Bí quyết đa dạng hóa trong đầu tư crypto một cách hiệu quả
Mục tiêu của bài viết này là giúp bạn hiểu rõ hơn về cách đa dạng hóa danh mục đầu tư trong thị trường crypto, cũng như giải thích sự khác biệt của việc đa dạng hóa trong thị trường này so với các thị trường truyền thống.
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các chiến lược đa dạng hóa hiệu quả, các sai lầm thường gặp khi đa dạng hóa, và những lưu ý quan trọng để giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận.
Thực hiện đa dạng hóa đúng cách không chỉ giúp bạn giảm thiểu rủi ro mà còn tận dụng được tiềm năng tăng trưởng của nhiều đồng coin khác nhau. Đặc biệt, trong một thị trường biến động như crypto, việc đa dạng hóa sẽ là một chiến lược cần thiết để bảo vệ tài sản và đạt được các mục tiêu đầu tư dài hạn.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư crypto là gì?
Đa dạng hóa danh mục đầu tư crypto là việc đầu tư vào nhiều loại crypto khác nhau thay vì chỉ đầu tư vào một đồng duy nhất.
Điều này giúp giảm rủi ro và bảo vệ khoản đầu tư của bạn, vì nếu một đồng tiền giảm giá, các đồng khác có thể tăng giá hoặc ít bị ảnh hưởng hơn.
Nói cách khác, đa dạng hóa là cách bạn không "đặt tất cả trứng vào một giỏ," giúp tăng cơ hội lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro do biến động thị trường.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư không phải là một khái niệm mới, đó là nguyên tắc cơ bản của đầu tư, và nó đã tồn tại trước khi thị trường crypto xuất hiện.
Phạm vi đa dạng hóa danh mục đầu tư crypto hẹp hơn so với phạm vi đa dạng hóa danh mục đầu tư nói chung, vì trong thế giới đầu tư có rất nhiều loại tài sản khác nhau.
Các nhà đầu tư tổ chức có thể đa dạng hoá nhiều thị trường như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, vàng và crypto.
Nhưng với chủ đề bài viết ngày hôm nay chúng ta chỉ tập trung 100% vào đa dạng hóa trong lĩnh vực crypto. Điều đó cũng có nghĩa là phần lớn số tiền của bạn sẽ được đầu tư trong thị trường này.
Đa dạng hoá có quan trọng không?
Các nhà đầu tư crypto nên tự hỏi bản thân mình, tại sao không đầu tư 100% vào Bitcoin?
Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta hãy chứng minh thực tế nhé.
Hãy cùng xem xét bốn danh mục đầu tư crypto giả định kể từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2024:
- Chỉ đầu tư Bitcoin
- Chỉ đầu tư Ethereum
- Đầu tư phân bổ đều giữa Bitcoin và Ethereum
- Đầu tư vào top 10 (không bao gồm stablecoin)
Nguồn: Coindesk
Cột cuối cùng bên phải là Sharpe Ratio (tỷ lệ Sharpe), một chỉ số đo lường hiệu suất đầu tư sau khi đã điều chỉnh rủi ro. Nó giúp nhà đầu tư hiểu được mức lợi nhuận họ nhận được so với mức độ rủi ro mà họ phải chấp nhận. Tỷ lệ Sharpe càng cao, hiệu suất đầu tư sau khi điều chỉnh rủi ro càng tốt.
Danh mục chỉ đầu tư 100% vào Bitcoin hoặc chỉ đầu tư 100% vào Ethereum đã mang lại lợi nhuận hàng năm tương tự nhau, khoảng ~30%.
Nhưng Ethereum lại có mức biến động cao hơn, dẫn đến hiệu suất điều chỉnh theo rủi ro kém hơn so với Bitcoin.
Khi đầu tư vào cả Bitcoin và Ethereum thì rủi ro có tăng nhẹ nhưng lợi nhuận cũng tăng theo. Dẫn đến hiệu suất điều chỉnh theo rủi ro tốt hơn.
Nhưng khi đầu tư vào top 10 đồng coins thì tỷ lệ Sharpe Ratio thể hiện tốt nhất. Có thấy hiệu quả đầu tư được cải thiện đáng kể so với chỉ đầu tư vào 100% Bitcoin hoặc 100% Ethereum.
Kết luận: đa dạng hóa là quan trọng đối với việc đầu tư vào thị trường crypto.
Mặc dù lịch sử của thị trường crypto ngắn ngủi và đầy biến động, nhưng bằng chứng gần đây cho thấy một điều mà các thị trường truyền thống đã nhiều lần chứng minh. Chỉ sở hữu một tài sản duy nhất sẽ mang lại “lợi nhuận kém hơn” khi so với việc đầu tư vào một danh mục đa dạng các tài sản, ngay cả khi đã tính đến yếu tố rủi ro.
Đa dạng hoá có giúp giảm thiểu rủi ro trong crypto?
Trong thị trường chứng khoán cũng có tính tương quan cao giữa các cổ phiếu, đặc biệt khi có sự sụt giảm mạnh trong các công ty lớn hoặc các sự kiện kinh tế lớn ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường.
Tuy nhiên, mức độ tương quan và cách thức quản lý rủi ro có thể khác biệt so với thị trường crypto. Hãy cùng so sánh chi tiết hơn:
Tương quan trong thị trường chứng khoán
Tính tương quan cao
Trong những giai đoạn suy thoái kinh tế hoặc các sự kiện tài chính lớn, hầu hết các cổ phiếu, kể cả từ các ngành khác nhau, có thể đồng loạt giảm giá.
Ví dụ: Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến hầu hết các cổ phiếu, bất kể ngành nghề, đều giảm mạnh.
Khả năng giảm rủi ro qua đa dạng hoá
Dù có tính tương quan cao trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, các cổ phiếu từ các ngành khác nhau có xu hướng không tương quan hoàn toàn với nhau. Điều này giúp đa dạng hóa có thể giảm rủi ro tổng thể.
Ví dụ: Đầu tư vào cổ phiếu công nghệ, y tế, và tiêu dùng có thể giảm thiểu rủi ro vì các ngành này không bị ảnh hưởng giống nhau bởi các yếu tố kinh tế.
Tính tương quan cao trong ngắn hạn nhưng khả năng giảm rủi ro qua đa dạng hóa trong dài hạn vẫn hiệu quả.
Đa dạng hóa giúp bảo vệ danh mục đầu tư khỏi những biến động lớn của một ngành cụ thể.
Tương quan trong thị trường crypto
Tính tương quan cao hơn
Thị trường crypto thường có tính tương quan cao hơn do sự phụ thuộc lớn vào Bitcoin. Khi Bitcoin giảm giá, hầu hết các altcoin cũng giảm theo.
Ví dụ: Khi có tin tức tiêu cực về Bitcoin, toàn bộ thị trường crypto thường chịu ảnh hưởng lớn.
Xem thêm: Hiểu về sự ảnh hưởng của Bitcoin đến toàn bộ thị trường Crypto
Khả năng giảm rủi ro qua đa dạng hóa hạn chế
Đa dạng hóa trong crypto giúp tăng lợi nhuận nhưng không giảm thiểu rủi ro hiệu quả như trong thị trường chứng khoán do tính tương quan cao và sự phụ thuộc vào Bitcoin.
Ví dụ: Khi Bitcoin giảm mạnh, các altcoin thường cũng giảm theo và giảm nhiều hơn.
Tính tương quan cao hơn và sự phụ thuộc vào Bitcoin khiến việc giảm thiểu rủi ro qua đa dạng hóa không hiệu quả như trong thị trường chứng khoán.
Đa dạng hóa trong crypto chủ yếu giúp tăng lợi nhuận nhưng không đảm bảo giảm rủi ro rõ ràng.
Cách đa dạng hóa đúng và hiệu quả
Phân bổ vốn hợp lý giữa Bitcoin và Altcoin
Bitcoin được coi là “vàng kỹ thuật số” và là nền tảng ổn định nhất trong thị trường crypto. Việc giữ một phần vốn đầu tư vào Bitcoin giúp bạn có một tài sản an toàn, có tính thanh khoản cao và ít biến động hơn so với nhiều altcoin. Điều này giúp “bảo vệ danh mục đầu tư” của bạn trước những biến động mạnh của thị trường.
Nhiều người thường bước vào “chiến trường” đầu tư mà đặc biệt là người mới với tâm thế chiến đấu và chiến đấu. Họ thường tập trung 100% cho tấn công và quên mất là họ cần một đội phòng thủ kiên cố và vững chắc.
Họ thường đầu tư vào rất nhiều đồng altcoin khác nhau và đặc biệt là các đồng coin với biệt danh “hidden gem” trong thị trường tăng giá mà thờ ơ với Bitcoin vì thường nghĩ rằng Bitcoin chỉ là một đồng coin ổn định với mức tăng trưởng không đáng là bao nhiêu so với các “hidden gem” của họ.
Nhưng họ quên rằng khi thị trường trở chiều. Thì Bitcoin là lá chắn phòng thủ vững chắc chống lại sóng gió.
Nên nhớ, bạn không thể chiến thắng trận chiến với chỉ đội hình chỉ 100% tấn công.
Ví dụ, giả sử bạn có 100 triệu đồng để đầu tư vào crypto. Bạn có thể giữ 50% số vốn, tức là 50 triệu đồng, vào Bitcoin. Điều này đảm bảo rằng một phần lớn tài sản của bạn được bảo vệ bởi sự ổn định và thanh khoản của Bitcoin. Khi thị trường biến động, giá trị Bitcoin có thể giữ vững hoặc ít biến động hơn so với nhiều altcoin khác.
Phân bổ phần còn lại vào các Altcoin tiềm năng
Phần còn lại của số vốn nên được phân bổ vào các altcoin tiềm năng để “tối ưu hóa lợi nhuận”. Các altcoin thường có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong ngắn hạn, nhưng cũng đi kèm với rủi ro cao hơn. Bạn cần lựa chọn các dự án có tiềm năng, đội ngũ phát triển mạnh và ứng dụng thực tế.
Nếu bạn không biết đầu tư vào altcoin nào hoặc không có quá nhiều thời gian để tìm hiểu thì có thể đầu tư theo top 10 hoặc top 20 các đồng coins có vốn hoá lớn nhất trên thị trường. Và phân bổ vốn theo phần trăm vốn hoá của từng coin.
Đây là cách đầu tư mà bạn có thể bắt được cả bước đi của toàn thị trường, khi thị trường tiến lên, thì chắc chắn bạn sẽ không bị bỏ lỡ lại phía sau. Như con thuỷ triều dâng lên thì chiếc thuyền của bạn sẽ được nâng lên.
Đánh giá rủi ro và cơ hội
Mỗi đồng coin đều đi kèm với rủi ro và cơ hội riêng. Bạn cần đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo rằng mình đang đầu tư vào các dự án có tiềm năng tăng trưởng cao và rủi ro được kiểm soát. Điều này bao gồm việc theo dõi các thông tin thị trường, xu hướng công nghệ và các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị đồng coin.
Bạn không thể đầu tư phần lớn số vốn bạn có vào nhiều đồng coin có vốn hoá nhỏ hoặc rất nhỏ, vì rủi ro bạn nhận lại quá lớn so với cơ hội tiềm năng mà bạn có được. Hãy phân bổ thông minh và cân bằng rủi ro và cơ hội.
Cân bằng danh mục qua các quý
Bạn có thể cân bằng danh mục theo diễn biến trên thị trường và vốn hoá của từng đồng coin trên bảng xếp hạng.
Bạn có thể bán các đồng coin tăng quá nhiều và mua thêm các đồng coin cần mua. Mục đích cho việc này là giảm rủi ro cho danh mục của bạn. Và khiến danh mục của bạn đi theo xu hướng của thị trường.
Đa dạng hóa trong thị trường crypto là một chiến lược cần thiết để bảo vệ tài sản và tối ưu hóa lợi nhuận. Bằng cách phân bổ vốn hợp lý giữa Bitcoin và altcoin, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đầu tư và theo dõi, điều chỉnh danh mục đầu tư thường xuyên, bạn có thể đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn và giảm thiểu rủi ro.
Những sai lầm phổ biến khi đa dạng hoá
Đầu tư tất cả vào một đồng altcoin duy nhất
Một trong những sai lầm lớn nhất mà nhiều nhà đầu tư mới gặp phải là đặt tất cả vốn vào một đồng altcoin duy nhất mà không có sự bảo vệ từ Bitcoin.
Khi toàn bộ số tiền đầu tư của bạn chỉ phụ thuộc vào một altcoin duy nhất, rủi ro sẽ tăng lên đáng kể. Altcoin thường có biến động giá mạnh hơn Bitcoin và trong dài hạn nó cũng rất dễ biến mất khỏi thị trường hoặc giá của chúng sẽ không bao giờ có thể trở lại ATH, và nếu đồng coin đó giảm giá mạnh và không trở lại mức giá mà bạn đã từng mua, bạn có thể mất một phần lớn hoặc toàn bộ số tiền đầu tư.
Mua quá nhiều đồng coin, đa dạng hoá quá mức
Khi bạn đầu tư vào một danh mục gồm nhiều đồng crypto khác nhau, việc này giúp tăng cơ hội để có lợi nhuận hơn so với việc chỉ đầu tư vào một đồng coin duy nhất.
Tuy nhiên, sau một mức độ đa dạng hoá nhất định (chẳng hạn 20 đồng coins), việc thêm nhiều đồng coin hơn nữa sẽ không mang lại lợi ích giảm rủi ro đáng kể. Ngược lại, lợi nhuận kỳ vọng của mỗi đồng coin cũng giảm do số vốn phải chia nhỏ ra.
Tìm hiểu thêm: Tại sao đầu tư vào quá nhiều đồng coins lại không hiệu quả?
Không điều chỉnh danh mục đầu tư theo thời gian
Thường thì khi đa dạng hoá, nhà đầu tư sẽ đa dạng hóa theo vốn hoá của thị trường, top 10 hoặc top 20 đồng coins. Và số tiền đầu tư vào từng đồng coin sẽ phản ánh vốn hoá của đồng coin đó, ví dụ BTC chiếm 50% vốn hoá thị trường thì đầu tư 50% vốn của bạn vào BTC. Nhưng ngoài BTC ổn định ở ví top 1 ra thì các altcoin thường rất biến động ở các vị trí phía dưới.
Theo thời gian bạn cần điều chỉnh danh mục, có nghĩa là mua và bán các đồng coin theo vị trí của chúng trên bảng xếp hạng top 10, top 20 và theo phần trăm giá trị vốn hoá thị trường của chúng.
Không lưu trữ coin một cách an toàn
Khi đầu tư vào nhiều đồng coin cùng một lúc, việc di chuyển tất cả các đồng coin này vào ví lạnh cần của bạn một chút thời gian và công sức, nên một số người thường không thích làm việc này vì họ nghĩ rằng để chúng trên sàn giao dịch sẽ tiện và nhanh hơn cho việc mua bán và lưu trữ.
Để coin trên các sàn giao dịch thay vì ví lạnh có thể dẫn đến rủi ro bị hack hoặc mất mát khi sàn giao dịch gặp sự cố.
Kết luận
Qua bài viết này, hy vọng sẽ cung cấp cho bạn một vài thông tin hữu ích về việc đa dạng hóa hiệu quả trong thị trường crypto. Giúp bạn có thể tận dụng được lợi nhuận tiềm năng của các altcoin trong khi có được sự ổn định và vững chắc của Bitcoin trong danh mục đầu tư. Và cũng nêu rõ rằng việc đa dạng hoá quá mức hay mua rất nhiều đồng coin khác nhau sẽ không hiệu quả.
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital