Bí mật của nợ công: Tại sao các quốc gia đều dựa vào nợ?
Khi chi phí sinh hoạt của bạn cao hơn thu nhập, thì nó tạo nên một khoảng thâm hụt, bạn cần phải mượn tiền của một ai đó để lấp vào khoảng trống thâm hụt đó, thâm hụt càng lớn thì khoảng nợ bạn mượn phải càng cao, và kèm theo khoảng nợ đó thì bạn cần phải trả lại chủ nợ một khoảng lãi suất nhất định qua năm tháng.
Điều này cũng đúng với các chủ thể lớn hơn như công ty, tổ chức và cả các quốc gia, khi nguồn thu của quốc gia không đủ cho những chi phí mà quốc gia đó sử dụng. Thì nợ được sinh ra và chúng ta gọi đó là nợ công. Nhưng nợ của một quốc gia khác gì nợ của cá nhân và làm cách nào các quốc gia có thể trả các khoản nợ của mình? Chúng ta sẽ khám phá các chủ đề này trong bài viết ngày hôm nay.
Nợ công là gì?
Nợ quốc gia, hay còn gọi là nợ công, là tổng số tiền mà chính phủ của một quốc gia vay mượn từ các nguồn khác nhau để tài trợ cho các hoạt động chi tiêu của mình.
Điều này bao gồm các khoản vay từ các nhà đầu tư trong nước, các tổ chức quốc tế, hoặc thậm chí từ các quốc gia khác. Nợ công thường được huy động thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ hoặc các khoản vay trực tiếp.
Ví dụ, khi một quốc gia cần xây dựng một cây cầu lớn nhưng không có đủ tiền ngay lập tức, chính phủ có thể phát hành trái phiếu để vay tiền từ các nhà đầu tư. Sau đó, chính phủ cam kết sẽ trả lại số tiền này cộng với lãi suất trong tương lai.
Nợ quốc gia có thể được chia thành hai loại chính: nợ trong nước và nợ nước ngoài.
Nợ trong nước: Đây là các khoản nợ mà chính phủ vay từ các nhà đầu tư, tổ chức tài chính, hoặc cá nhân trong nước. Ví dụ, nếu bạn mua trái phiếu do chính phủ phát hành, bạn đang cho chính phủ vay tiền và số tiền đó được coi là nợ trong nước.
Nợ nước ngoài: Đây là các khoản nợ mà chính phủ vay từ các nguồn tài chính bên ngoài quốc gia, chẳng hạn như các tổ chức quốc tế (IMF, World Bank) hoặc các quốc gia khác.
Nợ công đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các dự án công, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn thu từ thuế không đủ để đáp ứng tất cả các nhu cầu chi tiêu của chính phủ. Chính phủ có thể vay tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển y tế, giáo dục, hoặc thậm chí để ứng phó với các tình huống khẩn cấp như thiên tai hoặc khủng hoảng kinh tế.
Trong đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã phải vay nợ để tài trợ cho các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đồng thời đầu tư vào hệ thống y tế để kiểm soát dịch bệnh.
Ngoài việc tài trợ cho các dự án công, nợ công còn được sử dụng như một công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi chính phủ vay tiền và đầu tư vào các dự án phát triển, điều này có thể tạo ra việc làm, thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư, từ đó giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn.
Viện Tài chính Quốc tế cho biết nợ toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 307 nghìn tỷ đô la vào năm 2023.
Nợ công Hoa Kỳ 🇺🇸 vượt qua mức 35 nghìn tỷ USD.
— ThuanCapital.eth (@ThuanCapital) July 29, 2024
Fed không sớm cắt giảm lãi suất thì tiền lãi phải trả sẽ rất cao. pic.twitter.com/hGSnkQQHUq
Tính đến ngày 3 tháng 6 năm 2024, nợ của chính phủ Hoa Kỳ là 35,17 nghìn tỷ đô la, là tổng số tiền vay chưa thanh toán của Chính phủ liên bang Hoa Kỳ được tích lũy trong suốt lịch sử của quốc gia.
Số nợ này tăng theo giá trị danh nghĩa và so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ với tỷ lệ nợ trên GDP là 121,62% tính đến quý 4 năm 2023. Thật dễ hiểu tại sao vấn đề này lại thu hút sự chú ý của các nhà kinh tế, những người tham gia thị trường tài chính và những người chỉ trích các chính sách của chính phủ.
Lịch sử và xu hướng nợ công
Khởi đầu của nợ công hiện đại
Thế kỷ 17 tại Anh: Nợ công hiện đại bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ 17 tại Anh với việc thành lập Ngân hàng Anh Quốc (Bank of England) vào năm 1694.
Ngân hàng này được thành lập nhằm mục đích tài trợ cho các hoạt động chiến tranh của Anh chống lại Pháp. Chính phủ Anh vay tiền từ các nhà đầu tư tư nhân và cam kết trả lãi, đánh dấu sự ra đời của hệ thống trái phiếu chính phủ hiện đại. Đây là cách mà các chính phủ bắt đầu huy động vốn từ thị trường tài chính, tạo tiền đề cho hệ thống tài chính công ngày nay.
Nợ công trong lịch sử Hoa Kỳ
Thế kỷ 18 và 19: Từ khi Hoa Kỳ thành lập, nợ công đã là một phần quan trọng trong tài chính quốc gia. Sau Chiến tranh Cách mạng, Hoa Kỳ đối mặt với khoản nợ hơn 75 triệu đô la vào năm 1791.
Nợ này tiếp tục tăng trong nhiều năm và đạt đỉnh vào năm 1835 nhờ việc bán đất liên bang và cắt giảm ngân sách. Tuy nhiên, sau đó, một cuộc suy thoái đã khiến nợ tăng trở lại. Trong Nội chiến Hoa Kỳ, nợ công tăng hơn 4.000%, từ 65 triệu đô la năm 1860 lên gần 3 tỷ đô la sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1865. Đến Thế chiến thứ nhất, nợ công của Hoa Kỳ đã tăng lên khoảng 22 tỷ đô la.
Thế kỷ 20: Nợ công Hoa Kỳ tiếp tục tăng khi quốc gia này tham gia vào các cuộc xung đột toàn cầu như Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Lạnh, đồng thời mở rộng các chương trình phúc lợi xã hội như An sinh Xã hội và Medicare. Chiến tranh Việt Nam và các chương trình xã hội trong những năm 1960 và 1970 cũng đã đóng góp đáng kể vào sự gia tăng nợ công.
Xu hướng nợ công gần đây
Các cuộc khủng hoảng hiện đại: Những sự kiện như Chiến tranh Afghanistan và Iraq, Đại suy thoái năm 2008, và đại dịch COVID-19 đã khiến nợ công tăng mạnh. Từ năm tài chính 2019 đến 2021, chi tiêu liên bang của Hoa Kỳ tăng khoảng 50%, chủ yếu là do đại dịch COVID-19, với việc chính phủ chi tiêu mạnh tay vào các gói cứu trợ kinh tế và y tế.
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Chúng tôi chưa từng thấy nợ công lớn như thế này kể từ thời chiến tranh Napoléon. Các chính phủ cần xem xét cách để giảm bớt nợ và áp dụng các biện pháp tài chính phù hợp mà không dẫn đến tình trạng khởi đầu một… pic.twitter.com/jIwPtFETGZ
— ThuanCapital.eth (@ThuanCapital) April 28, 2024
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008: Sau khủng hoảng này, nhiều quốc gia đã phải vay mượn rất nhiều để cứu trợ hệ thống tài chính và kích thích kinh tế. Đây cũng là giai đoạn nhiều quốc gia bắt đầu phụ thuộc nặng nề hơn vào nợ công như một “công cụ tài chính” chính.
Xu hướng tăng trưởng nợ công toàn cầu
Tăng trưởng nợ công toàn cầu: Dự báo cho thấy nợ công sẽ “tiếp tục tăng” trong tương lai do các yếu tố như chi tiêu phục hồi kinh tế sau COVID-19, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đối phó với biến đổi khí hậu, và sự gia tăng chi phí phúc lợi xã hội trong bối cảnh dân số già hóa. Việc tăng lãi suất toàn cầu cũng có thể làm tăng chi phí vay nợ, gây áp lực lên các quốc gia có nợ công cao.
Tính đến tháng 7 năm 2024, chính phủ Hoa Kỳ dự kiến sẽ chi khoản 870 tỷ USD cho các khoản lãi suất của nợ quốc gia.
🔥 Lãi suất hàng năm phải trả cho nợ công Hoa Kỳ 🇺🇸 hiện đã vượt quá 1 nghìn tỷ USD và dự kiến sẽ vượt qua mốc 3 nghìn tỷ USD vào quý 4 năm 2030 👀
— ThuanCapital.eth (@ThuanCapital) January 26, 2024
- Máy in 🖨️ sẽ cần phải tiếp tục chạy
- FED sẽ cần phải giảm lãi suất
- Trung Quốc và các quốc gia… pic.twitter.com/QYWlX478Lu
Đối với một cá nhân thì hạn mức vay nợ của họ cũng sẽ có giới hạn, bạn không thể nào có thể vay nợ ngày càng nhiều và mãi mãi. Với các chính phủ thì điều đó cũng tương tự. Khi nợ chạm giới hạn mức thì chúng ta gọi nó là "nợ trần" (debt ceiling), đây là mức giới hạn tối đa mà chính phủ được phép vay để thanh toán các chi phí và nợ hiện có. Nó là mức trần mà chính phủ không thể mượn nợ thêm được nữa.
Vậy có nghĩa là chính phủ sẽ không mượn nợ được nữa và sẽ phá sản trong tương lai gần? Không hẳn như thế thì chính phủ có quyền năng khác với các cá nhân là họ có thể tăng mức nợ trần của chính họ.
Khi thời hạn tăng trần nợ đến gần và Quốc hội chưa đạt được thỏa thuận, truyền thông thường đưa tin về nguy cơ Hoa Kỳ có thể vỡ nợ. Điều này tạo ra sự lo lắng không chỉ trong nước mà còn trên các thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, hầu hết các lần trước đây, Quốc hội Hoa Kỳ cuối cùng đã đạt được thỏa thuận để tăng trần nợ, cho phép chính phủ tiếp tục vay tiền và tránh tình trạng vỡ nợ.
Bây giờ thì chuyện nợ trần đã qua, Bộ Tài Chính 🇺🇸 sẽ bán hơn 1 nghìn tỷ trái phiếu, bắt đầu với $170 triệu tuần này, cũng đồng nghĩa là 1 dòng tiền từ thị trường sẽ qua công trái phiếu, thay vì qua stock & crypto. Tuỳ theo là phần tiền đó là bao nhiêu, có… pic.twitter.com/2LP4vjt4KM
— ThuanCapital.eth (@ThuanCapital) June 5, 2023
Việc tăng nợ trần không có nghĩa là chính phủ tăng chi tiêu mới mà đơn giản là cho phép chính phủ thanh toán các chi phí và nợ đã được phê duyệt trước đó. Tuy nhiên, quá trình đàm phán và thông qua việc tăng trần nợ thường gây ra nhiều tranh cãi chính trị, vì nó liên quan đến các vấn đề về quản lý tài chính và trách nhiệm ngân sách.
Tóm lại, mỗi khi Hoa Kỳ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, Quốc hội thường giải quyết vấn đề bằng cách tăng nợ trần, nhờ đó chính phủ có thể tiếp tục hoạt động mà không bị gián đoạn.
Vì Hoa Kỳ chưa bao giờ vỡ nợ nên phạm vi tác động tiêu cực liên quan đến việc vỡ nợ vẫn chưa được biết rõ nhưng có thể sẽ gây ra hậu quả thảm khốc ở Hoa Kỳ và các thị trường trên toàn cầu
Lý do tại sao nợ công ngày càng tăng ở các quốc gia?
Khủng hoảng kinh tế và tài chính
Các cuộc khủng hoảng như khủng hoảng tài chính 2008 và đại dịch COVID-19 buộc chính phủ phải vay nợ nhiều hơn để hỗ trợ kinh tế, người dân, và doanh nghiệp.
Chi tiêu chính phủ tăng cao
Chi phí cho y tế, giáo dục, an sinh xã hội, và cơ sở hạ tầng tăng cao trong khi thu nhập từ thuế không đủ đáp ứng, dẫn đến tăng vay nợ.
Chính sách tiền tệ nới lỏng
Lãi suất thấp từ các ngân hàng trung ương khiến việc vay nợ trở nên rẻ hơn, khuyến khích chính phủ vay thêm để phát triển kinh tế.
Chiến lược kích thích kinh tế
Các chương trình đầu tư công và phát triển cơ sở hạ tầng yêu cầu chính phủ tăng cường vay nợ.
Áp lực chính trị và xã hội
Các yêu cầu về phúc lợi xã hội và an ninh từ người dân khiến chính phủ không thể cắt giảm chi tiêu, buộc phải vay nợ nhiều hơn.
Phó Tổng thống 🇺🇸 Kamala Harris công bố kế hoạch:
— ThuanCapital.eth (@ThuanCapital) August 16, 2024
- Trợ cấp $25,000 cho người mua nhà lần đầu
- Giảm thuế $6,000 cho mỗi trẻ em trong năm đầu đời
- Xóa bỏ hàng tỷ đô la nợ y tế và nợ sinh viên cho hàng triệu người Mỹ.
Bạn có nghe thấy gì không 👂...… pic.twitter.com/sA1owD9g2h
Với các chiến lược tranh cử của các ứng viên tổng thống cùng những lời hứa hẹn về chính sách để thu hút thêm số phiếu cho các kỳ bầu cử, thì việc chi tiêu của chính phủ dường như chỉ có một con đường duy nhất là tiến thẳng về phía trước. Nên việc xu hướng của nợ công tăng cao trong tương lai là một điều tất yếu.
Các hình thức vay nợ của quốc gia
Khi một quốc gia cần tài trợ cho các hoạt động chi tiêu hoặc đầu tư công, nhưng không đủ nguồn thu từ thuế hoặc các nguồn thu khác, chính phủ thường phải tìm đến các hình thức vay nợ. Dưới đây là các phương pháp phổ biến mà các quốc gia sử dụng để vay nợ:
Phát hành trái phiếu nội địa
Đây một trong những cách phổ biến nhất để chính phủ huy động vốn từ các nhà đầu tư trong nước. Khi chính phủ phát hành trái phiếu, họ cam kết sẽ trả lại số tiền gốc cùng với lãi suất cho người mua trái phiếu trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này giúp chính phủ có được nguồn tài chính cần thiết để thực hiện các dự án mà không cần phải tăng thuế ngay lập tức.
Trái phiếu quốc tế
Trái phiếu quốc tế là các trái phiếu được phát hành cho các nhà đầu tư nước ngoài, thường bằng ngoại tệ (như USD hoặc Euro). Đây là cách để chính phủ huy động vốn từ thị trường quốc tế, đặc biệt khi cần một lượng tiền lớn hoặc muốn đa dạng hóa nguồn vốn.
Chính phủ Argentina đã từng phát hành trái phiếu quốc tế để huy động vốn từ thị trường tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt, việc phát hành trái phiếu quốc tế có thể dẫn đến các vấn đề về nợ công khi không thể trả nợ đúng hạn, như đã từng xảy ra với cuộc khủng hoảng nợ của Argentina vào đầu những năm 2000.
Vay từ các tổ chức quốc tế
Quỹ tiền quốc tế (IMF)
IMF thường cho các quốc gia vay nợ để ổn định nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng hoặc để tài trợ cho các chương trình cải cách kinh tế. Các khoản vay từ IMF thường đi kèm với những điều kiện về chính sách, yêu cầu quốc gia vay phải thực hiện các biện pháp thắt chặt tài chính hoặc cải cách kinh tế.
Infobae: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) yêu cầu El Salvador 🇸🇻 thay đổi luật Bitcoin nếu muốn đàm phán để vay 1,4 tỷ đô la.
— ThuanCapital.eth (@ThuanCapital) April 12, 2024
El Salvador đã tạo nên lịch sử vào năm 2021 khi chấp nhận Bitcoin làm tiền tệ hợp pháp, dự trữ Bitcoin, tiến hành dự án trái phiếu… pic.twitter.com/Mw5XU3qsbl
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990, nhiều quốc gia như Hàn Quốc và Indonesia đã phải vay nợ từ IMF để ổn định nền kinh tế và tránh sụp đổ tài chính.
Ngân Hàng Thế Giới (World Bank)
Ngân hàng Thế giới cung cấp các khoản vay dài hạn cho các quốc gia để tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, và các lĩnh vực khác nhằm cải thiện đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Ấn Độ đã nhận nhiều khoản vay từ Ngân hàng Thế giới để xây dựng cơ sở hạ tầng và cải thiện hệ thống giáo dục.
Vay từ các quốc gia khác
Các quốc gia có thể ký kết các hợp đồng vay nợ song phương, trong đó một quốc gia sẽ cho quốc gia khác vay vốn để phát triển hoặc giải quyết các vấn đề tài chính. Những khoản vay này thường đi kèm với các “điều kiện” về thương mại hoặc chính trị.
Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay lớn cho nhiều quốc gia châu Phi để xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi lại là các hợp đồng thương mại dài hạn hoặc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên.
In tiền
Mặc dù nợ chính phủ thường được so sánh với nợ cá nhân để minh họa sự lo ngại, nhưng có một điểm khác biệt quan trọng là các chính phủ có thể in tiền để trả nợ, điều mà các cá nhân không thể làm được.
Ngân hàng trung ương của một quốc gia có thể tạo ra tiền mới và bơm vào nền kinh tế để tài trợ cho các nhu cầu chi tiêu của chính phủ. Việc này thường được thực hiện thông qua việc mua trái phiếu chính phủ hoặc cung cấp vốn trực tiếp cho chính phủ.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sử dụng chính sách tiền tệ mở rộng, bao gồm việc in tiền để mua các tài sản tài chính, nhằm ổn định thị trường và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù in tiền có thể giúp giải quyết vấn đề tài chính ngắn hạn, nhưng nếu không được kiểm soát chặt chẽ, nó có thể dẫn đến lạm phát cao, làm giảm giá trị tiền tệ và gây bất ổn kinh tế. Lạm phát không chỉ ảnh hưởng đến sức mua của người dân mà còn có thể gây ra khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Tìm hiểu thêm: Bitcoin: Bức tường vững chắc trước lạm phát và sóng gió kinh tế
Zimbabwe đã in tiền quá mức vào đầu những năm 2000, dẫn đến lạm phát phi mã (hyperinflation), khiến giá cả tăng vọt và đồng tiền Zimbabwe mất giá trị hoàn toàn. Cuối cùng, quốc gia này buộc phải bỏ đồng tiền của mình và sử dụng ngoại tệ thay thế.
Các hình thức vay nợ của quốc gia rất đa dạng và phục vụ nhiều mục đích khác nhau, từ tài trợ cho các dự án phát triển đến ổn định nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, mỗi hình thức vay nợ đều đi kèm với những rủi ro và thách thức riêng, đòi hỏi sự quản lý cẩn thận và chiến lược tài chính khôn ngoan để tránh những hệ quả tiêu cực như lạm phát, nợ công quá mức hoặc khủng hoảng tài chính.
Ảnh hưởng của nợ đối với kinh tế quốc gia
Nợ công là một phần không thể thiếu trong quản lý tài chính của bất kỳ quốc gia nào. Nó mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đi kèm không ít rủi ro, tùy thuộc vào cách chính phủ sử dụng nguồn vốn vay này.
Tác động tích cực
Trước tiên, nợ công có thể là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi chính phủ vay tiền để đầu tư vào các dự án phát triển như giáo dục, y tế, và cơ sở hạ tầng, nó không chỉ tạo ra việc làm mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống và hỗ trợ sự phát triển kinh tế dài hạn.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Hoa Kỳ đã sử dụng nợ công để đầu tư mạnh mẽ vào các dự án cơ sở hạ tầng và các chương trình kích thích kinh tế. Những biện pháp này đã giúp nền kinh tế Mỹ nhanh chóng phục hồi và tạo ra hàng triệu việc làm mới.
Ngoài ra, nợ công còn hỗ trợ chính phủ trong việc triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn. Việc vay nợ cho phép chính phủ xây dựng các công trình cần thiết như đường xá, cầu cống, và bệnh viện mà không cần chờ đợi nguồn thu từ thuế.
Điều này rất quan trọng, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển cần xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc là một ví dụ điển hình, với việc sử dụng nợ công để tài trợ cho mạng lưới đường sắt cao tốc và các dự án phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế trong vài thập kỷ qua.
Tác động tiêu cực
Tuy nhiên, nợ công cũng mang lại những rủi ro không nhỏ. Một trong những vấn đề lớn nhất là gánh nặng nợ nần và áp lực trả lãi. Khi chi phí trả lãi tăng cao, nó có thể chiếm một phần lớn trong ngân sách quốc gia, làm giảm khả năng đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng khác như y tế và giáo dục. Nhật Bản là một ví dụ điển hình về vấn đề này. Với tỷ lệ nợ công hơn 200% GDP, Nhật Bản phải dành một khoản lớn ngân sách để trả lãi, khiến khả năng đầu tư vào các lĩnh vực khác bị hạn chế.
Ngoài ra, nợ công quá cao còn dẫn đến rủi ro mất khả năng thanh toán và vỡ nợ. Nếu nền kinh tế không phát triển đủ nhanh để tạo ra nguồn thu cho việc trả nợ, quốc gia đó có thể đối mặt với nguy cơ không thể trả nợ đúng hạn. Điều này có thể gây ra suy thoái kinh tế, giảm tín nhiệm quốc gia và mất niềm tin của nhà đầu tư. Khủng hoảng nợ công của Hy Lạp vào năm 2010 là một ví dụ điển hình. Khi nợ công tăng quá cao, Hy Lạp đã không thể tự mình giải quyết vấn đề mà phải nhờ đến sự cứu trợ của EU và IMF để tránh sụp đổ tài chính.
Cuối cùng, nợ công cao có thể làm giảm xếp hạng tín dụng quốc gia, khiến chi phí vay nợ tăng lên do lãi suất cao hơn. Argentina là một trường hợp điển hình khi quốc gia này đã nhiều lần gặp khó khăn tài chính vì phải vay với lãi suất cao do tín dụng thấp, dẫn đến một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính và tái cơ cấu nợ nhiều lần.
Tương lai của nợ công
Dự báo cho thấy nợ công trên toàn cầu sẽ “tiếp tục gia tăng” do những biến động kinh tế và các sự kiện lớn như đại dịch COVID-19, xung đột tại các khu vực như Ukraine, và các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chính phủ đang phải đối mặt với áp lực lớn để chi tiêu cho các chương trình phục hồi kinh tế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các biện pháp cứu trợ khẩn cấp. Điều này đồng nghĩa với việc vay nợ thêm, và do đó, nợ công sẽ tiếp tục tăng cao.
Một ví dụ rõ ràng là sau đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia như Hoa Kỳ đã phải tăng mạnh chi tiêu cho các gói cứu trợ kinh tế, dẫn đến mức nợ công kỷ lục. Chi phí lớn cho việc đối phó với đại dịch đã khiến nhiều chính phủ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách và cần vay nợ nhiều hơn để bù đắp các khoản chi tiêu này. Điều này cho thấy nợ công không chỉ là một con số, mà còn là biểu hiện của các quyết định chính sách trong thời kỳ khủng hoảng.
Ngoài ra, biến động lãi suất toàn cầu cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến nợ công trong tương lai. Khi các ngân hàng trung ương, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), quyết định tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, chi phí vay nợ sẽ tăng lên. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với các quốc gia có mức nợ công cao, vì họ sẽ phải đối mặt với chi phí trả lãi ngày càng lớn. Ví dụ, nếu Fed hoặc ECB tăng lãi suất, các quốc gia như Ý hoặc Nhật Bản có thể phải chi nhiều hơn cho việc trả lãi, gây áp lực tài chính lớn lên chính phủ.
Một thách thức khác mà các quốc gia sẽ phải đối mặt là dân số già hóa và chi phí phúc lợi xã hội ngày càng tăng. Ở nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Đức, và Hàn Quốc, dân số già hóa đồng nghĩa với việc chi tiêu nhiều hơn cho y tế và lương hưu. Nếu không có các biện pháp cải cách tài chính kịp thời, nợ công có thể tiếp tục tăng cao. Nhật Bản, với dân số già hóa nhanh chóng, đã phải đối mặt với chi phí cao cho hệ thống y tế và lương hưu, làm cho nợ công của nước này đạt mức cao nhất thế giới.
Vậy tôi nên làm gì?
Đầu tư vào các loại tài sản
Trước xu hướng nợ công ngày càng tăng cao trên toàn cầu, là một nhà đầu tư, bạn nên cân nhắc đầu tư vào các tài sản có khả năng lưu trữ giá trị và tăng giá trong dài hạn để bảo vệ giá trị lao động của mình. Những tài sản này có thể bao gồm vàng, bất động sản, Bitcoin và các cổ phiếu của công ty mạnh mẽ và ổn định.
Lý do là vì khi nợ công tăng, các chính phủ có thể lựa chọn in thêm tiền để trả nợ, điều này dẫn đến lạm phát và làm giảm giá trị đồng tiền. Đầu tư vào các tài sản có giá trị nội tại vững chắc sẽ giúp bạn bảo vệ tài sản khỏi sự mất giá và đảm bảo giá trị lao động của mình không bị ăn mòn bởi lạm phát.
Theo dõi tình hình kinh tế vĩ mô
Theo dõi các tin tức về kinh tế vĩ mô, thông báo từ các ngân hàng trung ương và chính phủ. Hiểu rõ bối cảnh kinh tế sẽ giúp bạn dự đoán các thay đổi về lãi suất, lạm phát và tác động của chúng đến các khoản đầu tư của bạn.
Với nợ công ngày càng tăng, nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính hoặc suy thoái kinh tế không thể loại trừ. Chuẩn bị trước cho các tình huống bất ngờ sẽ giúp bạn bảo vệ tài sản và tận dụng cơ hội khi thị trường điều chỉnh.
Lý do phải đầu tư vì lạm phát luôn phải có
Hãy duy trì một lượng tiền mặt đủ để có thể mua vào khi giá tài sản giảm.
Nợ công tăng cao là một thực tế mà các nhà đầu tư cần phải đối mặt. Tuy nhiên, bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư, theo dõi tình hình kinh tế vĩ mô, đầu tư vào tài sản an toàn, và chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ, bạn có thể bảo vệ tài sản của mình và thậm chí tìm kiếm cơ hội trong những thời điểm khó khăn. Hãy luôn linh hoạt và cẩn trọng, vì sự chuẩn bị kỹ lưỡng chính là chìa khóa để thành công trong bối cảnh tài chính phức tạp này.
Kết luận
Nợ công có thể là một công cụ hữu ích để thúc đẩy phát triển kinh tế nếu được sử dụng đúng cách và quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, nó cũng có thể trở thành gánh nặng lớn nếu không được kiểm soát chặt chẽ, gây ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế quốc gia. Các chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và rủi ro của nợ công để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong tương lai.
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital