#7 - 7 Sai lầm khi đầu tư [Giao Dịch]
Hầu hết các lần giao dịch đầu tiên đều mang lại cho họ một khoản lợi nhuận nhất định. Những khoản lợi nhuận ấy giống như một cơn nghiện trói buộc và khiến họ tin rằng mình sẽ giàu lên nhanh chóng. Nhiều người chỉ tập trung vào đầu cơ, giao dịch nhiều lần trong ngày thay vì đầu tư.
Với các nhà đầu tư cá nhân thông thường, khi thị trường đảo chiều từ tăng xuống giảm giá, tâm trạng của họ chẳng khác nào đang ngồi trên tàu lượn siêu tốc. Thông thường khi làn sóng tăng giá của thị trường bước vào những giai đoạn cuối, họ mới bắt đầu để ý và mua vào. Nhìn chung, hầu hết các lần giao dịch đầu tiên đều mang lại cho họ một khoản lợi nhuận nhất định. Những khoản lợi nhuận ấy giống như một cơn nghiện trói buộc và khiến họ tin rằng mình sẽ giàu lên nhanh chóng. Nhiều người chỉ tập trung vào đầu cơ, giao dịch nhiều lần trong ngày thay vì đầu tư.
Những nhà đầu tư chuyển qua những cơ hội mới với với rủi ro cao hơn, một số người còn tiến xa hơn để trở thành một nhà giao dịch trong ngày. Họ tham dự các hội nghị, đồng thời bỏ nhiều tiền mua lại những lời khuyên những phần mềm có thể mách cho họ khi nào nên mua và khi nào nên bán.
Và khi bong bóng thị trường nổ tung. Do không có kinh nghiệm về chu kỳ thị trường, các nhà đầu tư này chết sững vì sợ hãi. Chứng kiến những khoản đầu tư của mình mất giá không phanh và lợi nhuận trên giấy bốc hơi trong chớp mắt, họ những người không bao giờ đề phòng, cũng như không biết phải làm thế nào để đối phó với sự sụp đổ nhanh chóng của thị trường, chẳng biết làm gì ngoài việc bó tay thúc thủ. Sau khi thề độc cả đời sẽ không thèm dính vào thị trường một lần nữa, họ quan sang chửi rủa những những người sáng lập, nhà quản lý, chính phủ hay bất cứ ai mà họ có thể nghĩ ra ngoại trừ chính bản thân họ.
Trong khi đó, dân đầu tư chuyên nghiệp và các nhà đầu tư cá nhân giàu kinh nghiệm lại chơi một trò chơi hoàn toàn khác. Họ như những kỵ sĩ đơn độc, luôn luôn bị thách thức phải hành động khác biệt với mọi người và đôi lúc phải gồng mình cưỡng lại những lời mật ngọt dụ dỗ họ gia nhập cùng đám đông đang cuồng loạn như những con thiêu thân lao đầu vào vách đá tài chính. Những nhà đầu tư này mua khi lần sóng giá xuống của thị trường sắp kết thúc khi những tài sản này được định giá thấp và bắt đầu vào giai đoạn giá lên. Nhiệm vụ của họ lúc này vừa khó khăn, vừa đơn độc, bởi khi ấy các kênh truyền thông tài chính luôn đầy ắp những thông tin xấu, trong khi đa phần mọi người sẽ tin rằng thị trường sẽ không bao giờ hồi phục. Một số khác thì sợ thị trường như sợ cọp và hoàn toàn không có chút hứng thú với nó. Đối với họ, bất cứ ai đâm đầu vào thị trường lúc này đều là những kẻ ngốc lầm đường lạc lối.
Tuy nhiên, đó chính là thời khắc tốt để mua.
Thông thường, thị trường sẽ phải mất một thời gian khá dài để quá độ từ giai đoạn bị định giá quá cao sang giai đoạn bị định giá quá thấp. Dân chuyên nghiệp và các nhà đầu tư cá nhân thông minh sẽ bắt đầu mua vào ở đáy chu kỳ và tiếp tục mua vào khi thị trường dần chuyển sang xu hướng tăng. Khi thị trường trở lại bình thường, mọi thứ bắt đầu được định giá lại. Họ ngồi im và nhìn khối tài sản của mình phình to dần nhờ lợi nhuận.
Đối với nhà đầu tư non kinh nghiệm, những người gần như mất trắng trong giai đoạn cuối của quá trình, họ chẳng học được gì từ sai lầm của mình. Tuy vậy, vẫn có một số ít nhìn ra bài học và hành động hoàn toàn khác biệt trong lần tiếp theo nhờ đó họ được gia nhập vào hàng ngũ của các nhà đầu tư thành công.
Mọi thứ dường như thật đơn giản khi hiểu quá trình đó diễn ra như thế nào. Bắt đầu mua vào khi làn sóng giá xuống sắp kết thúc và tiếp tục mua khi thị trường đi lên. Khi thị trường được định giá cao quá mức, bắt đầu bán ra khi những người khác mua vào chỉ tiếp xúc ở mức nhỏ với thị trường khi bản nhạc của thị trường giá lên sắp kết thúc.
Tuy nhiên, thực hiện được điều đó quả thực chẳng đơn giản tẹo nào. Khó khăn không nằm ở sự logic của vấn đề, mà nằm ở tâm trí của chúng ta. Và bên dưới là 7 vấn đề đặc thù trong đầu tư mà mọi người nên tránh.
1. Nghĩ rằng một ai đó có thể dự đoán được thị trường
Có một niềm tin khá phổ biến trên thị trường cho rằng chúng ta có thể dự đoán được tương lai, hoặc ít nhất sẽ có một vài vị “Thánh Sống” đủ khả năng làm được điều này và họ có thể nói cũng như dạy chúng ta kỹ năng đó. Sự thực thì, tương lai là thứ gần như không thể đoán trước một cách thường xuyên và chính xác.
Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, các chuyên gia đánh giá cao quá mức năng lực dự đoán của họ. Tuy nhiên, không ở đâu nhiệm vụ dự báo lại khó khăn hơn và các chuyên gia cũng dự báo thất bại thường xuyên hơn trên thị trường tài chính.
Để có thể thành công, chúng ta cần một chiến lược khác. Hãy quên ngay dự đoán và tạo ra ra một chiến lược có khả năng phát huy tác dụng ngay cả khi chúng ta không dự đoán được mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào. Trên thực tế, quy luật mua bán mà chúng ta vừa nói ở trên hiển nhiên một cách khó tin: Mua khi giá rẻ và bán khi giá đắt.
2. Cố trở nên hoàn hảo
Trong trò chơi đầu tư, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo luôn là những người gặp khó khăn nhất. Bởi lẽ đầu tư đồng nghĩa phải quản lý sự không chắc chắn, cũng như không cố gắng tìm kiếm sự chắc chắn nằm trong khả năng tính toán. Các nhà đầu tư dạng này luôn luôn kìm chế đầu tư cho đến thời khắc hoàn hảo như họ mong muốn. Họ muốn khi giá đã chạm đáy. Điều này là không thể ngoại trừ hai loại người: (1) những kẻ cực kỳ may mắn và (2) những tên dối trá.
Để thành công, chúng ta buộc phải chấp nhận và học cách quản lý sự không chắc chắn. Mặc dù biết thị trường có thể giảm thấp hơn nữa trước khi tăng trở lại, chúng ta vẫn phải hạ quyết định mua vào, bởi lẽ chúng ta không biết khi nào thị trường chạm đáy, ngoại trừ trong nhận thức muộn.
Những quyết định đầu tư tốt nhất thông thường sẽ là những quyết định khó khăn nhất.
3. Sợ mắc sai lầm
Điều này có quan hệ khá gần với “cố trở nên hoàn hảo”. Tuy nhiên, không phải chỉ những người theo chủ nghĩa hoàn hảo mới mắc căn bệnh này. Không một ai trên đời này thích mắc sai lầm. Tuy nhiên, do việc dự đoán một cách thường xuyên liên tục hiệu quả hoạt động của thị trường là điều không thể, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là nhận biết các cơ hội và quản lý sự không chắc chắn, đây có thể được coi là phần không thể thiếu của hoạt động đầu tư.
Sau đó chúng ta sẽ xây dựng định hướng của mình thông qua một danh mục đầu tư, thứ giúp chúng ta củng cố hơn nữa kỳ vọng của bản thân. Cùng lúc đó, hãy bán toàn bộ những khoản đầu tư gây thất vọng. Quan trọng hơn, hãy duy trì một ranh giới an toàn cho hoạt động đầu tư bằng cách mua những dự án tốt với giá rẻ, kết hợp với việc sở hữu một nguồn tiền vững chắc và quản lý rủi ro cẩn thận.
4. Không có khả năng hoạt động độc lập
Chính vì chúng ta cần phải hành động theo cách gần như đi ngược lại với đám đông xung quanh, thế nên đầu tư có thể nói là một nghề nghiệp rất cô đơn. Với những người luôn cần tới sự cổ vũ của bạn bè đồng nghiệp trong mọi hoạt động của cuộc sống, họ sẽ cảm thấy đầu tư là một công việc vô cùng khó khăn, ngoại trừ trường hợp họ có thể tập hợp xung quanh mình những người hiểu rõ nhu cầu cấp thiết phải hành động ngược lại với tin tức của giới truyền thông và quan điểm chung của đám đông.
Vào những thời khắc quan trọng nhất, như những thời điểm mang tính bước ngoặt của thị trường, hoạt động độc lập có thể coi là một nhiệm vụ cực kỳ khó. Chính vì lý do này, nhiều nhà đầu tư vĩ đại đã hun đúc được cho mình những tính cách đặc biệt mạnh mẽ và kỷ luật.
5. Tự tin thái quá
Vì một vài lý do nào đó, đa phần mọi người dường như coi đầu tư là một việc rất dễ dàng. Rất nhiều nghiên cứu về sự tự tin thái quá cho thấy càng kém hiểu biết về một thứ gì đó, chúng ta càng có xu hướng đánh giá cao quá mức khả năng của bản thân.
Sự thực, đầu tư là một công việc rất khó khăn. Nó đòi hỏi phải có trình độ học vấn, kinh nghiệm, sự cần mẫn và tính nhẫn nại.
6. Thiếu kiên nhẫn
Đầu tư có nghĩa là không phải ngay lập tức chúng ta sẽ có được phần thưởng.
Các nhà đầu tư vĩ đại luôn là những người giàu có một cách chậm chạp. Bản thân họ cũng luôn phải đấu tranh để không bị cám dỗ bởi những âm mưu làm giàu nhanh chóng. Họ hiểu rằng thứ quá tốt thường không có thực. Cứ mỗi năm trôi qua, cuộc sống dường như lại vận động nhanh hơn, đó là lý do vì sao chúng ta trả tiền và muốn ngay lập tức nhìn thấy kết quả. Đầu tư thì không như vậy.
Về cơ bản, đầu tư đồng nghĩa tiếp nhận sự không chắc chắn bằng cách sử dụng một phần tiền tiết kiệm của mình để tài trợ cho một hoạt động kinh doanh. Có thể mất hàng năm trời mới nhìn thấy kết quả của việc làm đó. Đầu tư vào những ý tưởng chất lượng và để nguồn vốn của chúng ta phát triển theo chúng, đó là cách đầu tư duy nhất và không có một phương án thay thế nào khác.
7. Sở hữu những kỳ vọng phi thực tế
Tỷ lệ lợi nhuận chính là mảnh đất màu mỡ cho những kỳ vọng phi thực tế nhất của các nhà đầu tư mới vào nghề. Đó cũng là lý do giải thích vì sao họ dễ dàng bị lừa bịp bởi những hệ thống quản cáo hứa hẹn sẽ mang lại những khoản lợi nhuận không tưởng.
Warren Buffett là nhà đầu tư vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta và không ai có thể tranh cãi về điều này. Trong giai đoạn 1965 đến 2011, lợi nhuận theo báo cáo của ông khoảng 20%. Do đó, bất cứ khoản đầu tư nào mang lại tỷ lệ lợi nhuận bằng quá nửa tỷ lệ lợi nhuận của ông có thể được coi là tốt. Trong quá khứ, ông luôn tránh xa những kỳ vọng điên rồ trong giai đoạn bùng nổ của bong bóng công nghệ và internet. Nhiều người khi ấy chê cười ông là đã quá già không thể làm gì được nữa. Nhưng, cuối cùng chính họ mới là những kẻ ngu xuẩn.
Tổng kết
Chìa khóa để thành công trong đầu tư là mua khi giá còn rẻ. Tuy nhiên, làm được điều đó không phải chuyện đơn giản. 7 quan niệm mà chúng ta cần phải vượt qua để thành công trong đầu tư đó là:
- Nghĩ rằng một ai đó có thể dự đoán được thị trường
- Cố trở nên hoàn hảo
- Sợ mắc sai lầm
- Không có khả năng hoạt động độc lập
- Tự tin thái quá
- Thiếu kiên nhẫn
- Sở hữu những kỳ vọng phi thực tế
P/s: Một phần trong bài viết được lấy cảm hứng từ tác giả : Colin Nicholson
Biên tập và Tổng hợp : Dũng Bùi
► Tham gia các Sàn giao dịch với ưu đãi độc quyền cùng ThuanCapital