù hợp với định hướng mà họ muốn phát triển. Nhưng 100 tỉnh thành đó sẽ được bảo vệ bởi quân đội của Polkadot chứ không cần có quân đội riêng của bản thân mình.
Để thuê được 1 trong 100 tỉnh thành của Polkadot. Bạn phải đấu thầu với những người khác. Nó sẽ khó hơn một chút và yêu cầu bạn phải có tiền cùng với một sự nghiêm túc đầu tư hơn. Vì không ai muốn mất rất nhiều tiền để thuê một tỉnh thành trên Polkadot cho 2 năm và không làm gì cả. Nó tạo áp lực để chọn lọc tự nhiên các dự án thật sự nghiêm túc.
Sự chủ quyền là yếu tố lớn cho sự khác nhau giữa Cosmos và Polkadot.
Cosmos tôn trọng chủ quyền của những blockchain (Zones) khi kết nối vào liên minh (Hub). Các Zones vẫn có chủ quyền và có quân đội riêng nếu muốn. Hoặc có thể nhờ sự bảo vệ của Hub nếu họ không muốn tốn kém xây dựng quân đội (quân đội ở đây ám chỉ thuật toán đồng thuận Pos hoặc PoW).
Cosmos cũng không có giới hạn 100 chỗ khi kết nối vào. Và cũng không cần đấu thầu tốn kém như Polkadot.
Mỗi dự án đều có những ưu nhược điểm riêng. Nhưng tầm nhìn chung đều muốn trở thành những nền tảng kết nối thế giới blockchain riêng lẻ lại thành một hệ sinh thái to lớn và giao thương với nhau.
Cosmos SDK
Như đã nói ở trên. Mỗi quốc gia đều có những nền kinh tế và thế mạnh riêng nên những đặc điểm cơ sở hạ tầng cũng khác nhau.
Trong blockchain cũng vậy. Nếu như Ethereum cho phép tất cả các dApps phát triển trên nền tảng của họ, từ DeFi, Game, NFT… Tuy nhiên, mỗi dApp sẽ đòi hỏi những yêu cầu khác nhau. Như bạn cần phân làn đường ra cho xe đạp, xe máy, xe hơi, xe lửa. Chứ không thể xây một cái đường để tất cả phương tiện cùng chạy. Điều đó dễ gây tắt đường và không hiệu quả.
Cosmos SDK là một công cụ hỗ trợ xây dựng các blockchain một cách nhanh chóng và tiết kiệm nhiều tiền bạc cho các nhà phát triển.
Tendermint BFT cung cấp một cơ chế đồng thuận. Cụ thể là cơ chế đồng thuận proof-of-stake. Cùng với Cosmos SDK từ đó giúp xây dựng lên các blockchain có mức độ tùy chỉnh cao để phù hợp với định hướng mà bạn muốn phát triển cho dự án của mình. Như bạn muốn phát triển dApp về game thì hẳn nhiên là cần một blockchain với tốc độ cao rồi.
Binance Chain, Terra và Crypto.com là những blockchain nổi tiếng được xây dựng bằng Cosmos SDK.
Ở điểm này thì nó cũng tương tự như Substrate framework trong Polkadot. Nó là một công cụ để xây dựng một blockchain tùy theo ý muốn để cắm vào Polkadot. Đọc thêm tại đây.
IBC
Một liên minh Châu Âu (Cosmos Hub) thì có nhiều quốc gia thành viên (Zones) kết nối vào. Trong một Zone thì lại có nhiều công ty (dApp) bên trong.
Đó là chúng ta chỉ đang nói đến một liên minh Châu Âu thôi.
Thế còn nhiều liên minh khác thì sau?. Liên minh Châu Á, liên minh Châu Phi…
Vì Cosmos Network cho phép tạo nhiều Hub bên trong. Như nhiều liên minh khác nhau vậy.
Mỗi liên minh như vậy sẽ có một Hub. Như một quốc gia hùng mạnh làm trung tâm và nhiều quốc gia xung quanh (zones) kết nối vào.
Hiện tại chúng ta muốn chuyển token từ blockchain A qua blockchain B thì cần phải xây cầu. Bao nhiêu blockchain thì xây bấy nhiêu cái cầu.
IBC ra đời như cây cầu để kết nối các quốc gia trong hệ sinh thái Cosmos lại với nhau.
Như một quốc gia ở liên minh Châu Á muốn kết nối với một quốc gia ở liên minh Châu Âu thì phải làm sao.
Vì trong một liên minh có rất nhiều các quốc gia thành viên. Chúng ta không thể nào xây từng cây cầu riêng lẻ cho từng quốc gia kết nối với nhau được.
Nguyên lý hoạt động của Cosmos khá đơn giản. Chỉ cần hai cái liên minh Châu Á và Âu đó kết nối lại với nhau. Thì tự động các quốc gia thành viên bên trong 2 liên minh đó có thể tự do trao đổi với nhau mà không cần phải kết nối riêng lẻ từng quốc gia một.
Trong Cosmos Network có nhiều Hub. Một Hub có nhiều Zone, trong một Zone trong có nhiều dApps. Và tất cả các Hub được kết nối với nhau.
Chỉ cần một Hub 1 kết nối với Hub 2. Là các Zones bên trong Hub 1 có thể kết nối với các Zones trong Hub 2. IBC là công cụ giúp Cosmos làm được điều đó.
Nhiều người sẽ hơi bối rối giữa Cosmos Network và Cosmos Hub.
Cosmos Network là một mạng lưới mà bên trong nó chứa nhiều Hub khác nhau. Cosmos Hub là một trong những Hub bên trong nó.
Không những kết nối các Hub lại với nhau. Mà nó còn kết nối với các quốc gia nằm bên ngoài liên minh của nó như Bitcoin, Ethereum, Polkadot…
Đó là một mức độ phức tạp chóng mặt vượt quá những gì Ethereum có với một khuôn khổ hợp đồng thông minh. Ethereum có các hợp đồng thông minh. Giống như hàng chục nghìn hợp đồng thông minh. Nhưng trong Cosmos. Có thể có hàng chục nghìn Ethereum và mỗi một trong số đó có hàng chục nghìn hợp đồng.
Peng Zhong - Giám đốc điều hành của Tendermint
ETHERMINT
Ethermint như một bản sao của Ethereum trên Cosmos. Giúp các bạn dễ dàng “bê” các dApps từ Ethereum qua Cosmos một cách nhanh và dễ. Thêm đó là tận dụng được tốc độ cao cùng mức phí thấp và khả năng tương tác cao với các blockchain khác trong mạng lưới Cosmos.
Phiên bản này của Ethereum hoạt động giống hệt như Ethereum gốc. Và thậm chí còn tương thích với các hợp đồng thông minh hiện có và các công cụ Ethereum như MetaMask.
Kết luận
Huy động vốn thành công vào tháng 4/2017. Và xây dựng trong một thời gian dài trong nhiều năm cho đến khi vào mùa xuân 2021 mới hoàn thiện xong IBC. Cũng như là mảnh ghép quan trọng cho mạng lưới.
Hiện tại với hơn 260 dApps được xây dựng trên Cosmos. Thì nó có vẻ hơi khiêm tốn khi so với tầm nhìn bao la như vũ trụ mà họ hướng đến. Nhưng đây có thể như chỉ mới bắt đầu khi mà cơ sở hạ tầng hiện tại của Cosmos dần hoàn thiện cũng khả năng kết nối gần như vô tận trong tương lai.
Bài viết liên quan:
NEAR PROTOCOL - Mang blockchain đến GẦN với mọi người hơn
SOLANA - Blockchain chạy với tốc độ ánh sáng
BINANCE SMART CHAIN - Sức mạnh đến từ sự tập trung hay sự đổi mới công nghệ?
POLKADOT - Kết nối những dấu “chấm“ blockchain riêng biệt thành một hệ sinh thái khổng lồ
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital