XM - Đối tác Xuất sắc

Chỉ với tối đa 7 giao dịch/giây, làm sao Bitcoin có thể mở rộng ra phạm vi toàn cầu?

07 Tháng 11, 2021 16:06

So sánh tốc độ giao dịch của mạng lưới Bitcoin với Visa giống như so sánh con cá sẽ không bao giờ leo cây giỏi bằng khỉ, đó là một so sánh sơ sài và lệch pha, Bitcoin sẽ mở rộng đến nhiều khía cạnh đời sống hơn bất kỳ một mạng lưới tài chính nào khác. Layer 1 của Bitcoin như một nền móng trường tồn vững chắc không thể phá huỷ, để trên đó người ta có thể xây dựng hàng trăm lớp khác nhau hỗ trợ nó trong việc mở rộng lên đến quy mô giao dịch toàn cầu.

Chỉ với tối đa 7 giao dịch/giây, làm sao Bitcoin có thể mở rộng ra phạm vi toàn cầu?

Chúng ta sẽ thấy hơi buồn cười với những tuyên bố về Bitcoin sẽ trở thành đồng tiền mã hóa ngang hàng được sử dụng toàn cầu, nhưng chỉ với tốc độ xử lý tối đa là 7 giao dịch một giây trong suốt hơn một thập kỷ qua, ngay cả trong thế giới crypto nó cũng đã bị bỏ lại phía sau khá xa về tốc độ giao dịch, các nền tảng blockchain mới ra đời trong suốt nhiều năm qua dư thừa khả năng đạt được con số hàng trăm, hàng nghìn giao dịch trên giây một cách nhẹ nhàng. 

Mở rộng là một thuật ngữ khá chung chung, nếu xét về mở rộng về mặt tốc độ xử lý giao dịch thì chúng ta có thể xem xét đó là một khía cạnh trong việc mở rộng mạng lưới. 

Hệ thống tài chính truyền thống đã làm tốt công việc của họ trong việc mở rộng và nâng cao tốc độ giao dịch, Visa và Paypal, họ là những công ty thanh toán quốc tế với khối lượng giao dịch lên đến hàng triệu giao dịch được xử lý mỗi ngày. 

Satoshi Nakamoto sáng tạo ra Bitcoin không phải chỉ để chạy đua với những công ty tín dụng quốc tế về tốc độ giao dịch, mà Satoshi sẽ giúp Bitcoin mở rộng sâu và xa hơn, với nhiều tầng nấc khác nhau về không gian, thời gian, sự tự do, chủ quyền, và nhiều khía cạnh khác của xã hội mà các hệ thống tài chính trên giới sẽ rất khó để có thể đạt được. 

Người ta thường quá chăm chăm nhìn vào tốc độ giao dịch mà quên đi những khía cạnh khác, quên đi giá trị cốt lõi ban đầu của một nền tảng blockchain khác gì so với các nền tảng tài chính tập trung, nếu xét về mặt tốc độ xử lý giao dịch là ưu tiên hàng đầu thì sau ngần ấy năm Bitcoin đã không đứng ở vị trí top 1 với giá trị vốn hoá hơn 1 nghìn tỷ đô la, hàng nghìn dự án khác với khả năng của mình có thể dễ dàng vượt mặt Bitcoin về tốc độ xử lý giao dịch, nhưng thị trường đang định giá Bitcoin là đồng tiền giá trị hơn cả, có phải là thị trường đang quá sai lầm khi định giá một nền tảng với tốc độ trung bình khoảng 3-4 giao dịch một giây trong suốt hàng chục năm không có “cải tiến công nghệ quan trọng” là một đồng tiền giá trị nhất, qua đó cho ta thấy được, tốc độ xử lý giao dịch không phải là một “yếu tố hàng đầu” để thị trường quan tâm tại thời điểm hiện tại.

Đa số các bài viết trên internet khi nói về crypto và đặc biệt là Bitcoin về việc mở rộng mạng lưới thì họ chỉ chủ ý vào một mảng duy nhất là mở rộng tốc độ giao dịch, làm sao Bitcoin cạnh tranh với Visa, cạnh tranh với Paypal, cạnh tranh với các ngân hàng về tốc độ thanh toán, điều đó gây ra rất nhiều hiểu lầm cho những người mới khi bắt đầu tìm hiểu thị trường này và sẽ có những ngộ nhận một chiều về sự lệch pha trong so sánh. Qua bài viết này, chúng ta không chỉ tìm hiểu khía cạnh mở rộng về tốc độ giao dịch của Bitcoin mà còn đi vào những lớp mở rộng khác, sâu và xa hơn, đó mới chính là thứ mang lại giá trị cho mạng lưới Bitcoin mà không gì có thể so sánh được. 

 

Mở rộng về không gian và thời gian

 

Hệ thống tài chính truyền thống rất phát triển ở những cường quốc lớn trên thế giới, hầu như ở những khu vực phát triển như Châu Âu và Mỹ, rất ít ai sử dụng tiền mặt để mua hàng, mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận hệ thống tài chính một cách dễ dàng. 

Nhưng vì một lý do nào đó mà gần ⅓ tổng số người trưởng thành trên thế giới vẫn chưa có tài khoản ngân hàng, khoảng 1.7 tỷ người, chiếm 31% tổng số người trưởng thành trên thế giới không tiếp cận được ngân hàng.   

 

Nguồn: Global Findex database

 

Có thể vì nhiều lý do như chính trị, cơ sở hạ tầng, học vấn… mà nhiều người trên nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới vẫn chưa tiếp cận được các dịch vụ tài chính hiện tại, khiến họ rất khó giao thương với thế giới bên ngoài. 

Bitcoin giúp bạn sở hữu một ngân hàng riêng cho chính mình với 2 nhiệm vụ cơ bản nhất là gửi và nhận tiền đi mọi nơi trên thế giới với một điều kiện nhỏ là bạn có một chiếc điện thoại với kết nối mạng. 

Chúng ta thường nói nhiều đến thế giới phẳng, nhưng Bitcoin còn làm cho nó còn phẳng hơn ở những khía cạnh không gian và thời gian, từ một đô thị lớn đến một làng quê hẻo lánh đều có quyền gửi và nhận Bitcoin của họ một cách tự do mà không cần qua một bên trung gian thứ ba nào. Giao dịch bằng tiền mặt là một trong những hình thái riêng tư nhất mà không cần sự tin tưởng vào bên thứ ba xác nhận, Bitcoin mở rộng hình thái đó ra gấp nhiều lần về mặt không gian và thời gian, bạn có thể khác nhau về địa lý, múi giờ, nhưng vẫn có thể giao dịch ngang hàng mà không cần lòng tin vào bất kỳ đơn vị trung gian nào. 

 

Mở rộng về quyền sở hữu và sự tự do

 

Khi muốn gửi tiền đi qua internet, thì bạn cần có sự chấp nhận và cho phép từ các thể chế tài chính, vì ngoài họ ra, bạn không có sự lựa chọn nào khác thay thế, số tiền càng lớn thì phí gửi càng cao (đặc biệt với các dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới), đó là cái giá của lòng tin mà bạn phải trả để sử dụng dịch vụ của họ. 

Bitcoin không quan tâm đến độ tuổi, màu da, sắc tộc của bạn, bất cứ ai cũng có sở hữu và sử dụng nó, một đứa bé 10 tuổi có thể tạo một ví Bitcoin cho riêng mình và sử dụng nó. 

Bitcoin mở rộng và củng cố khái niệm quyền sở hữu tài sản và tự do sử dụng tiền của bạn, bạn hoàn toàn là chủ sở hữu 100% tài sản của mình và chuyển nó đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới mà không cần bất kỳ sự chấp nhận hay cho phép nào. Đó là một quyền lực vô cùng lớn khi so sánh với tất cả các loại tài sản còn lại. 

 

Mở rộng về mặt xã hội

 

Bitcoin ra đời với sự vô danh và gần như vô giá trị, nó đã phải mở rộng sự nhận thức xã hội cho sự chấp nhận, tin tưởng, và sử dụng nó trong suốt hơn một thập kỷ qua, nó đã phải chiến đấu và cạnh tranh với các loại tài sản có tuổi đời hàng nghìn năm như vàng, bạc… Và cạnh tranh sức ảnh hưởng với đồng tiền mạnh nhất thế giới là USD, với năng lực kinh tế và quân sự hùng mạnh phía sau. (bạn có thể thấy điều này qua việc quốc gia El Salvador chấp nhận Bitcoin làm đồng tiền quốc gia nhằm giảm bớt sự phụ thuộc 100% vào đồng đô la Mỹ) 

Nó từ từ len lỏi vào chính trị, giải trí, tài chính, đời sống, và tạo nên một nhận thức mới cho mọi người dần chấp nhận một loại tài sản mới, đó không phải là một việc đơn giản, vì hàng trăm năm qua con người chưa tạo ra được một loại tài sản nào mới cho đến khi Bitcoin xuất hiện. 

Các loại tài sản được sử dụng phổ biến đều có chung một đặc điểm, nó được mọi người tin tưởng và chấp nhận, sự mở rộng về mặt nhận thức xã hội là một vũ khí vô cùng lớn của Bitcoin, có thể bạn không cần hiểu blockchain là gì, nó hoạt động ra sao, nhưng bạn tin là Bitcoin có giá trị và có thể dùng nó mua bán, trao đổi một cách thông dụng trên thế giới. Chúng ta cũng không thực hiểu cơ chế hoạt động của tiền pháp định như thế nào nhưng chúng ta vẫn tin và sử dụng nó đấy thôi. 

 

Mở rộng về tốc độ giao dịch 

 

Đây là chủ đề gây tranh cãi nhất trong cộng đồng crypto, đỉnh điểm là cuộc nội chiến vào năm 2017 sau khi các giao dịch Bitcoin tăng cao và đạt đến giới hạn mạng vào cuối năm 2017. Từ đó chia ra hai trường phái về việc mở rộng mạng lưới. Một bên muốn tập trung vào việc tăng giới hạn kích thước khối, nhóm còn lại tập trung vào việc mở rộng quy mô ngoài chuỗi bằng cách thêm các giao thức bổ sung trên các lớp cao hơn như layer 2, 3 4 5… 

Tháng 8 năm 2017 một nhánh hard fork mới có tên Bitcoin Cash ra đời với kích thước khối được nâng lên thành 8MB và điều chỉnh độ khó của proof-of-work linh hoạt hơn. 

Nhìn vào vốn hoá thị trường hiện tại chúng ta có thể thấy rằng thị trường đã không đánh giá cao việc mở rộng kích thước khối lớn hơn của Bitcoin Cash, khi mà vốn hoá của Bitcoin Cash chỉ ở mức 11 tỷ đô so với 1,1 nghìn tỷ của Bitcoin. 

Vậy đâu là giải pháp tối ưu để mở rộng tốc độ giao dịch của Bitcoin? 

 

Mở rộng phi tập trung

 

Lightning network ⚡️ (LN) là lớp tầng 2 nổi bật nhất của Bitcoin, cho phép thực hiện các giao dịch giá trị nhỏ một cách tức thì và phí gần như bằng không. 

Được phát triển từ năm 2015 và hiện nay nó đang bắt đầu được áp dụng vào thực tế, đa số người dân ở El Salvador dùng mạng lưới Lightning network để mua hàng hóa trong nước và chuyển Bitcoin từ Mỹ về quê nhà với mức phí hầu như không đáng để bận tâm. Và hiện tại bạn có thể “boa” Bitcoin cho ai đó qua Twitter khi dùng mạng lưới LN⚡️. 

Lightning network là một mạng lưới phi tập trung mã nguồn mở được xây dựng bên trên lớp cơ sở (layer 1) của Bitcoin, nên thừa hưởng được toàn bộ sự bảo mật, an toàn của lớp cơ sở. Hiện nay có rất nhiều công ty sử dụng LN⚡️ để tích hợp vào ứng dụng của họ như Strike, Wallet of Satoshi… Vì LN⚡️ là một mã nguồn mở nên các nhà phát triển có thể cắm nó vào và xây dựng những ứng dụng ví chuyển tiền riêng cho họ. 

 

Nguồn: Bitcoin 99

 

Bạn cũng có thể sử dụng các blockchain khác để di chuyển BTC trên đó, nó thường được gọi đó là cross chain, bạn có thể di chuyển BTC trên các mạng lưới khác như Ethereum, BSC, Polkadot…  

Đương nhiên là việc di chuyển BTC ra khỏi mạng lưới Bitcoin và đưa nó vào một mạng lưới blockchain khác là kém an toàn hơn, nhưng nó cũng là một giải pháp mở rộng phi tập trung dựa vào tốc độ cao hơn của các mạng lưới khác. Từ đó không chỉ là di chuyển nhanh hơn với phí rẻ hơn và bạn còn có thể sử dụng BTC tham gia các dịch vụ DeFi đa dạng khác. 

 

Mở rộng tập trung 

 

Có vô lý khi sứ mệnh của Bitcoin là mang lại một mạng lưới phi tập trung nhưng cần những công ty tập trung bên thứ 3 hỗ trợ mở rộng mạng lưới?

không thể phủ nhận sự phổ biến của Bitcoin đến tận hôm nay một phần lớn đến từ sự hỗ trợ từ các công ty như sàn giao dịch, quỹ tài chính, ngân hàng… Thử hình dung nếu không có những sàn giao dịch lớn cung cấp dịch vụ mua bán cho thị trường này, thì Bitcoin chỉ mãi có thể là một mạng lưới vô danh hoạt động trong một cộng đồng nhỏ bởi những người yêu thích công nghệ. 

Cũng đơn giản khi có thể nhận ra rằng việc mở rộng tốc độ giao dịch lên đến hàng chục nghìn giao dịch một giây trên lớp cơ sở của Bitcoin như các công ty thanh toán tập trung là không thể, nhưng điều đó có thật sự quan trọng khi việc mở rộng khối lượng giao dịch được các lớp khác hỗ trợ, các lớp đó được xây dựng bên trên lớp cơ sở (layer 1) vững chắc và không thể phá huỷ của Bitcoin. Bạn không thể lấy tốc độ từ một node tập trung của công ty Visa so sánh với hơn 11 nghìn node phi tập trung trên toàn thế giới của Bitcoin, phi tập trung và chống kiểm duyệt là sức mạnh to lớn mà không hệ thống tài chính nào có được.

Ngoài những lớp mở rộng phi tập trung như Lightning network, cross chain… Chúng ta còn có hàng trăm lớp khác chồng lên trên, từ đó có thể đẩy tốc độ xử lý giao dịch đến mức vô cực, nơi mà chúng ta có thể gọi đó là sự mở rộng ở cấp độ xã hội. 

Các lớp đó là những sàn tập trung, các ngân hàng, công ty tài chính như Visa, Paypal, Venmo… Mình tin đa số phần lớn mọi người vẫn lưu trữ coin của họ trên các tổ chức để “trông hộ” vì họ không muốn đau đầu học thêm về ví lạnh, cách bảo mật coin, họ đơn giản là biết đến Bitcoin là một tài sản mới với tiềm năng tăng giá cao, điều đó thu hút vô số nhà đầu tư mới đến thị trường. Như việc chúng ta tin tưởng ngân hàng và lưu tiền mình trên đó vậy, trong một tương lai không xa các ngân hàng sẽ hỗ trợ các khách hàng lưu trữ Bitcoin trong chương mục của họ, và khi đó, khi bạn muốn giao dịch hay di chuyển Bitcoin qua lại với người khác trong cùng một hệ thống, thì giao dịch đó sẽ được chạy offline bởi sổ cái của ngân hàng chứ không phải không qua lớp cơ sở của Bitcoin nữa.

Về Paypal, Visa, Venmo... hay các sàn giao dịch cũng vậy, khi bạn lưu trữ hay di chuyển coin trong hệ thống của họ thì lúc đó bạn đang chạy BTC trên mạng lưới của bên thứ ba, giúp nó nhanh hơn và hầu như là miễn phí, trừ khi bạn rút tiền ra khỏi các công ty đó thì giao dịch của bạn lại được ghi vào blockchain của Bitcoin.  

 

Nguồn: Howmuch 

 

Những lớp tập trung như thế có thể hỗ trợ hàng nghìn giao dịch mỗi giây trong một một thời gian rất ngắn trên phạm vi toàn cầu. 

Đọc đến đây bạn có thể hình dung sang đồng VNĐ, bạn có nhiều phương pháp để trao đổi nó như: tiền mặt, chuyển khoản ngân hàng, Visa thanh toán quốc tế, ví điện tử momo, zalopay… Cũng là một VNĐ nhưng chạy trên nhiều mạng lưới khác nhau, giúp tăng thêm nhiều lựa chọn để trao đổi, mua hàng hoá. (Đây chỉ là một ví dụ, vì bản chất tiền Fiat và Bitcoin hoàn toàn khác nhau)

Đọc đến đây sẽ có hai câu hỏi mà bạn sẽ đặt ra trong đầu:

1. Di chuyển Bitcoin trên các công ty tập trung thì còn gì là bản chất của nó nữa?

Bitcoin vẫn có những giải pháp “phi tập trung” cho việc gửi và nhận BTC. Như sử mạng lưới Bitcoin, Cross chain hay Lightning Network, và tương lai chúng ta có thể tiếp tục chứng kiến sự phát triển nhiều hơn ở các mạng lưới phi tập trung này, việc lưu trữ và giao dịch BTC trên các công ty thứ 3 là một lựa chọn chứ không bắt buộc, bạn có thể lựa chọn giải pháp phù hợp với nhu cầu của mình, nhưng mình tin các công ty thứ 3 vẫn đóng vai trò vô cùng to lớn đến việc mở rộng và áp dụng Bitcoin rộng rãi.

2. Không chỉ riêng Bitcoin, hàng nghìn đồng tiền khác cũng di chuyển trên các sàn?

Hàng nghìn đồng coin khác đều có đặc quyền như nhau là sử dụng mạng lưới của các công ty thứ 3, nhưng mấu chốt ở chỗ nhận thức xã hội lên đồng coin đó như thế nào, sự phổ biến, lòng tin, và nhu cầu sử dụng đồng coin đó là ưu tiên số một để khiến các tổ chức tài chính lớn và các ngân hàng hỗ trợ nó, tại sao El Salvador lại chọn Bitcoin mà không phải một đồng coin nào khác có mạng lưới blockchain nhanh hơn? 

Nhận thức xã hội là một trong những khía cạnh mở rộng quan trọng nhất của Bitcoin từ đó các vấn đề về lưu trữ, dịch vụ, và thanh toán sẽ được rất nhiều bên thứ ba hỗ trợ bên trên lớp cơ sở của nó. 

 

Tầm quan trọng của layer 1 

 

Lớp cơ sở như một nền móng mang lại giá trị vững chắc cho mạng lưới, từ đó bạn có thể xây thêm hàng trăm lớp khác lên nó để hỗ trợ mọi tiện ích khác, đặc biệt là tốc độ xử lý giao dịch, các công ty có thể đến rồi đi, hưng thịnh hay phá sản, nhưng lớp cơ sở phải vẫn luôn ở đó trường tồn để bảo vệ mạng lưới. 

Hiện tại mỗi block mới của Bitcoin được đào ra có dung lượng khoảng 1-1.5 MB, nếu chúng muốn tăng khối lượng giao dịch lên bằng cách tăng dung lượng block lên 10MB 100MB, 1GB mỗi mười phút thì sự linh hoạt, phi tập trung, vững chắc sẽ từ từ bị phá huỷ, sẽ không còn một máy tính cá nhân nào có thể chạy nổi một node riêng lẻ nữa, mạng sẽ trở nên tập trung và gần “giống” với hệ thống tài chính truyền thống. 

 

Nguồn: mempool

 

Bitcoin chỉ có thể xử lý tối đa 7 giao dịch trên giây, nhưng mỗi giao dịch có thể chuyển đi giá trị tài sản lên đến hàng triệu, hàng tỷ đô trên một giao dịch.

 

Kết luận 

 

Đây là một điều mà ít ai chia sẻ, báo đài truyền thông họ chỉ hướng chúng ta nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm về việc so sánh tốc độ xử lý của Bitcoin so với các nền tảng blockchain khác hay với các công ty tài chính lớn như Visa, Paypal, mà quên rằng Bitcoin sinh ra đời để giải quyết những vấn đề vô cùng lớn khác mà hầu như các loại tiền pháp định không làm được, tốc độ là yếu tố quan trọng trong việc áp dụng Bitcoin vào đời sống, nhưng tốc độ không phải là cốt lõi, vì nó là một vấn đề đã được các tổ chức tài chính giải quyết từ lâu, Bitcoin đến với thế giới với một sứ mệnh khác và nương theo sự phát triển về tốc độ của các tổ chức chính tài chính sẵn có, từ đó đưa Bitcoin mở rộng ra cấp độ phổ biến về mặt xã hội.  



 

Đọc thêm những bài viết liên quan.

Thuancapital Market Insight #8: Bitcoin Thúc Đẩy Phong Trào “Giải Pháp Xanh”

7 lớp bảo mật của mạng lưới Bitcoin

Bitcoin - Kho lưu trữ giá trị

Lightning Network - Giải pháp mở rộng mạng lưới cho Bitcoin?

Sự thật về việc sử dụng năng lượng của Bitcoin

 


► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital


Ví trữ lạnh Ledger Nano X
07 Tháng 11, 2021 16:06