Bitcoin đã tái định nghĩa khái niệm tiền bạc và cách chúng ta đầu tư như thế nào?
Trước khi có sự xuất hiện của Bitcoin, tiền là một công cụ phát hành bởi ngân hàng trung ương, được mọi người sử dụng và tin tưởng nó như một lẽ đương nhiên, họ sử dụng nó để mua sắm, tiết kiệm và mua các loại tài sản khác nhau.
Nhưng sau sự xuất hiện của Bitcoin, nó khiến mọi người nghĩ nhiều hơn về đồng tiền mà họ đang xài, đặc biệt là với khái niệm Bitcoin là một thứ gì đó khan hiếm, khó tạo ra và có giới hạn tối đa là 21 triệu đồng trên toàn thế giới, nó ngược lại với đồng tiền fiat mà chúng ta thường sử dụng, chúng được phát hành và in ra từ không khí và ngày càng lạm phát theo thời gian. Bitcoin không chỉ mang sự cảm hứng về một công nghệ mới mẻ giúp bạn có thể gửi tiền một cách nhanh hơn, tự do hơn đi khắp thế giới mà nó còn thúc đẩy sự tò mò và lòng hăng say của bạn hứng thú với những kiến thức kinh tế và đầu tư đầy khô khan mà trước đó bạn chẳng hề quan tâm là mấy. Bitcoin tạo nên nhiều thứ văn hoá mới, từ văn hoá crypto, văn hoá meme, văn hoá đầu tư và văn hoá hodl trong cộng đồng những người yêu thích đồng tiền này.
Bitcoin thay đổi cách nhìn nhận về tiền
Có phải là trước khi tiếp cận và đầu tư Bitcoin thì phần lớn chúng ta chỉ nhìn nhận tiền như một thứ có giá trị để mua sắm gì đó, chúng ta đi làm để có tiền, dùng nó để mua sắm cho các chi tiêu cá nhân, tiết kiệm nó cho tương lai và dùng nó để đầu tư vào các tài sản truyền thống.
Sau khi chúng ta tiếp cận và đầu tư Bitcoin, thì quan niệm về tiền của phần lớn các nhà đầu tư dần dần thay đổi, họ dần biết sâu hơn và nhận ra nhiều hơn về thứ được “gọi là tiền”.
Nó vốn dĩ là một tờ giấy chứa vào đó rất nhiều “sự tin tưởng” của cộng đồng người dùng, mà tờ tiền đó sẽ được phát hành bởi một nhà nước, nơi mà đằng sau tờ tiền đó không được bảo chứng bởi vàng, hay bất gì thứ gì có giá trị, và họ có thể tiếp tục và tiếp tục “in ra” những tờ tiền đó, pha loãng nó vào thị trường, khiến cho những đồng tiền mà bạn làm lụng vất vả để có được dần mất giá qua thời gian.
Khi người ta đầu tư vào Bitcoin, họ không chỉ đơn giản mua một loại tài sản mới, mà còn dần khám phá ra những khía cạnh khác về tiền tệ và kinh tế vĩ mô. Bitcoin với đặc tính phi tập trung, không bị kiểm soát bởi nhà nước hay ngân hàng trung ương, và có nguồn cung giới hạn (chỉ 21 triệu Bitcoin), tạo ra sự khan hiếm và giá trị lâu dài. Điều này khiến các nhà đầu tư Bitcoin ngày càng ý thức hơn về sự mất giá của tiền pháp định và lợi ích của việc tích lũy một loại tài sản “không bị pha loãng”.
Điều thú vị là, sau khi đầu tư vào Bitcoin, nhiều người bắt đầu tự động hứng thú và tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề kinh tế, tài chính toàn cầu, và đặc biệt là thị trường crypto. Họ học cách theo dõi các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát, chính sách tiền tệ, và tác động của các ngân hàng trung ương.
Đây là một quá trình học hỏi tự nhiên mà không cần ai đó phải thúc ép, bởi vì sự mê mẩn và tò mò sẽ tự xuất hiện khi họ dấn thân vào thế giới của Bitcoin.
Tự do tài chính và quyền kiểm soát cá nhân
Bitcoin không chỉ là một công cụ đầu tư hay phương tiện thanh toán kỹ thuật số, mà còn là biểu tượng của tự do tài chính và quyền kiểm soát cá nhân.
Trong một thế giới nơi hầu hết các giao dịch tài chính đều phụ thuộc vào ngân hàng hoặc các tổ chức trung gian, Bitcoin mang đến một sự thay đổi mang tính cách mạng: cá nhân có thể tự mình kiểm soát tài sản của họ mà không cần dựa vào bên thứ ba. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người sống trong các nền kinh tế bất ổn, nơi đồng tiền mất giá nhanh chóng hoặc các tổ chức tài chính không đáng tin cậy.
Bitcoin đã làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nhìn nhận về “niềm tin” trong tài chính. Trước đây, chúng ta phải tin tưởng vào các tổ chức tài chính lớn như ngân hàng hay chính phủ để đảm bảo tài sản của mình an toàn. Nhưng với Bitcoin, niềm tin không còn đặt vào những cơ quan trung gian nữa mà chuyển sang cộng đồng và công nghệ blockchain.
Bitcoin đã chuyển đổi niềm tin từ các tổ chức tài chính sang cộng đồng, nơi mọi người đều có quyền kiểm tra và xác nhận giao dịch, không ai có quyền lực kiểm soát. Đây chính là bước tiến lớn trong cách chúng ta tương tác với tài chính, mang lại sự minh bạch và tự do thực sự.
Một trong những lợi ích lớn nhất của Bitcoin là tự do tài chính cho những người sống trong các quốc gia đang gặp khủng hoảng kinh tế. Tại các quốc gia như Venezuela, nơi đồng tiền mất giá trầm trọng do lạm phát, Bitcoin đã trở thành một phương tiện bảo vệ tài sản. Với Bitcoin, người dân có thể lưu trữ giá trị mà không lo tiền mất giá qua đêm, đồng thời tránh được việc tiền của họ bị chính phủ tịch thu hoặc bị khóa tài khoản.
Tại Venezuela, lạm phát đã vượt quá 1,000,000%, khiến đồng bolívar gần như không còn giá trị. Trong hoàn cảnh đó, người dân Venezuela đã tìm đến Bitcoin như một giải pháp để bảo vệ tài sản và duy trì cuộc sống. Họ sử dụng Bitcoin để mua sắm hàng hóa, thanh toán dịch vụ, và thậm chí chuyển tiền quốc tế. Bitcoin cho phép họ vượt qua các hạn chế khắt khe về chuyển đổi tiền tệ và giữ giá trị tài sản trong bối cảnh nền kinh tế sụp đổ.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ tài sản trước lạm phát, Bitcoin còn mang lại tự do tài chính cho những người sống ở các quốc gia bị cấm vận kinh tế hoặc bị kiểm soát chặt chẽ về tài chính.
Lạm phát khắp nơi, nhiều người đổ xô tìm kiếm tài sản để lưu trữ.
Ở một số quốc gia, chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với việc chuyển đổi tiền tệ và giao dịch quốc tế, khiến cho người dân gặp khó khăn khi muốn tiếp cận với tài sản toàn cầu. Bitcoin giúp họ vượt qua những rào cản này. Với tính chất phi tập trung, không bị kiểm soát bởi bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào, Bitcoin cho phép người dân ở những nơi này tiếp cận với một hệ thống tài chính toàn cầu, tự do giao dịch mà không phải lo ngại về kiểm duyệt hay phong tỏa.
Sự thay đổi trong văn hoá đầu tư
Trước khi Bitcoin xuất hiện, việc đầu tư chủ yếu là "sân chơi" của những người có điều kiện kinh tế hoặc sinh sống ở các quốc gia có thị trường tài chính phát triển. Đối với nhiều người ở các quốc gia đang phát triển hoặc thu nhập thấp, việc đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu hay các tài sản truyền thống khác không phải là điều dễ dàng.
Thường thì để đầu tư, bạn cần một số vốn lớn, phải chứng minh được thu nhập và có sự hiểu biết sâu sắc về thị trường tài chính.
Tìm hiểu thêm: Tại sao Bitcoin là cơ hội đầu tư công bằng nhất?
Tuy nhiên, Bitcoin đã thay đổi tất cả những điều đó. Nó mang lại cơ hội đầu tư công bằng hơn, mở ra cánh cửa cho tất cả mọi người từ những người sống ở các thành phố lớn cho đến những vùng nông thôn xa xôi, miễn là bạn có kết nối internet.
Không cần phải có hàng trăm nghìn đô la để mua một căn nhà hay chứng minh thu nhập để mua cổ phiếu, với Bitcoin, bạn có thể bắt đầu chỉ với một số tiền nhỏ, thậm chí vài đô la cũng đủ để đầu tư. Điều này thực sự đã thay đổi cuộc chơi, mang lại hy vọng và cơ hội cho những ai trước đây không thể tiếp cận các kênh đầu tư truyền thống.
Bitcoin không phân biệt bạn là ai, bạn sống ở đâu hay bạn có bao nhiêu tiền. Ai cũng có thể trở thành nhà đầu tư, dù là một người trẻ chỉ mới bắt đầu đi làm, một người lao động ở quốc gia đang phát triển, hay thậm chí là những người không có kiến thức tài chính chuyên sâu. Chính sự dễ tiếp cận và tính bình đẳng này đã khiến Bitcoin trở thành một làn sóng lớn, mở ra cơ hội đầu tư mà trước đây dường như chỉ dành cho một nhóm nhỏ dân số.
Khi một người tìm hiểu và hiểu được giá trị thực sự của Bitcoin, không chỉ ở khía cạnh đầu tư mà còn ở khía cạnh tài chính và kinh tế, họ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến những khái niệm như lãi suất, lạm phát, và đặc biệt là bản chất của tiền bạc.
Trước khi biết đến Bitcoin, nhiều người có thể không thật sự quan tâm đến kinh tế hay tài chính cá nhân, nhưng khi hiểu rằng Bitcoin là một loại tiền tệ độc lập, không bị lạm phát bởi các chính sách tiền tệ của chính phủ, họ trở nên tò mò và hứng thú hơn về cách mà hệ thống tài chính truyền thống hoạt động.
Họ bắt đầu đặt câu hỏi về giá trị của đồng tiền mà họ sử dụng hàng ngày, nhận ra rằng đồng tiền pháp định (fiat) mà họ vẫn tin tưởng có thể mất giá nhanh chóng qua thời gian do lạm phát, còn Bitcoin thì ngược lại, có nguồn cung giới hạn và không thể bị lạm phát.
Những người mới tham gia vào thị trường Bitcoin thường có xu hướng làm việc nhiều hơn và tiết kiệm nhiều hơn. Họ muốn tích lũy càng nhiều Bitcoin càng tốt, vì họ tin tưởng rằng giá trị của Bitcoin sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Đây là một hiện tượng rất thú vị, khi Bitcoin không chỉ đơn thuần là một tài sản đầu tư mà còn là một nguồn động lực mạnh mẽ để thúc đẩy những thay đổi tích cực trong lối sống của người dùng.
Khi người trẻ lần đầu tiếp cận với Bitcoin, họ thường bắt đầu bằng một khoản đầu tư nhỏ. Đó có thể là vài trăm nghìn đồng hay một ít tiền tiết kiệm, chỉ để "thử" xem thị trường này hoạt động như thế nào. Nhưng điều đặc biệt của thị trường crypto, và Bitcoin nói riêng, là nó có một sức hút kỳ lạ. Một khi đã bước chân vào, nhiều người trẻ cảm thấy bị cuốn hút bởi tiềm năng mà thị trường này mang lại. Họ không chỉ đơn giản là đầu tư rồi để đó, mà còn liên tục tìm kiếm cơ hội để đầu tư thêm.
Crypto - Sức hút kỳ lạ.
Bitcoin không giống như các thị trường tài chính truyền thống mà người ta dễ dàng bỏ qua. Thay vào đó, nó khơi dậy sự tò mò và thúc đẩy người trẻ dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về thị trường, về các khái niệm kinh tế vĩ mô mà trước đây họ có thể không quan tâm. Họ bắt đầu đọc về lạm phát, về sự khan hiếm tài sản và chính sách tiền tệ, những kiến thức mà họ chưa từng nghĩ tới trước khi tham gia vào thị trường crypto. Chính vì những kiến thức này mà nhiều người trẻ dần hiểu rõ hơn về cách thức mà tiền tệ và tài chính thực sự vận hành.
Người trẻ không chỉ muốn dừng lại ở việc đầu tư ban đầu mà còn cảm thấy khao khát tạo ra thêm nguồn thu nhập để có thể đầu tư nhiều hơn. Họ bắt đầu làm thêm công việc, tiết kiệm nhiều hơn và dành thời gian để học hỏi về các dự án crypto tiềm năng.
Bitcoin không chỉ là một tài sản, nó còn mang lại cho người ta một cái nhìn mới về cách quản lý tài chính cá nhân, và từ đó thúc đẩy họ làm việc chăm chỉ hơn, tiết kiệm khôn ngoan hơn và tích lũy tài sản một cách dài hạn.
Tìm hiểu thêm: Phương pháp DCA: Bí quyết đầu tư crypto cho người không có nhiều thời gian
Văn hoá cộng đồng
Với góc nhìn của người ngoài cuộc thì quả thật cộng đồng crypto thật sự là một nhóm người ồn ào, náo nhiệt, lộn xộn, háo thắng, vui nhộn và khác biệt hoàn toàn với các cộng đồng khác trong thế giới đầu tư.
Meme được xem là một thứ văn hoá không thể thiếu trong cộng đồng crypto, người ta dùng meme để chọc quê ai đó khi thua lỗ, và dùng meme để nhằm tôn vinh bản thân họ có lời khi đầu tư vào thị trường này, người ta đầu tư vào meme coin với hy vọng đổi đời nhanh chóng cũng như tạo không khí vui vẻ giải trí.
Một trong những meme nổi tiếng nhất là "HODL" bắt nguồn từ một lỗi chính tả khi ai đó cố gắng viết "hold" (giữ) nhưng lại viết sai thành "hodl". Kể từ đó, "HODL" trở thành biểu tượng cho việc giữ Bitcoin hoặc crypto dài hạn, bất chấp sự biến động mạnh của thị trường. Mỗi khi giá crypto giảm mạnh, cụm từ "HODL" lại xuất hiện khắp nơi, như một lời nhắc nhở rằng: "Đừng hoảng loạn, hãy tin tưởng vào tương lai dài hạn".
Mạng xã hội X (trước đó là Twitter) là nơi cộng đồng crypto hoạt động mạnh nhất, nơi những người nổi tiếng, các nhà đầu tư, và cả những người mới đều giao lưu, trao đổi thông tin, và tất nhiên là chia sẻ meme.
Văn hóa meme và sự ồn ào của cộng đồng crypto trên Twitter không chỉ là một phần giải trí, mà còn là cách để kết nối và tạo nên sức mạnh đoàn kết giữa những người tin tưởng vào tương lai của blockchain và crypto. Chính những yếu tố này đã làm cho cộng đồng crypto trở nên khác biệt và hấp dẫn hơn rất nhiều so với các thị trường tài chính truyền thống, mang lại một màu sắc rất riêng và đầy năng lượng.
Kết Luận
Bitcoin không chỉ đơn thuần là một loại tài sản kỹ thuật số, nó còn là một biểu tượng cho sự thay đổi về cách chúng ta nhìn nhận tài chính, quyền tự do, và cách tiếp cận tài sản toàn cầu. Với sự phát triển của cộng đồng và văn hóa xung quanh nó, Bitcoin đã thực sự khắc sâu dấu ấn của mình vào văn hóa đương đại.
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital